Lầu Năm Góc khẳng định: "Những thay đổi lớn về địa chính trị đang thúc đẩy nhu cầu về cách tiếp cận chiến lược mới đối với Bắc Cực".
Theo chiến lược vừa được công bố, những thay đổi bao gồm cuộc khủng hoảng Ukraine, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và Nga cũng như tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.
Chiến lược Bắc Cực mới có đoạn: "Khu vực ngày càng dễ tiếp cận này đang trở thành địa điểm cho sự cạnh tranh chiến lược và Mỹ phải sẵn sàng đương đầu với thách thức cùng với các đồng minh và đối tác".
Theo chiến lược nêu trên, những thay đổi này "báo trước một môi trường an ninh Bắc Cực mới, năng động hơn". Bên cạnh đó, Chiến lược Bắc Cực mới cũng "có khả năng làm thay đổi bức tranh về mối đe dọa và sự ổn định của Bắc Cực".
Chiến lược Bắc Cực mới của Bộ Quốc phòng Mỹ lưu ý chiến lược này nhằm mục đích duy trì sự ổn định ở khu vực Bắc Cực, nơi Washington kỳ vọng sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia.
"Chiến lược mới của Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ đạo cơ quan này tăng cường năng lực ở Bắc Cực, tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác, đồng thời rèn luyện lực lượng để xây dựng khả năng sẵn sàng cho các hoạt động ở vĩ độ cao" - Chiến lược Bắc Cực nêu rõ.
Theo hãng thông tấn TASS, chiến lược lưu ý Mỹ cần tăng cường năng lực và đầu tư vào tình báo cũng như chia sẻ thông tin với các đồng minh, bề ngoài là để cải thiện sự hiểu biết về môi trường hoạt động và nâng cao khả năng quản lý rủi ro.
Lầu Năm Góc hy vọng sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác, cũng như chính quyền địa phương và ngành công nghiệp để cung cấp khả năng răn đe tổng hợp và tăng cường an ninh chung.
Theo tờ The Hill, trong cuộc cạnh tranh với Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực, Bộ Quốc phòng Mỹ đã vạch ra một nỗ lực mới bao gồm cách tiếp cận đa hướng: đầu tư thêm tàu phá băng, huấn luyện lực lượng cho Bắc Cực, đầu tư vào các căn cứ trong khu vực và xây dựng công nghệ tiên tiến cho Bắc Cực.
Khi công bố chiến lược mới ngày 22-7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kathleen Hicks nhấn mạnh: "Chiến lược Bắc Cực mới này là một bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo rằng Bắc Cực vẫn ổn định và an toàn ở hiện tại và trong tương lai".
Chiến lược Bắc Cực của Bộ Quốc phòng năm 2024 gói gọn trong báo cáo dài 28 trang, được đưa ra vài tuần sau khi Mỹ cùng Canada và Phần Lan thành lập liên minh Nỗ lực Hợp tác Tàu phá băng (Hiệp ước ICE).
Mỹ từ lâu lo lắng sẽ tụt hậu so với Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực, đặc biệt là khi Bắc Kinh và Moscow tiến hành các cuộc tuần tra và tập trận chung trong khu vực.
Bình luận (0)