xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

An sinh bền vững cho người lao động

NHÓM PHÓNG VIÊN

Hai phương án rút BHXH một lần trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) chưa phải là những phương án tối ưu vì chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần và chưa tạo được sự đồng thuận cao

Từ trước Tết Nguyên đán 2024, khi đơn hàng có dấu hiệu hồi phục, Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM) đã thuê thêm mặt bằng, trang bị thêm máy móc để mở thêm 4 chuyền may. Tuy nhiên, đến nay có 3 chuyền mới đi vào hoạt động vì tuyển không ra lao động. Điều đáng nói là số lao động tuyển mới chỉ đồng ý làm việc dưới dạng thời vụ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp và chờ rút BHXH một lần.

Công nhân "chạy luật"

Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng Phòng Nhân sự công ty, cho biết hiện doanh nghiệp (DN) đang cần thêm khoảng 100 công nhân (CN) để đáp ứng kế hoạch sản xuất trong tháng 6. Tuy nhiên, số tuyển vào chỉ vừa đủ bù đắp số người lao động (NLĐ) xin nghỉ hưởng BHXH 1 lần. Tháng 5-2024, công ty tuyển được 20 người thì có 15 người xin nghỉ để né sự thay đổi của chính sách BHXH.

Cũng theo ông Sơn, số CN xin nghỉ đa số có thời gian đóng BHXH trên 10 năm, trong đó có cả những quản lý chuyền khiến DN đau đầu. Dù nỗ lực tuyên truyền song suy nghĩ của đại đa số CN là cứ rút BHXH một lần, sau đóng lại vẫn đủ điều kiện hưởng lương hưu. Suy nghĩ này đến từ thực tế không ít người đóng BHXH lâu năm nhưng lương hưu nhận được không đủ sống khi hết tuổi lao động. Không riêng gì Công ty TNHH May mặc Song Ngọc, nhiều DN cũng gặp khó khăn khi CN liên tục xin nghỉ việc để rút BHXH một lần trong khi khó tuyển mới do nhiều NLĐ trong thời gian chờ rút bảo hiểm, chỉ muốn làm thời vụ. Qua thăm dò ý kiến, đa số NLĐ đều chọn phương án 1 (tức là kế thừa quy định giải quyết BHXH một lần theo Luật BHXH 2014 đối với những trường hợp tham gia BHXH trước khi luật mới có hiệu lực).

An sinh bền vững cho người lao động- Ảnh 1.

Chính sách BHXH cần tạo ra sự công bằng và bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo Đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (Đoàn đại biểu tỉnh Hà Giang), phương án 1 là phù hợp với nguyện vọng của NLĐ đồng thời bảo đảm an sinh tuổi già cho họ, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, bà Hương đề nghị có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ NLĐ trong giai đoạn mất việc làm để giảm thiểu tình trạng rút BHXH một lần. Còn luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM) lại chọn phương án 2 (NLĐ chỉ được rút BHXH không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và bảo lưu phần còn lại) vì cho rằng đây là quyền của NLĐ. Ông Hậu cho rằng trong tổng số tiền đóng vào Quỹ BHXH, đối với BHXH bắt buộc thì số tiền người sử dụng lao động đóng chiếm 2/3, NLĐ chỉ chiếm 1/3 nhưng vẫn được hưởng các quyền lợi, chính sách xã hội tương tự người đóng BHXH tự nguyện. Điều này thể hiện nguyên tắc của pháp luật là tôn trọng và đề cao quyền lợi của NLĐ, vì thế việc sửa đổi luật và cho phép NLĐ được rút một phần và bảo lưu phần còn lại để tiếp tục đóng để được hưởng các chế độ BHXH là phù hợp với tinh thần của pháp luật, vừa bảo đảm được nguồn quỹ BHXH vừa đáp ứng được nhu cầu rút BHXH của NLĐ.

Giảm thiểu sự phân hóa

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, chính sách BHXH một lần có rất sớm. Từ năm 1995, khi ban hành Điều lệ BHXH đã có và tiếp tục được hoàn thiện cho đến nay. Bản chất của chính sách này là để giải quyết một cách kịp thời, linh hoạt cho NLĐ rủi ro bị mất việc làm hoặc gặp biến cố trong cuộc sống, là chính sách rất nhân văn. Trước đây, có ít trường hợp rút BHXH một lần nhưng gần đây, tình trạng này tăng cao; ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của NLĐ và tác động tới chính sách an sinh xã hội của đất nước.

Theo thống kê nhiều năm của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hơn 50% NLĐ có mức lương chỉ đủ trang trải cuộc sống, số NLĐ có nguồn tiền tích trữ rất ít. Trong bối cảnh việc làm không bền vững, một số DN có chính sách cắt giảm lao động lớn tuổi bởi tính theo thâm niên, lương của họ càng cao thì chi phí BHXH đóng cho họ càng lớn. Bởi vậy, không lạ khi có những DN "khuyến khích" NLĐ nghỉ việc để nhận BHXH một lần. Thêm vào đó, niềm tin của NLĐ với hệ thống an sinh xã hội cũng giảm bởi tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH. Từ thực tế trên, ông Quảng nhấn mạnh các chính sách an sinh xã hội có tính liên thông, không phải chỉ quy định về BHXH một lần.

Cũng theo ông Quảng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút BHXH nên cần có giải pháp đồng bộ để khắc phục. Cụ thể cần tăng tính chia sẻ trong chế độ hưu trí. Nguyên tắc đóng - hưởng ở chính sách hưu trí thể hiện rõ nét, nhưng sự chia sẻ đang còn ít. Điều này dẫn đến sự chênh lệch khá lớn về lương hưu của người tham gia. Với nhóm CN trực tiếp, do cách tính và nền tiền lương đóng BHXH thấp, thường phải về hưu trước tuổi phải trừ phần trăm nên lương hưu rất thấp. Trong khi đó, một số trường hợp về hưu lại hưởng lương hưu khá cao. "Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vẫn chưa có sự điều chỉnh để tăng sự chia sẻ trong các đối tượng này. Chính sách cần tạo ra sự công bằng và bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng nhưng cần có cơ chế giảm thiểu sự phân hóa này" - ông Quảng bày tỏ.

Theo luật sư Đào Quang Huy (Đoàn Luật sư TP HCM), Quỹ BHXH là quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa những NLĐ cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia BHXH nên cần phải công khai, minh bạch trong thu chi, quản lý để NLĐ yên tâm. "Bên cạnh cam kết về sự an toàn của Quỹ BHXH, cần khắc phục các nhược điểm như tỉ lệ hưởng thấp, bất cập trong cách tính bình quân lương làm căn cứ hưởng chế độ giữa NLĐ là cán bộ, công chức với NLĐ ngoài quốc doanh" - luật sư Huy đề xuất. 

Giải tỏa lo lắng cho NLĐ

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương), dù lựa chọn phương án nào cũng đều phải có giải pháp để giữ NLĐ ở lại hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia BHXH, đó mới là giải pháp căn cơ và lâu dài. Nữ đại biểu đề nghị cần phân tích cụ thể tính ưu việt và bản chất thực sự của BHXH để NLĐ hiểu thấu đáo cũng như công tác thông tin, tuyên truyền thời gian tới để giải tỏa hết những băn khoăn, lo lắng của họ. Bởi lẽ, sửa đổi luật nhằm tăng quyền lợi cũng như thuận lợi hơn trong thực hiện, chứ không nhằm giảm bớt quyền lợi của NLĐ; là sự bảo chứng về an sinh xã hội đối với đông đảo tầng lớp nhân dân, những người trực tiếp đóng góp vào sự phát triển của đất nước.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo