Nhiều bậc cha mẹ mua sách cho con với ý đồ hướng cho con đọc sách để tiếp thu những bài học hay, sống đẹp nhưng dường như họ đều thất bại. Tại sao?
Điện thoại, iPad, mạng xã hội hấp dẫn hơn
Trước khi có các thiết bị nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Tuy nhiên ngày nay, thế giới tràn ngập âm thanh và thiết bị nghe nhìn, thậm chí sách cũng được âm thanh hóa bằng những dạng truyện audio đăng tải đầy trên mạng.
Vì nhiều lý do cá nhân, cha mẹ thường cho con chơi điện thoại hoặc ipad, nhiều người đưa cả máy tính xách tay cho con đang học lớp 4 để tự rèn luyện tiếng Anh. Khi sở hữu một “màn hình” với nhiều thông tin bắt mắt, nhiều trò chơi thú vị như vậy, nhiều trẻ chỉ học hành qua loa rồi sau đó chơi các trò chơi, xem clip và đọc thông tin trên mạng.
Trẻ em giờ không còn ham đọc sách như những thế hệ trước bởi có quá nhiều thú chơi hấp dẫn và màu sắc khác đang bủa vây (Ảnh minh họa)
Chị Trần Thu Hoài, giáo viên một trường tiểu học thì dường như bó tay với con mình. Chị tâm sự: “Buổi tối tôi hay phải làm việc với giáo án, chấm bài cho học sinh. Nhà thì chỉ có hai mẹ con nên để cho con không quấy nhiễu khi làm việc, tôi đành đưa ipad cho con chơi. Nhiều lúc bận quá cũng chẳng quan sát xem con chơi cái gì và xem cái gì. Tôi rất muốn con đọc sách để rộng mở hơn về tri thức nhưng mua cuốn nào về con tôi cũng chỉ đọc được một vài trang rồi bỏ đấy, quay lại cầm ipad. Quát mắng mãi thì thằng bé cũng đọc sách nhưng khi hỏi về nội dung ý nghĩa thì nó buông một câu: Con chẳng hiểu gì”. Trẻ không tập trung đọc sách vì đối với chúng, những dòng chữ thật sự là nhàm chán so với những hình ảnh sinh động trên các phương tiện công nghệ.
Anh Trần Hữu Nam, chủ một hiệu sách lớn ở Đinh Lễ cho biết, cuốn truyện "Dế mèn phiêu lưu ký" mà ngày xưa anh mê mệt, đọc đi đọc lại đến thuộc lòng thì hiện nay đang “ế” vì có đến hơn một năm nay không có ai hỏi mua. Một số tác phẩm mà tuổi thơ của anh coi là “kinh điển” thì hầu như giới trẻ không thích đọc. Lứa tuổi thiếu nhi thì thích đọc truyện tranh hơn và nhiều bé khi vào hiệu sách lại chạy đến chỗ bán đồ chơi. Chính vì bắt được thị hiếu này mà hầu hết các hiệu sách đều bán thêm đồ chơi trẻ em. Anh Nam cho biết đã chứng kiến một bé trai 9 tuổi khi bị mẹ giục đi tìm sách thay vì cứ loay hoay ở chỗ bày đồ chơi thì trả lời rằng, sách đầy trên mạng, mua làm gì. Tiền đó thà mua đồ chơi cho con còn thích hơn.
Không thể phủ nhận rằng ngày nay nhiều bộ sách được phát hành kém chất lượng về nội dung khiến cho trẻ đọc cảm thấy khó hiểu, lộn xộn, không phù hợp để hấp dẫn trẻ. Nhiều bậc cha mẹ quá dễ dãi trong việc mua những cuốn sách, chỉ cần con muốn là chiều. Thói quen lười đọc sách, đặc biệt là đọc chữ của trẻ ngày càng gia tăng ở mức báo động. Bệnh “mù sách” sắp trở thành một vấn nạn mà xã hội cần phải có những phương thuốc chữa hữu hiệu.
Tại sao phải đọc sách?
