xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bài dự thi cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia - Bất khả xâm phạm": Gương sáng miền biên viễn

NGUYỄN DUY KHÁNH

Với người dân Nhỉ Đú ở Cao Bằng, già Phống là tấm gương sáng để mọi người noi theo, cùng nhau bảo vệ biên cương, giữ gìn bình yên nơi phên dậu của Tổ quốc

Tiếp nối truyền thống của gia đình, ông Trần Văn Phống ở Cao Bằng đã gìn giữ những cột mốc miền biên viễn Hà Quảng suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Đời con nối tiếp đời cha

Để đến được xóm Nhỉ Đú (xã Cải Viên, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) là một hành trình không dễ dàng bởi đường đi khó khăn, gập ghềnh. Tuy nhiên, ở nơi đó, hàng chục năm qua, ông Trần Văn Phống - 67 tuổi, người dân tộc Nùng (còn được gọi là già Phống) - theo chân cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Nặm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng) bảo vệ cột mốc biên giới 692, 693, 694, 695 (biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc).

Bốn cột mốc thiêng liêng đã trở thành những người bạn của già Phống từ thời thơ ấu. Mỗi lần đến đây, ông nhẹ nhàng lau chùi cột mốc cho nổi rõ dòng chữ và con số như bảo vệ chính con ngươi của mình hằng ngày.

Từ đời cha già Phống - cụ Trần Văn Páo - đã là người trông coi, gìn giữ cột mốc biên cương. Mới hơn chục tuổi, cậu bé Trần Văn Phống theo cha vượt qua những bãi đá tai mèo sắc nhọn, những bụi cây cỏ rậm rạp đến với từng cột mốc. Năm 1998, khi cụ Páo đã cao tuổi, già Phống chính thức đảm nhiệm công việc của cha để lại và duy trì đến ngày nay.

Già Phống cho biết trước năm 2001, thời điểm Việt Nam và Trung Quốc chưa phân giới cắm mốc, biên giới chỉ được dựng lên bằng những hòn đá. Sau mỗi lần mưa bão, già Phống đều lên kiểm tra xem có bị đổ hay lăn xuống không. Cho dù đường đi có trơn trượt, vất vả đến đâu nhưng chưa bao giờ già Phống bỏ cuộc.

Đặc biệt, già Phống là người trực tiếp vận động trên 500 lượt người trong xóm Nhỉ Đú tham gia cùng bộ đội biên phòng thực hiện 15 buổi phát quang cỏ dại ở đường biên và các cột mốc. Già Phống cũng đã vận động trên 400 lượt người dân địa phương cùng bộ đội tham gia tuần tra biên giới 55 lần, góp phần nâng cao ý thức về bảo vệ chủ quyền biên giới cho nhiều người dân trong xóm.

Bài dự thi cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia - Bất khả xâm phạm": Gương sáng miền biên viễn- Ảnh 1.

Già Phống (người cầm mũ cối, quàng khăn) cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng và dân quân tại cột mốc số 693

Hun đúc tình yêu quê hương, đất nước

Già Phống nhớ lại chiến sự biên giới năm 1979, 9 hộ dân của xóm Lũng Dậu B (một phần của xóm Nhỉ Đú trước khi được sáp nhập), trong đó có gia đình già Phống, phải đi sơ tán. Sau chiến sự, duy nhất gia đình già Phống trở về quê hương sinh sống.

Sau khi ổn định nơi ở, già Phống đã vận động 8 hộ gia đình quay về Lũng Dậu B sinh sống. Già bảo trở về quê cắm bản vì cột mốc biên giới không đơn thuần chỉ là cột mốc địa lý mà cần phải có người dân sinh sống và bảo vệ. Đặc biệt, từ năm 1996, trải qua nhiều lần sáp nhập các xóm của xã Cải Viên, già Phống đều được bầu làm trưởng xóm và kiêm công an viên của xã.

Ông Hoàng Văn Dáu, người dân xóm Nhỉ Đú, chia sẻ: "Ngày trước, chính già Phống đã khuyên gia đình tôi trở về quê hương sinh sống. Già cũng là người tiên phong nuôi dê ở đây rồi bà con làm theo giúp ổn định cuộc sống. Già là người có uy tín nên nói gì mọi người đều nghe. Có cuộc sống kinh tế ổn định thì bà con mới cùng nhau bảo vệ biên cương đất nước".

