Thực tế khó phủ nhận là nhiều bạn trẻ sẵn sàng dành hàng giờ dán mắt vào màn hình điện thoại xem video ngắn với vô vàn nội dung xuất hiện liên tục, nhất là sau giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, lướt mạng không chủ đích chỉ là cách giải trí nhất thời. Gần đây, khi đọc sách một cách thường xuyên, tôi nhận ra: vấn đề không phải là người trẻ thiếu thời gian để đọc mà cốt lõi là có đủ động lực hay không.
Tôi vẫn dùng mạng xã hội để kết nối cộng đồng nhưng không sa đà. Cảm giác thật dễ chịu khi mỗi tối ngồi bên tách trà nóng, bên ngoài mưa rả rích và trên tay là cuốn "Tiếng chim hót trên bụi mận gai". Ngoài những tác phẩm kinh điển, tôi cũng tìm đọc các tác phẩm của các tác giả trong nước. Mỗi dòng sách đều có đặc trưng và lợi ích riêng cho bạn đọc.

Bạn trẻ say mê đọc và học bên trong thư viện Đại học Aarhus (Đan Mạch). Thánh đường tri thức đẹp đẽ này không chỉ là nơi để đọc sách mà còn là không gian sáng tạo, sinh hoạt cộng đồng .Ảnh: GIANG PHẠM
Quay về với trang sách là thứ cảm giác bình yên, như thể ta gặp lại một người thương cũ. Sách không thể khỏa lấp hoàn toàn khoảng trống trong trái tim tan vỡ nhưng giúp ta gọi tên cảm xúc, có cái nhìn điềm tĩnh, bao dung hơn với mình, với người. Nhờ sách mà con người có thêm hiểu biết, thêm góc nhìn để hành động phù hợp lý, rèn luyện óc phân tích. Sách không giúp ta làm giàu hay hiện thực hóa ước mơ ngay lập tức nhưng đem đến nhiều bài học hữu dụng.
Trong các chuyến đi nước ngoài trước đây, hình ảnh ấn tượng in sâu tâm trí tôi là người ta có thể đọc ở bất kỳ đâu: trạm chờ xe buýt, công viên, tàu điện ngầm… Thư viện ở các nước châu Âu hay Mỹ, Nhật Bản… luôn đầy ắp độc giả. Những năm gần đây, thị trường sách trong nước đã khởi sắc. Nhiều hình thức như sách nói, sách điện tử xuất hiện bên cạnh sách giấy. Hy vọng tỉ lệ đọc sách nhờ vậy sẽ cao hơn.
Trong một thế giới chuyển động vội vã, nơi công nghệ và mạng xã hội lên ngôi thì việc đọc sách vẫn vẹn nguyên giá trị thiết thực, vun bồi cho trí tuệ và tâm hồn con người.
Bình luận (0)