Hòa bình đã gần 50 năm nhưng nhiều cụ già nay đã 85-90 tuổi ở huyện miền núi Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam vẫn chịu nhiều bệnh tật vì di chứng chiến tranh hoặc không nơi nương tựa vì mất hết người thân.
Người con của các cụ già
Công tác ở huyện miền núi nhiều năm, bác sĩ chuyên khoa I Phạm Văn Vân, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng - Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước, thấu hiểu hoàn cảnh những người bệnh, đặc biệt là các cụ già tuổi cao, sức yếu, bệnh tật phải sống một mình nơi hẻo lánh. Cảm thông với hoàn cảnh các cụ, bác sĩ Vân đã tận tình cứu chữa, chăm sóc không những tại Trung tâm Y tế huyện mà còn ở mọi lúc, mọi nơi. Để có thể nắm bắt liên tục, kịp thời tình hình sức khỏe của các cụ, bác sĩ Vân tham gia Hội Chữ thập đỏ, nhóm thiện nguyện Cơm chùa Tiên Phước.
Ông Đỗ Tấn Sự, Trưởng nhóm thiện nguyện, cho biết: "Bất cứ lúc nào, khi hàng xóm hay thành viên nhóm báo tin các cụ bị đau ốm, tai nạn thì bác sĩ Vân là người có mặt đầu tiên. Không quản ngại đường sá xa xôi, lầy lội vào mùa đông lạnh giá hay đêm hôm khuya khoắt, bác sĩ Vân luôn nhiệt tình đến tận nhà khám bệnh, cứu chữa cho các cụ".
Cụ Rúc nhà nằm tận trên núi Dốc Tranh (thôn 2, xã Tiên Mỹ). Một đêm mùa đông lạnh cắt, chẳng may cụ bị trượt chân té ngã lúc nửa đêm. Nhận tin báo, ngay lập tức, bác sĩ Vân đội đèn pha, vượt hơn 5 km đường trơn trượt đến khám.
Cụ Ủng bệnh chuyển nặng, nằm liệt giường, bác sĩ Vân ngày nào cũng đến tận nhà bắt mạch, tiêm thuốc. Ông còn cùng nhóm thiện nguyện vệ sinh, chăm sóc tận tình cho cụ Ủng. Sau hơn 1 tuần được điều trị tích cực tại nhà, bệnh tình giảm hẳn, cụ cười móm mém nói: "Nhờ bác sĩ Vân và các cháu mà tôi như được sống thêm lần nữa".
Không chỉ có mặt mọi lúc, mọi nơi khi các bệnh nhân cao tuổi gặp biến cố sức khỏe cần cấp cứu, bác sĩ Vân còn tận tình theo dõi sức khỏe từng người suốt nhiều năm liền. Như trường hợp mẹ con cụ Hòa đều cao tuổi, bác sĩ Vân theo dõi, chăm sóc mẹ cụ Hòa 3 năm rồi tiếp tục chăm sóc cụ Hòa. Cụ Thân bị bại liệt hai chân, phải nằm một chỗ, được bác sĩ Vân theo dõi sức khỏe, cùng nhóm thiện nguyện thay phiên chăm sóc…
Là thầy thuốc, bác sĩ Vân hiểu tầm quan trọng của việc bổ sung dinh dưỡng, tăng cường vệ sinh cho những cụ già luôn thiếu thốn, kém minh mẫn, khuyết tật, mắc nhiều bệnh mà phải sống một mình. Đều đặn chủ nhật hằng tuần, bác sĩ Vân cùng nhóm thiện nguyện đến từng nhà cung cấp thực phẩm, quần áo, dọn vệ sinh, thăm khám, chữa bệnh cho các cụ trong huyện Tiên Phước.
Với khoản kinh phí ít ỏi của các nhà hảo tâm, của anh chị em trong nhóm đóng góp, bác sĩ Vân đã hướng dẫn chế biến, cùng tham gia nấu nướng, phân chia thức ăn cho các cụ phù hợp với bệnh tật, tâm lý từng người; động viên các cụ ăn uống để bổ sung sức khỏe. Qua thăm khám, phát hiện những cụ mắc bệnh nặng, bác sĩ Vân cùng nhóm thiện nguyện phối hợp với Hội Chữ thập đỏ đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước tiếp tục chữa trị.
