Gần đây, Báo Bình Thuận đã tiếp không ít các bậc làm cha, làm mẹ đến phản ánh tình trạng mình bị con cái đánh đập, tranh giành tài sản. Có trường hợp cha mẹ bị chính con cái của mình “dùng chiêu”, sang tên tài sản khiến họ phải đưa nhau ra chốn công đường…
Ông Tám với những vết thương do bị con mình đánh.
Mới đây, ngày 26-2-2016, vợ chồng ông Tám, ở thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc đến Báo Bình Thuận phản ánh mình bị đứa con giàu sụ đánh và ngăn cản không cho ông bà xây nhà. “Khi vợ chồng tôi chuẩn bị mở móng thì nó chạy tới. Nó cấm không cho xe đổ vật liệu rồi lớn tiếng mắng vợ chồng tôi thậm tệ. Nó còn đánh ông ấy sưng cả miệng, chảy máu ở ngón tay cái. Nó nói đất của nó không ai được xây, nhưng đây là đất của tui mà”, bà L vừa nói vừa khóc.
Vợ chồng ông Tám cho biết: Mâu thuẫn giữa người con trai với ông bà xảy ra từ khi ông bà được người em cho 1.500 m2 đất ở thị trấn Phú Long. Sau đó, người con nói với ông bà: “Ba mẹ còn tài sản gì thì cho con hết đi. Con sẽ lo cho ba mẹ suốt đời. Nó nói ngon nói ngọt vậy nên tôi đồng ý nhưng chỉ bằng miệng chứ chưa ký giấy tờ gì cả. Tuy nhiên, sau đó nó “trở mặt”, không chăm lo cho vợ chồng tôi mà còn mắng vợ chồng tôi sao sống lâu vậy”, ông Tám kể lại. Vì tuổi cao sức yếu nên vợ chồng ông Tám quyết định xây nhà trên mảnh đất mà người em đã cho để tiện sinh hoạt. Cuối tháng 2/2016, vợ chồng ông bà tiến hành xây dựng thì bị người con ra ngăn cản và gây thương tích. Điều đáng buồn hơn là người con trai đánh ông bà có kinh tế rất khá. Người con này có gần 10 chiếc xe ô tô, 6 căn nhà trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc. “Lúc nó lấy vợ, tôi cho nó 15 chỉ vàng, 200 m2 đất để xây nhà. Nhờ nguồn vốn đó nó mới có cơ ngơi như ngày hôm nay. Thấy nó giàu, tôi tưởng mình được đỡ đần lúc về già...”, ông Tám nói mà ánh mắt buồn buồn.
Sinh con những mong lúc cuối đời sẽ có nơi nương tựa, vui vầy bên con cháu. Nhưng trước ma lực của đồng tiền, con cái đã hắt hủi cha mẹ tìm mọi cách để chiếm tài sản. Điều đáng buồn là hiện tượng này ngày càng có chiều hướng gia tăng. Một hiện tượng khiến cả xã hội nên suy nghĩ…
Mấy năm gần đây, người dân xã Sông Phan, huyện Hàm Tân đã quen với hình ảnh cụ già gần 80 tuổi cầm giấy triệu tập lên tòa án nhân dân huyện để hòa giải. Nhiều người thầm thương cho cụ, vất vả nuôi con nhưng giờ lại phải “gặp nhau” tại tòa để giải quyết tranh chấp tài sản do chính ông cụ làm ra…
Sự việc bắt đầu từ cuối năm 2009, ông Sáu thực hiện di nguyện của người vợ quá cố cho người con trai tên Ba thêm 3 sào đất để con có cái làm ăn. Vài ngày sau khi ông Sáu nói cho, người con đã mang một tờ giấy đã viết kín chữ đến gặp ông. “Khi đó nó nói với tôi là ba cho con đất thì ba ký vô tờ giấy này để con mang lên xã làm sổ đỏ. Vì biết có ít chữ mà cái tờ giấy đó viết dài quá nên tôi không đọc được hết. Với lại ai nghĩ nó dám làm cái chuyện đó nên tôi ký vô tờ giấy”, ông Sáu nói với giọng buồn buồn. Sau khi làm xong sổ, người con nói ông Sáu là sổ đã lấy về rồi để ông giữ giúp.
Đến năm 2011, ông Sáu đổ bệnh nặng, không có tiền mua thuốc nên kêu người bán đất. Người mua yêu cầu xem sổ đỏ thì mới phát hiện ra toàn bộ diện tích đất hơn 40.000 m2 đã sang tên cho người con tên Ba. “May mà lúc đó còn có ba đứa con gái của tôi hết lòng chạy chữa, thuốc thang chứ không giờ này tôi đã xanh cỏ”, ông Sáu nói mà như khóc. Sau khi khỏi bệnh, ông Sáu làm đơn lên xã Sông Phan đề nghị giải thích vì sao ông và 4 người con còn lại chưa ký mà xã đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Ba. Sau đó, xã Sông Phan có mời hai bên lên làm việc rồi chuyển hồ sơ xuống cho Tòa án nhân dân huyện Hàm Tân giải quyết.
Từ năm 2011 đến nay, lâu lâu ông Sáu lại nhận được giấy triệu tập của tòa để tiến hành hòa giải. Hiện nay, ông Sáu đang bị bệnh cần tiền để thuốc thang nhưng vụ việc cứ kéo dài mãi khiến ông không biết xoay sở như thế nào. “Gần 80 tuổi rồi, liệu tôi còn sống được bao nhiêu năm nữa mà cứ mời lên mời xuống hoài. 4 năm chứ có ít đâu mà sao Tòa án huyện Hàm Tân không chịu xử. Số đất đó, tôi mới chỉ chia thằng Ba, 4 đứa còn lại tôi chưa cho gì cả. Khi tôi mất đi mà vụ việc chưa được giải quyết thì liệu thằng Ba nó có chia đất cho mấy đứa kia không. Không may chúng giành đất mà chém nhau như một số vụ gần đây thì ai sẽ chịu trách nhiệm”, ông Sáu vừa nói vừa thở dài.
Bình luận (0)