Trước khi giải khởi tranh, trên lý thuyết, hai chiếc vé chính thức vào vòng 1/8 dành cho hai đội đầu bảng, mặc nhiên không thuộc về bất kỳ đội tuyển quốc gia nào của Đông Nam Á cho dù có là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia hay Malaysia.
Mục tiêu khiêm tốn
Cụ thể ở bảng D, hai vị trí đầu bảng được dự đoán thuộc về Nhật Bản (hạng 17 FIFA) và Iraq (63), còn hai đội Đông Nam Á là Việt Nam (95) và Indonesia (146) sẽ quyết tử để tranh vị trí thứ ba.
Tương tự ở bảng E, Hàn Quốc (23) là ứng cử viên số 1 của ngôi đầu bảng; Bahrain (86) và Jordan (87) tranh vị trí nhì bảng, đội nào thua sẽ tranh hạng ba với Malaysia (130).
Cuối cùng ở bảng F, Saudi Arabia (56) và Oman (74) tranh nhau vị trí đầu bảng còn Thái Lan (113) và Kyrgyzstan (98) tranh hạng ba.
Thực tế tồn tại suốt bao năm qua là trình độ bóng đá của Đông Nam Á gần như thấp nhất trong mặt bằng chung của châu Á, có lẽ chỉ nhỉnh hơn khu vực Nam Á một chút.
Tuy nhiên, qua lượt đấu thứ nhất, dù cả ba đội Việt Nam, Malaysia, Indonesia cùng thua và chỉ có Thái Lan chiến thắng nhưng người hâm mộ của hai nền bóng đá đứng đầu khu vực là Việt Nam và Thái Lan đều hy vọng có thể vươn lên vị trí nhì bảng để giành suất chính thức.
Nếu như trong cuộc họp báo trước trận gặp Nhật Bản, HLV Philippe Troussier cho biết mục tiêu của đội tuyển Việt Nam là vượt qua vòng bảng với vị trí của 4/6 đội hạng ba bảng có thành tích tốt nhất, thì trong cuộc họp báo sau trận đấu, HLV Troussier còn nâng thêm một hy vọng đó là có thể giành vé chính thức vào vòng 1/8 với vị trí nhì bảng.
Tại sao HLV Troussier thêm tự tin? Vì đội tuyển Việt Nam thi đấu khá ấn tượng trong trận thua 2-4 trước ứng cử viên số 1 Nhật Bản, thậm chí đến phút 44, chúng ta còn dẫn trước Nhật Bản 2-1. HLV Troussier tin rằng nếu tiếp tục thể hiện với phong độ này, đội tuyển Việt Nam sẽ không ngại Indonesia, thậm chí còn tranh chấp sòng phẳng ngôi nhì bảng với Iraq.
Trong khi đó, người Thái Lan hào hứng trước chiến thắng thuyết phục của đội nhà trước đối thủ hơn họ 15 bậc trên bảng xếp hạng FIFA là Kyrgyzstan. Nếu các tuyển thủ Thái Lan dứt điểm tốt hơn thì chiến thắng dành cho họ có lẽ còn cao hơn tỉ số 2-0, kết quả họ không chỉ thắng hai bàn cách biệt.
Từ trận thắng Kyrgyzstan, đối thủ mới hạ Việt Nam 2-1 trong trận đấu kín trước giải vào ngày 9-1, nhiều người hâm mộ bóng đá Thái Lan cho rằng đẳng cấp đội tuyển Thái Lan vẫn hơn đội tuyển Việt Nam, cũng như tự tin đội nhà sẽ vượt qua vòng bảng.
Phải có chiến lược dài hạn
Thật ra niềm tin của ông Troussier có cơ sở khi đội tuyển Việt Nam thể hiện hình ảnh của một đội bóng có đẳng cấp hơn hẳn so với mặt bằng Đông Nam Á. Hơn nữa, cách phát biểu đầy tự tin trên tinh thần lạc quan đã là "chất" của ông Troussier, khi ông luôn muốn truyền lửa kích thích, động viên tinh thần thi đấu vượt lên chính mình cho các tuyển thủ Việt Nam.
Với bóng đá Thái Lan, họ có quyền vui mừng khi thắng đội tuyển hơn họ đến 15 bậc và lại là đối thủ trực tiếp trong cuộc chiến giành vị trí hạng ba của bảng đấu. Giờ đây, đội tuyển Thái Lan có quyền nghĩ đến tranh ngôi nhì bảng với Oman.
Thế nhưng nếu cả hai đội tuyển Việt Nam và Thái Lan không đạt chỉ tiêu vượt qua vòng bảng thì như thế nào? Sẽ lại sa thải HLV trưởng như cách làm thường xuyên của bóng đá Đông Nam Á?
Tất nhiên điều này sẽ khó xảy ra ngay nếu như kết quả không mong đợi này đến với hai đội tuyển, bởi giai đoạn quyết định của vòng loại thứ ba World Cup 2026 khu vực châu Á diễn ra vào hai tháng tới. Tuy nhiên, nếu không đạt chỉ tiêu, nếu không được vào vòng loại thứ hai World cup 2026, liệu HLV Troussier cũng như đồng nghiệp người Nhật ở đội tuyển Thái Lan có được tiếp tục tín nhiệm?
Với các nền bóng đá chuyên nghiệp đỉnh cao, rất rõ ràng, khi không đạt mục tiêu, HLV bị sa thải là điều tất yếu. Kết quả, thành tích của đội tuyển quốc gia thường đi đôi với sự tồn tại của vị trí HLV trưởng đội tuyển quốc gia.
Thế nhưng với Đông Nam Á, nơi trình độ thấp nhất thế giới, bóng đá cần có một cái nhìn khác, chính xác là tầm nhìn chiến lược dài hơi.
Cho đến lúc này, ông Troussier có lẽ là một trong số ít HLV nước ngoài đến làm việc với bóng đá Việt Nam với một kế hoạch dài hạn với mục tiêu đưa bóng đá Việt Nam vượt ngoài Đông Nam Á và tiệm cận với nhóm hàng đầu châu Á.
Cùng nhìn lại đội tuyển Việt Nam dưới thời kỳ của ông Troussier đã và đang nỗ lực được tái cầu trúc toàn diện, từ lực lượng đến triết lý chơi bóng nhằm hướng đến những tiêu chuẩn cao hơn.
Tín hiệu đáng mừng là sau 10 tháng dưới thời "phù thủy trắng", đội tuyển Việt Nam đã dần lột xác với nhiều cầu thủ trẻ tuổi từng bước khẳng định được tài năng.
Nhưng cho đến nay ĐTVN mới chỉ có 3 trận đấu chính thức với 2 ở vòng loại World Cup 2026, 1 ở Asian Cup 2023, và chúng ta cần hiểu rằng, nếu muốn những giấc mơ lớn trở thành hiện thực thì không thể chỉ sau vài trận đấu hay chỉ sau một thời gian ngắn.
Và đây là bài toán không dễ có lời giải cho bóng đá Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Bình luận (0)