Người bạn của các bản làng
Dù chuyên môn là răng hàm mặt nhưng do công tác ở địa bàn miền núi còn thiếu bác sĩ cũng như trang thiết bị y tế hiện đại, nên bác sĩ Vân chịu khó học hỏi, nghiên cứu kiến thức y tế đa khoa để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Ông cũng thường xuyên trực tiếp về cơ sở khám bệnh cho người dân. Nhân dân các bản làng ai cũng mừng vui, tin tưởng mỗi khi bác sĩ Vân cùng đồng nghiệp về khám bệnh.
Bác sĩ Vân rất tích cực hỗ trợ hoạt động y tế tuyến xã, như hướng dẫn nâng cao y tế dự phòng, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh… Ông cũng dành thời gian truyền đạt cho đồng nghiệp những kiến thức chuyên môn áp dụng phù hợp trong điều kiện vùng cao còn khó khăn để khám chữa bệnh kịp thời cho người dân.
Ông Nguyễn Ba, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tiên Phước, cho biết hơn 10 năm qua, bác sĩ Vân phối hợp với đơn vị tích cực tham gia các chương trình khám bệnh, cấp phát thuốc, tặng quà cho hộ gia đình khó khăn tại các thôn bản trên địa bàn huyện và các huyện vùng cao.
"Bác sĩ Vân cũng là người đi đầu trong hoạt động phòng chống dịch COVID-19, chương trình "Kết nối nụ cười trái tim"; tham gia khám bệnh, phẫu thuật mắt, cấp thuốc và quà cho hơn 6.000 người tại tỉnh Sê Kông- Lào…" - ông Ba kể.
Hơn 10 năm chữa bệnh cứu người tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước, bác sĩ Phạm Văn Vân được đồng nghiệp nhìn nhận là người thầy thuốc tận tụy nơi phòng khám, người con của những cụ già neo đơn, người bạn của các bản làng và là người đồng đội kề vai sát cánh của Hội Chữ thập đỏ huyện Tiên Phước cùng nhóm thiện nguyện Cơm chùa.
Với trái tim nhân hậu và quá trình làm nghề tận hiến, bác sĩ Vân được các đồng nghiệp tin yêu, cảm phục. Nữ hộ sinh Khoa Ngoại sản Phạm Thị Mỹ Hạnh vừa là đồng nghiệp vừa là người vợ hiền của ông.
"Vợ là người đồng hành động viên tinh thần, luôn cảm thông, chăm lo gánh vác việc gia đình, nuôi dạy con cái để tôi có thời gian chữa bệnh cứu người, tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện" - bác sĩ Vân bày tỏ.
Có nhiều cống hiến cho sự nghiệp y tế, hoạt động thiện nguyện, bác sĩ Phạm Văn Vân đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Tiên Phước.
Tham gia phòng chống dịch COVID-19, bác sĩ Phạm Văn Vân được UBND TP HCM tặng bằng khen.
Vào năm 2022, ghi nhận tình cảm của người bác sĩ Việt Nam đã tham gia nhiều chương trình khám chữa bệnh, phẫu thuật mắt cho người dân tỉnh Sê Kông - Lào, Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông đã tặng bằng khen cho bác sĩ Phạm Văn Vân.
"Đầu bếp" tận tụy
Với các y - bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước và thành viên nhóm thiện nguyện Cơm chùa Tiên Phước, bác sĩ Vân vừa là thầy thuốc vừa là người anh chăm lo sức khỏe, tinh thần cho cả đoàn trong những lần tổ chức hoạt động thiện nguyện.
Công việc bác sĩ rất bận rộn nhưng bác sĩ Vân thường thức dậy rất sớm nấu ăn cho cả đoàn. Nơi bếp tạm giữa rừng, với thực phẩm tại chỗ, bác sĩ Vân nấu những món ăn tuy đạm bạc mà ấm nóng, ngon miệng. Vì vậy mà nhiều tình nguyện viên truyền tai nhau: "Đi tham gia chương trình thiện nguyện, được ăn tô canh khoai, canh chuối nấu cá suối, rau rừng do bác sĩ Vân nấu là nhớ mãi".
Bình luận (0)