Cũng giống như cha mình, già Phống đã cho con trai đi theo trong những lần lên cột mốc. Già bảo đó là cách để con thấy rõ trách nhiệm với xóm làng, hun đúc tình yêu quê hương ngay từ nhỏ. Con trai là người sẽ thay ông tuần tra, bảo vệ cột mốc khi mình không còn đủ sức leo núi nữa.

Chàng trai đó là Trần Văn Péc, sinh năm 2001, hiện công tác tại Công an huyện Bảo Lạc. Anh Trần Văn Péc nói: "Tuần tra biên giới, bảo vệ cột mốc là công việc tự nguyện của gia đình. Tôi rất tự hào và mong muốn sau này sẽ được tiếp tục công việc của cha để lại, gìn giữ cột mốc biên cương của Tổ quốc".

Bài dự thi cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia - Bất khả xâm phạm": Gương sáng miền biên viễn- Ảnh 2.

Già Phống (người cúi) cùng người dân lau chùi cột mốc số biên cương

Xây dựng bản làng đoàn kết

Cột mốc 693 là cột mốc cao và khó đi đến nhất. Phải là người có sức khỏe và kỹ năng bởi xung quanh tua tủa những phiến đá tai mèo nhọn hoắt hoặc băng qua những đoạn cỏ cây rậm rạp, nếu không quen đường rất dễ bị lạc. Có những đoạn phải leo cả bằng tay vào những hôm trời mưa ướt rất nguy hiểm. Ấy vậy mà già Phống chưa bao giờ nản lòng. Lên đến nơi, già nở nụ cười hiền hậu, lấy chiếc khăn trong túi lau chùi cột mốc rồi đưa mắt quan sát hướng về Tổ quốc thân yêu.

Trong phát triển kinh tế, già Phống là người đầu tiên mang dê về xóm chăn nuôi, khai thác thế mạnh của vùng núi đá và động viên, chia sẻ kinh nghiệm cùng bà con trong chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng bản làng đoàn kết, giàu đẹp và bình yên. Nhiều năm qua, với vai trò trưởng xóm, già Phống còn tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước tới bà con trong xóm, tạo nên sự đồng thuận và tăng thêm tình yêu với mảnh đất miền biên viễn.

Với người dân Nhỉ Đú, già Phống là tấm gương sáng để mọi người noi theo, cùng nhau bảo vệ biên cương, giữ gìn sự bình yên nơi phên dậu của Tổ quốc.

Với những việc làm ý nghĩa của mình, già Phống được nhận bằng khen của UBND tỉnh Cao Bằng trong triển khai thực hiện Nghị định số 34/2000NĐ-CP của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc giới và an ninh trật tự xóm (bản) khu vực biên giới năm 2015. Ngoài ra, già Phống còn được tặng giấy khen của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng trong phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia năm 2005. 

Bài dự thi cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia - Bất khả xâm phạm": Gương sáng miền biên viễn- Ảnh 3.

Đường đi lên các cột mốc từ 692 đến 695 khó khăn, hiểm trở. Ảnh: NGUYỄN VĂN TIỆP

"Già nguyện cống hiến cả cuộc đời để bảo vệ cột mốc và tạo dựng truyền thống yêu nước, yêu quê hương trong gia đình và xóm Nhỉ Đú" - già Phống bày tỏ.

Mời bạn đọc tham gia 2 cuộc thi

Tại lễ trao giải cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần thứ 4 và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" lần thứ 3, năm 2023-2024, nhân lễ kỷ niệm 5 năm thực hiện chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc", diễn ra ngày 2-7-2024, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần thứ 5 và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" lần thứ 4, năm 2024-2025.

Báo Người Lao Động mời bạn đọc là công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam tham gia viết bài, gửi ảnh dự thi. Thời hạn phát động, nhận bài và ảnh dự thi, tính từ ngày 2-7-2024 đến 31-5-2025. Bạn đọc quét mã QR hoặc truy cập https://nld.com.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-va-cuoc-thi-anh-thieng-lieng-co-to-quoc-196240701163723125.htm để xem chi tiết về điều kiện, thể lệ của 2 cuộc thi.

Bài dự thi cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia - Bất khả xâm phạm": Gương sáng miền biên viễn- Ảnh 4.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo