PGS-TS-BS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, trả lời: Ốc sên chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao, là một món ăn bổ dưỡng ở một số khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, để có thể trở thành thực phẩm, ốc sên phải được nuôi trong môi trường bảo đảm. Bản thân ốc sên không có độc nhưng chúng thường ăn cỏ cây. Do đó, chúng là ký chủ của nhiều loại ký sinh trùng gây bệnh, truyền ấu trùng giun sán cho người ăn. Chúng cũng có thể ăn phải nấm độc hoặc các loại cây bị phun thuốc bảo vệ thực vật. Đây là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc khi ăn ốc sên.
Thịt ốc sên có các protein dễ gây dị ứng với một số người có cơ địa nhạy cảm. Khi ăn ốc sên nhiễm ấu trùng sán sẽ bị rối loạn tiêu hóa, có thể gây tổn thương gan, xuất huyết bàng quang, thậm chí tử vong. Các bệnh truyền nhiễm liên quan ốc sên là do ăn sống hoặc nấu không kỹ. Tại một số nơi trên thế giới, thịt ốc sên là đặc sản, vì ốc sên được nuôi có nguồn gốc rõ ràng và được khử trùng trước khi chế biến.
Nếu ăn ốc sên, chỉ nên sử dụng loại ốc sên đang sống khỏe mạnh, được nuôi hoặc sinh sống ở những vùng sạch sẽ. Chỉ ăn phần thịt của ốc sên, bỏ hết phần ruột gan, ống tiêu hóa. Tuyệt đối không ăn ốc sên được chế biến ở dạng sống hoặc chín tái (dễ bị nhiễm ký sinh trùng).
Các bạn trẻ đừng dại dột chơi trò "nuốt ốc sên sống", vì cái giá phải trả có thể bằng cả mạng sống của mình.
Bình luận (0)