Cùng ngày, theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã họp với đội ngũ an ninh quốc gia, trong đó có ông Austin, tại Nhà Trắng để thảo luận về vụ tấn công trên. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết ông Joe Biden đang cân nhắc hành động đáp trả nhưng nhấn mạnh Mỹ không chủ trương chiến tranh với Iran.
Một nhóm vũ trang tự xưng "Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq" (được Iran hậu thuẫn) tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công. Tuy nhiên, Tehran lên tiếng khẳng định không liên quan vụ việc.
Bất chấp sự phủ nhận này, ông Joe Biden hiện đối mặt sức ép chính trị ngày một lớn về việc giáng đòn trực tiếp vào Iran. Theo đài CNBC, một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa thậm chí thúc giục ông Biden không kích các mục tiêu quan trọng bên trong Iran để vừa trả đũa vừa răn đe.
Bài toán khó của nhà lãnh đạo Mỹ là làm sao đáp trả mạnh mẽ mà không dẫn đến xung đột trực tiếp với Tehran hoặc làm leo thang hơn nữa cuộc xung đột giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas tại Dải Gaza.
Theo giới phân tích, các lựa chọn khả dĩ là nhằm vào lực lượng Iran bên trong hoặc bên ngoài nước này hoặc chỉ tấn công nhóm chịu trách nhiệm.
Dù vậy, một số chuyên gia cảnh báo việc Mỹ không kích bên trong lãnh thổ Iran có thể buộc Tehran phản ứng mạnh, khiến tình hình leo thang và lôi kéo Washington vào một cuộc xung đột lớn ở Trung Đông.
Để tránh kịch bản trên, ông Charles Lister, chuyên gia của Viện Trung Đông (trụ sở ở Mỹ), cho rằng Mỹ có thể tấn công một mục tiêu quan trọng hoặc thành viên cao cấp của các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Iraq hoặc Syria.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim al Thani ngày 29-1 bày tỏ hy vọng hành động đáp trả của Mỹ sẽ không cản trở tiến triển đàm phán về thỏa thuận thả con tin mới giữa Israel và Hamas.
Bình luận (0)