Xung đột Nga – Ukraine sắp bước sang năm thứ 4 nhưng chưa có hồi kết. Các báo cáo cho thấy Moscow đang chiến ưu thế trên trường.
Kiev cũng phải đối diện với nỗi lo viện trợ Mỹ tương lai không chắc chắn do Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp nhậm chức. Xuyên suốt quá trình vận động tranh cử năm 2024, ông Trump tuyên bố nếu tái đắc cử vào Nhà Trắng sẽ không còn chuyện cứ mỗi lần Tổng thống Volodymyr Zelensky đến Mỹ đều ra về với hàng tỉ USD.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 tiếp tục "gây đau đớn tối đa cho Nga" bằng các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có và cùng chung tay tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine.
"Chúng ta đều thấy Tổng thống Putin không có dấu hiệu nhượng bộ. Cho nên, điều quan trọng là chúng ta phải tăng cường sự ủng hộ để đưa Ukraine vào vị thế tốt nhất có thể cho tương lai" – RT dẫn thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Starmer.
Tuyên bố diễn ra trong bối cảnh Mỹ - Anh vừa công bố các lệnh trừng phạt mới nhắm vào Moscow.
Cùng đó, các đại sứ EU đã nhất trí về gói trừng phạt kinh tế thứ 15 chủ, yếu nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga và các công ty Trung Quốc bị cáo buộc sản xuất máy bay không người lái cho quân đội Nga.
Số liệu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel của Đức (nơi theo dõi viện trợ của phương Tây cho Ukraine) cho thấy Anh đã viện trợ quân sự 10,52 tỉ USD cho Ukraine kể từ khi nổ ra xung đột tháng 2-2022.
RT cho hay các đợt trừng phạt liên tiếp đã không thể "làm sụp đổ" nền kinh tế Nga như Tổng thống Mỹ Joe Biden dự đoán vào năm 2022. Thay vào đó, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng 3,6% trong năm 2024, trong khi nền kinh tế Anh tăng trưởng 1,1%, theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
"Chúng tôi đã học được rất nhiều từ các lệnh trừng phạt của phương Tây" - Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nói với nhà báo người Mỹ Tucker Carlson hồi đầu tháng 12 và quả quyết – "Họ sẽ không bao giờ khiến chúng tôi gục ngã. Chúng tôi thậm chí còn mạnh mẽ hơn".
Tổng thống Putin14-12 cũng nhấn mạnh kinh tế Nga đang tăng trưởng giữa "các lệnh trừng phạt chưa từng có, sự can thiệp trắng trợn và áp lực từ giới tinh hoa cầm quyền của một số quốc gia".
Ông nhấn mạnh Moscow sẽ đạt được tất cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của mình.
Thủ tướng Starmer tháng trước cũng tuyên bố cung cấp vũ khí và đạn dược để giúp Ukraine "đảm bảo một nền hòa bình công bằng và lâu dài theo các điều khoản của họ".
Điện Kremlin sau đó đáp lại rằng bất kỳ điều khoản hòa bình nào với Ukraine trong tương lai đều tệ hơn so với những điều khoản mà Kiev đã bác bỏ trong các cuộc đàm phán hòa bình tại Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 4-2022.
Nga hiện vẫn cương quyết với quan điểm Ukraine phải cam kết trung lập, không gia nhập NATO và phải chấp nhận "thực tế mới", ám chỉ Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye là một phần của Liên bang Nga.
Bình luận (0)