Vốn người khỏe mạnh nhưng gần đây, sức khỏe của chị V. (43 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) bỗng suy giảm trầm trọng do chứng mất ngủ hành hạ kéo dài triền miên. Chị V. cho biết mỗi khi đi ngủ, cứ nằm xuống là trằn trọc không thể nào chợp mắt được, dù tập đủ mọi cách, uống thuốc an thần hỗ trợ cũng không xong. Thậm chí, chị dùng thử một ít rượu, bia cũng không tác dụng. Do trầm cảm, lo âu lâu ngày, chị suy nhược, sụt cân nhanh chóng.
Nguyên nhân gia tăng nhiều bệnh
Anh N.T (36 tuổi, ngụ TPHCM), một doanh nhân ngành thực phẩm, đi khám bệnh trong tâm trạng lo lắng vì hay bị ngưng thở xen kẽ trong lúc ngủ và ngáy rất to. Dạo này, anh cũng bị giảm trí nhớ, khó tập trung công việc và dễ cáu gắt. Anh T. được các bác sĩ (BS) chẩn đoán bị chứng ngưng thở lúc ngủ mức độ nặng. Do tần suất ngưng và giảm thở quá nhiều nên nồng độ ôxy trong máu bị giảm nặng khi ngủ dẫn đến những hệ lụy như trên, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Nữ bị nhiều hơn nam
BS Nguyễn Xuân Bích Huyên, phụ trách Phòng Chẩn đoán, Điều trị rối loạn giấc ngủ CHAC, cho biết bệnh lý về rối loạn giấc ngủ ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Các nguyên nhân thường gặp dẫn đến rối loạn giấc ngủ bao gồm: yếu tố tâm lý (chẳng hạn mới trải qua một biến cố chấn thương về thể chất, tinh thần); stress; rối loạn lo âu, tức giận, trầm uất; tổ chức lối sống không tốt, thay đổi nhịp sinh học của cơ thể (làm việc về đêm), dùng chất kích thích (trà, cà phê...); yếu tố thần kinh trung ương; do rối loạn gien…
Theo các BS, nhịp sống công nghiệp với áp lực công việc, lối sống thay đổi… là những nguyên nhân chính thường gặp gần đây ở các bệnh nhân rối loạn giấc ngủ. Bệnh này không chừa bất kỳ đối tượng nào, từ lao động trí óc đến lao động chân tay, nhà quản lý, doanh nhân đến kỹ sư, tài xế… và phổ biến nhất là ở độ tuổi trung niên. Ghi nhận tại một số trung tâm điều trị cho thấy bệnh nhân tập trung ở độ tuổi từ 40 - 60, nữ nhiều gấp ba lần nam.
Về điều trị, các BS cho biết tùy theo nguyên nhân dẫn đến rối loạn giấc ngủ mà có biện pháp điều trị thích hợp như giảm cân, thay đổi lối sống, phẫu thuật hoặc dùng thuốc, hỗ trợ bằng thở máy khi ngủ...
ThS-BS Phan Hữu Phước, Phòng Khám Lão khoa Med-Vie TPHCM, lưu ý: Để có giấc ngủ ngon, hãy tập thể dục thể thao vào buổi sáng; biết cân bằng giữa lao động trí óc, lao động tay chân kết hợp thư giãn, giải trí; cần chủ động thư giãn cơ thể khi nằm, không suy nghĩ miên man, quên đi những lo toan và tập trung vào nhịp thở hoặc tập đếm sẽ dễ ngủ hơn…
Ít được phát hiện Nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị về rối loạn giấc ngủ, CHAC đã ký hợp tác với Trường ĐH Quốc tế (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM) để nghiên cứu về giấc ngủ. Hiện tỉ lệ mắc hội chứng ngưng thở lúc ngủ tắc nghẽn thường gặp nhất (khoảng 4% dân số thế giới) nhưng rất ít được phát hiện. Chỉ riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, kết quả nghiên cứu năm 2010 trên 263 bệnh nhân từ 16 tuổi trở lên đến khám vì ngáy và rối loạn giấc ngủ, đã có hơn 87% mắc hội chứng ngưng thở lúc ngủ tắc nghẽn, tần suất ở 2 giới tương tự nhau và đa số bệnh nhân không béo phì.
Người bị hội chứng này sẽ bị giảm ôxy trong máu liên tục cả đêm. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm thì sẽ gặp vấn đề về tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, đột tử trong đêm, tai biến mạch máu não… |
Bình luận (0)