Lực lượng lao động cả nước hiện có 52,1 triệu người, tuy nhiên, mới có trên 17,489 triệu người (khoảng 30%) lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Đó là số người đã được cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH.
Như vậy, hiện gần 34 triệu lao động (khoảng 70%), chiếm 2/3 lực lượng lao động cả nước, chưa được thu thập, nắm thông tin về tình trạng lao động, việc làm. Đây là những lao động phi chính thức, không được tiếp cận các chính sách an sinh về BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.
Hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Công an và các địa phương tiếp tục tổ chức thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Tính đến tháng 2-2024 đã thu thập dữ liệu khoảng 22,35 triệu lao động.
Theo đó, việc đăng ký lao động sẽ áp dụng cho cả người có hợp đồng chính thức lẫn khối phi chính thức. Bốn nhóm thông tin đăng ký cơ bản gồm họ tên, định danh cá nhân, nơi ở hiện tại; chuyên môn gồm giáo dục phổ thông, nghề nghiệp, đại học hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; việc làm gồm công việc cụ thể, nơi làm việc; cuối cùng là thông tin BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Sau khi đăng ký, thông tin sẽ được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về người lao động, liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia. Đây được coi là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Nhằm mở rộng lưới an sinh, tại dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất đưa thêm 3 nhóm lao động vào diện đóng bảo hiểm thất nghiệp, gồm: Người có giao kết hợp đồng xác định thời hạn từ một tháng trở lên; Người làm việc không trọn thời gian mà có tổng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn lương đóng BHXH bắt buộc, thấp nhất bằng một nửa lương tối thiểu tháng vùng I; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hưởng tiền lương.
Ngoài mở rộng đối tượng, dự thảo luật cũng quy định thêm nhóm đối tượng không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, người lao động theo quy định đang làm việc theo hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động; Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ; Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu; Người lao động là người giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp?
Bên cạnh việc mở rộng đối tượng tham gia, dự thảo Luật cũng đề xuất sửa mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Luật Việc làm hiện hành quy định mức đóng này của người lao động và người sử dụng lao động cố định là 1% mức tiền lương tháng.
Dự thảo luật đề xuất sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Bình luận (0)