Đọc sách không phải chỉ để giết thời gian, mà đọc sách là để nâng cao nhận thức, tích lũy vốn văn học, qua sách vở tìm được những câu văn hay, những ý thơ đẹp. Không ít người luôn ghi chép những câu văn, bài thơ vào cuốn sổ, phục vụ cho công tác hoặc truyền dạy cho con cháu.
Nhà Văn Lỗ Tấn đã từng nói: Muốn viết một chữ trong bụng phải có một tấn chữ, muốn nói một từ, trong đầu phải có một ngàn từ.
Cha mẹ cần biết, cho trẻ đọc sách chính là tạo nền tảng phát triển khả năng học tập của con. Một trong những ích lợi chính của việc đọc sách cho trẻ là hình thành thái độ tích cực đối với việc học nói chung. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy các học sinh được làm quen với việc đọc sách trước 4 tuổi có thành tích học tập tốt hơn trong tất cả các môn ở cấp tiểu học. Trẻ còn phải vật lộn để ghép từ vào câu để có thể nắm bắt các kiến thức toán học, khoa học và xã hội được đưa ra ở nhà trường.
Trẻ ham đọc sách thường có kỹ năng giao tiếp tốt hơn, trẻ sẽ bộc lộ bản thân dễ dàng hơn nhiều và đối xử với mọi người một cách lành mạnh hơn. Chứng kiến cách giao tiếp của các nhân vật trong câu chuyện, cũng như qua tiếp xúc với bố mẹ trong thời gian đọc sách, bé sẽ học được các kỹ năng giao tiếp quý giá. Đọc sách cũng khiến cho khả năng ngôn ngữ của trẻ tốt hơn, hình thành tư duy logi của trẻ và khả năng tập trung tốt ở trẻ.
Chính vì vậy, thay vì cung cấp cho con những thiết bị nghe nhìn thông minh, các bậc cha mẹ nên dành thời gian đọc sách cho con khi con còn nhỏ và rèn luyện thói quen đọc sách khi con lớn. Ngoài ra, việc lựa chọn sách cũng vô cùng quan trọng. Trong thời buổi thị trường sách “náo loạn” như hiện nay, rất cần sự tinh tế của cha mẹ để con có những cuốn sách văn học chất lượng về nội dung. Cha mẹ không nên quá dễ dãi trong việc đồng ý cho con mua một cuốn sách. Sách không hay sẽ khiến trẻ nản không đọc hết, còn những cuốn sách mà trẻ cho là hay thì lại có tác dụng “độc hại” với tư tưởng của trẻ. Bởi vậy tìm một cuốn sách vừa hay lại vừa có giá trị nhân văn không phải là điều mà trẻ có thể tự làm được.
Không đọc sách, đọc sách không đúng cách đều được coi là “mù sách”. Bởi vậy, để phòng và chữa bệnh “mù sách” cho trẻ, cha mẹ nên là hướng đạo sinh cho con trong việc chọn và đọc.
Nhà văn Y Ban cho rằng: “Tại sao ngày trước, người ta phải chọn những tác phẩm có giá trị nhân văn, như “Những tấm lòng cao cả” cho trẻ em đọc? Là để trẻ em hấp thụ những tình cảm con người nhất từ lúc bé, khi trẻ em còn là trang giấy trắng. Những tác phẩm có giá trị ấy sẽ là nguồn nuôi dưỡng tinh thần cho trẻ em, khiến đứa trẻ ngày ấy (cũng là người lớn hôm nay) không bị lệch lạc về tư tưởng. Cuốn sách đầu tiên cũng quan trọng như người thầy đầu tiên, đó là điều không ai có thể phủ nhận được".
Nhà văn Y Ban
Ngày nay, việc định hướng đọc cho trẻ em đã gần như bị thả nổi. Cha, mẹ đưa cho con cái mình một cái máy tính bảng, thế là yên tâm không phải để mắt tới chúng nữa. Hoặc giả, có đi nhà sách, thì lựa một ít truyện tranh cho con mình đọc, thế là hài lòng. Và tác hại của việc này, ngoài việc kéo văn hóa đọc xuống rất thấp, còn kéo theo nhiều hệ lụy, tuy vô hình, nhưng rất nguy hiểm cho xã hội.
Bình luận (0)