Những ngày cuối tháng 11-2023, từ TP Vinh vượt quãng đường gần 300 km, chúng tôi đến dãy núi Pu Lon, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - nơi nổi tiếng với cánh rừng pơ mu, sa mu xanh ngút ngàn.
Trời không phụ lòng người
Trao đổi với dân bản, chúng tôi biết đến câu chuyện thú vị về một gia đình người Mông nhiều thế hệ tham gia trồng cây pơ mu và sa mu, phủ xanh những vùng đất trống, đồi trọc. Đó là gia đình ông Vừ Rả Tênh (SN 1971) ở xã Tây Sơn.
Theo ông Vừ Rả Tênh, mấy chục năm trước, trong vùng núi Pu Lon có rất nhiều cây sa mu và pơ mu hàng trăm tuổi. Đến những năm 1990, người dân kéo nhau vào rừng chặt cây lấy gỗ. Các cánh rừng pơ mu, sa mu xanh tốt dần biến mất, để lại những đồi trọc.
"Xót xa trước việc rừng cây bị chặt phá, bố tôi (cụ Vừ Pà Rê, SN 1947 - PV) quyết định vào rừng tìm những cây pơ mu, sa mu con đem về trồng trên những quả đồi đã bị cạo trọc. Từ năm 1996, dù còn nhỏ nhưng tôi vẫn cơm đùm, cơm nắm theo bố vào rừng tìm cây. Sáng sớm đi, gần trưa mới đến được khu rừng có cây pơ mu, sa mu con. Mỗi chuyến đi, hai bố con mang về được vài chục cây pơ mu, sa mu cao vài gang tay. Chúng tôi đã đào hố trồng cây trên các quả đồi ở dãy Pu Lon" - ông Tênh nhớ lại.
Thời gian đầu, cây pơ mu, sa mu con có sẵn trong rừng nên việc tìm rồi đem về trồng khá dễ. Nhưng được một thời gian, khi nguồn cây con cạn dần, cụ Vừ Pà Rê nghĩ ra cách nhân giống cây pơ mu, sa mu. Ông lên rừng tìm quả đem về phơi khô, tách hạt để ươm.
"Mỗi quả có 5 - 10 hạt nhỏ. Sau khi đem về ngâm, ủ một thời gian thì hạt nảy mầm. Chăm sóc khoảng 4 - 5 tháng, cây con cao khoảng 20-30 cm mới đem ra trồng" - ông Tênh cho biết.
Trời không phụ lòng người, sau 15 năm được gia đình ông Vừ Rả Tênh kiên trì trồng, chăm sóc, hàng vạn cây pơ mu, sa mu đã phát triển xanh tốt. Nhiều cây cao hơn 10 m, đường kính 40 - 50 cm, phủ xanh những khu đất trống, đồi trọc giữa đại ngàn.
Do tuổi cao, năm 2010, cụ Rê qua đời. Thực hiện di nguyện của cụ, những người con vẫn tiếp tục trồng, chăm sóc các cánh rừng sa mu, pơ mu trên dãy Pu Lon.
"Trước khi mất, bố tôi luôn dặn con cháu phải trồng thêm nhiều cây mới, chăm sóc tốt khu rừng. Thực hiện ước nguyện của bố, 6 anh em tôi cùng các cháu tiếp tục chăm sóc tốt diện tích rừng pơ mu, sa mu đã được trồng trước đây" - ông Tênh tâm sự.
Mở rộng diện tích trồng
Xã Tây Sơn có gần 100% dân số là người Mông. Từ bao đời nay, cuộc sống người đồng bào dân tộc Mông ở đây luôn gắn liền với cây pơ mu, sa mu. Nơi nào có 2 loài cây này thì ở đó có người Mông sinh sống bởi theo quan niệm của họ, những vùng đất ấy ít ruồi muỗi, bệnh tật.
Gỗ cây pơ mu, sa mu rất tốt, không mối mọt, lại có hương thơm dịu nhẹ đặc trưng nên người Mông thường dùng để dựng nhà. Gỗ có tinh dầu nên người dân thường dùng làm mái nhà, hàng chục năm không bị mối mọt, hư hỏng.
Pơ mu và sa mu là loại gỗ quý thuộc nhóm I trong bảng xếp hạng các nhóm gỗ tại Việt Nam; có vân đẹp, nhẹ và bền, không bị mối mọt; có tác dụng xua đuổi côn trùng. Theo kinh nghiệm dân gian, gỗ pơ mu có khả năng chống mối. Vì vậy, pơ mu được sử dụng rất nhiều trong thiết kế nội thất cũng như xuất khẩu.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay, trên địa bàn xã Tây Sơn có gần 100 ha pơ mu và sa mu. Trong đó, rừng pơ mu gần 90 ha, sa mu hơn 10 ha, tập trung ở 3 bản Huồi Giảng 1, 2, 3. Với giá trị của loài cây này, mỗi hecta ước tính có giá trên 500 triệu đồng. Những cánh rừng pơ mu, sa mu hứa hẹn sẽ cho hiệu quả kinh tế rất lớn.
Ông Vừ Nỏ Dềnh, Chủ tịch UBND xã Tây Sơn, cho biết trên địa bàn xã, ngoài gia đình cụ Vừ Pà Rê thì còn một số hộ dân ở các bản khác cũng tham gia trồng 2 loài cây này.
Theo ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, pơ mu và sa mu phát triển tốt ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển. Huyện Kỳ Sơn đang tăng cường quản lý và bảo vệ rừng pơ mu, sa mu tự nhiên; đồng thời mở rộng diện tích trồng ở các xã có điều kiện khí hậu tương đồng như Huồi Tụ, Tây Sơn.
Phát triển du lịch cộng đồng
Pơ mu, sa mu là cây gỗ quý, có giá trị kinh tế. Nhờ những cánh rừng pơ mu và sa mu đẹp mà một số hộ dân đã mạnh dạn phát triển du lịch cộng đồng, trở thành điểm dừng chân của các tour, tuyến du lịch.
Việc hồi sinh, trồng những cánh rừng pơ mu, sa mu không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập, phát triển kinh tế mà còn là cách bảo tồn nguồn gien loài cây quý hiếm này.
Bình luận (0)