Bức ảnh san hô màu xanh non "bò" lên bờ trên do chị Lưu Yến Phi - công tác ở Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận - chụp lại bằng điện thoại ngay tại bãi biển thuộc khu bảo tồn này.
Món quà thiên nhiên ban tặng
Chị Phi cho biết khi đang làm nhiệm vụ kiểm tra tại Hòn Cau, chị bất ngờ thấy rạn san hô to lớn, màu xanh chuối trồi lên bờ. Sau khi lấy tay chạm vào, chị cảm nhận san hô rất mềm vì chỉ mới nở. Theo chị Phi, đây là loài san hô mới trên Hòn Cau và chưa được đặt tên. "Tại khu vực biển Hòn Cau, vào mỗi dịp Rằm hoặc mùng 1 (âm lịch), khi nước biển rút thì nhiều loài san hô bắt đầu trồi lên bờ. Ngoài cụm san hô này, xung quanh Hòn Cau còn có các loài san hô khác cũng thay nhau "mọc" lên như vậy mỗi dịp nước rút" - chị Phi nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, hình ảnh san hô được chia sẻ thuộc nhóm san hô mềm và mới xuất hiện trên Hòn Cau. "Chúng tôi đã gửi thông tin, hình ảnh về san hô này đến Viện Hải Dương học để kiểm tra cụ thể, chính xác tên của loại san hô này. Ban đầu chỉ xác định đây thuộc nhóm san hô mềm, còn phải xác định thêm tên gọi, loài" - ông Phúc cho hay.
Cũng theo Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, vài năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác quản lý, bảo tồn, hệ sinh thái rạn san hô trên đảo đang phục hồi mạnh. Trong đó, các khu vực có hệ sinh thái rạn san hô tại vùng lõi và vùng đệm của khu bảo tồn đã được bảo vệ trước các hoạt động khai thác thủy sản trái phép. Các nghề khai thác hủy diệt (chất nổ, xung điện) không còn xuất hiện trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt vùng lõi và vùng đệm của khu bảo tồn biển này.
Ngoài ra, các rạn san hô và thảm cỏ biển trong vùng lõi phát triển và phục hồi tốt, hệ sinh thái và đa dạng sinh học ngày càng được cải thiện (số lượng và chủng loại các loài hải sản: cá, mực, bàng mai, sò... ngày càng nhiều). Các khu vực san hô ở vùng đệm trước đây bị tàn phá do đánh bắt thủy sản và neo đậu tàu thuyền đã có dấu hiệu phục hồi ban đầu và đang phát triển. "Bảo vệ đa dạng sinh học hệ sinh thái rạn san hô là vấn đề quan trọng và lâu dài liên quan tới nhiều yếu tố (môi trường biển, nhận thức của người dân, kinh phí thực hiện, chương trình tái tạo, bảo vệ…). Trong điều kiện còn khó khăn về nguồn lực, vốn, kỹ thuật, thiết bị, Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Hòn Cau đã đạt được một số kết quả ban đầu để bảo vệ sự đa dạng này" - ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, phấn khởi.
Nâng cao vai trò đa dạng sinh học
Khu bảo tồn biển Hòn Cau có tổng diện tích 12.500 ha, trong đó diện tích biển 12.360 ha và diện tích đất đảo Hòn Cau 140 ha. Năm 2010, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành đề án thiết lập Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, thuộc khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp tỉnh. Khu bảo tồn biển Hòn Cau được phân thành 4 vùng chức năng, gồm vùng lõi, vùng đệm của vùng lõi, vùng phục hồi sinh thái và vùng phát triển.
Nếu như năm 2008, Khu Bảo tồn này chỉ ghi nhận 127 loài 57 giống và 14 họ san hô tồn tại thì đến nay, Hòn Cau thống kê được tổng cộng 282 loài san hô tạo rạn, thuộc 67 giống và 19 họ.
Ngoài san hô, Khu Bảo tồn biển Hòn Cau được đánh giá có tính đa dạng sinh học cao. Nơi đây ghi nhận có hơn 34 loài sinh vật quý hiếm, bao gồm rùa biển, cá heo, các loài giáp xác..., góp phần vào sự đa dạng sinh học biển. Đặc biệt, Khu Bảo tồn biển Hòn Cau hằng năm đón nhiều rùa biển (tên khoa học: Chelonia mydas), động vật có nguy cơ tuyệt chủng trong sách đỏ của thế giới tìm đến sinh sản.
Nhờ những nỗ lực chung tay của các bên, công tác bảo vệ rùa biển tại Hòn Cau đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Số lượng rùa biển lên đẻ trứng tại đây có xu hướng gia tăng từng năm. Tỉ lệ rùa con nở ra và sống sót được cải thiện. Nhận thức của cộng đồng về bảo vệ rùa biển được nâng cao hơn nhờ các hoạt động tuyên truyền, tuần tra. Vừa qua, Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Hòn Cau đã ký kết với Viện Hải Dương học Nha Trang thực hiện Đề án "Rà soát điều chỉnh phân khu chức năng Khu Bảo tồn biển Hòn Cau" để nâng cao vai trò đa dạng sinh học.
Hòn Cau thuộc huyện Tuy Phong (Bình Thuận), hiện là điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa trong vài năm trở lại đây. Tour Hòn Cau đi về trong ngày hoặc ở lại đêm được thu hút các bạn trẻ thích khám phá tìm tòi, đăng ký trải nghiệm. Nơi đây có chiều dài 1,5 km, diện tích khoảng 140 ha, hoàn toàn tách biệt với đất liền, được ví như hòn ngọc nhờ bãi biển xanh biếc, cát trắng mịn màng. Hệ sinh thái biển phong phú với nhiều loài sinh vật quý hiếm, thích hợp cho hoạt động lặn biển, ngắm san hô, câu cá, cắm trại, trekking, chèo thuyền kayak... Năm 2023, Hòn Cau đón khoảng 30.000 lượt khách du lịch.
Quyết định sáng suốt
Tháng 6-2017, môi trường Khu Bảo tồn biển Hòn Cau bị đe dọa nghiêm trọng bởi đề xuất nhận chìm 1 triệu m³ vật liệu nạo vét từ khu vực cảng than phục vụ nhà máy nhiệt điện xuống vùng biển cách Khu Bảo tồn biển Hòn Cau chỉ khoảng 8 km. Dự án nhận chìm vật chất này vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ dư luận, các nhà khoa học và tổ chức môi trường, do lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường biển Hòn Cau. Tháng 8-2017, Tỉnh ủy Bình Thuận đề nghị xem xét lại dự án này. Đến tháng 12-2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo khoa học về tác động môi trường, sau đó đi đến quyết định chính thức hủy bỏ dự án nhận chìm vật chất nói trên tại biển Hòn Cau.
Khi dự án nhận chìm vật chất tại đây bị hủy bỏ, môi trường tại Khu Bảo tồn biển Hòn Cau tiếp tục được bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học.
Bình luận (0)