Chiều 1-2, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức thông báo kết quả phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo).
Đáng chú ý, Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo là: Vụ án vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, buôn lậu xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương, Công ty CP Đất hiếm Việt Nam và các đơn vị liên quan.
Cùng đó là vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Công Thương và các địa phương.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong năm 2023, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức, 24.162 đảng viên, tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022. Trong đó, kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết trong năm 2023, có 19 cán bộ diện trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, gồm 5 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.
Về chức vụ có 1 nguyên bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, 5 bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy, 2 thứ trưởng, 1 chủ tịch liên minh hợp tác xã. Có 8 chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND cấp tỉnh, 2 sĩ quan cấp tướng. Trong đó, có 14 trường hợp bị xử lý hình sự.
Tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, có 105 cán bộ diện trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, có 39 trường hợp bị xử lý hình sự, tăng gấp 2 lần nhiệm kỳ XII.
Cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác... 9 cán bộ diện trung ương quản lý
Điểm nổi bật trong năm 2023 theo ông Đặng Văn Dũng là đã đề cao, khuyến khích cán bộ nghiêm khắc nhận trách nhiệm chính trị, tự nguyện từ chức, nghỉ công tác khi có sai phạm, khuyết điểm hoặc để cán bộ cấp dưới, tổ chức đảng vi phạm nghiêm trọng phải xử lý kỷ luật.
Đồng thời, kịp thời thay thế, bố trí công tác khác đối với cán bộ bị kỷ luật, uy tín thấp.
Trong năm qua, Đảng, Nhà nước đã xem xét, cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác với 9 cán bộ diện trung ương quản lý.
Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó, có hơn 90 cán bộ thuộc diện tỉnh, thành ủy quản lý.
Cũng trong năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố 4.523 vụ, 9.373 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó án tham nhũng khởi tố mới 899 vụ với 2.446 bị can.
Chỉ tính riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 13 vụ án với 54 bị can, khởi tố bổ sung 252 bị can trong 26 vụ án...
Cũng trong năm, các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa hơn 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi. Chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương khởi tố mới 839 vụ án với 2.276 bị can về tham nhũng.
Nhiều địa phương đã khởi tố cả cán bộ diện trung ương, tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó có cả nguyên bí thư tỉnh ủy, nguyên chủ tịch tỉnh, phó chủ tịch tỉnh...
Về thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan đã động viên, khuyến khích các đối tượng tự nguyện nộp lại tài sản chiếm đoạt, gây thiệt hại, có vụ án thu hồi được 100% tài sản bị chiếm đoạt với số tiền rất lớn.
Trong số đó, vụ Tân Hoàng Minh đã thu hồi trên 8.600 tỉ đồng (đạt 100%), vụ chuyến bay giải cứu, các đối tượng đã nộp lại hơn 200 tỉ đồng và 1,85 triệu USD (đạt trên 90%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã thu hồi được 76.200 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 48%).
Khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ: Việt Á, AIC, Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu làm tốt một số nhiệm vụ, trong đó chỉ đạo khẩn trương hoàn thành kiểm tra, thanh tra các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo. Trong đó, khẩn trương kết luận, xử lý dứt điểm các sai phạm liên quan Việt Á, AIC, Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB.
Tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra, xử lý 34 vụ án, 10 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm và các trung tâm đăng kiểm địa phương, vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, FLC, Tân Hoàng Minh...
Ăn năn, hối cải, nhận sai, xin chịu tội
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho hay quan điểm của Tổng Bí thư, Ban Chỉ đạo là bảo đảm việc xử rất nghiêm minh các sai phạm nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, nhân tình.
Theo đó, xử lý nghiêm minh nhưng không phải quá nặng mà đảm bảo xử lý đúng bản chất của sai phạm, vi phạm. Đồng thời, xử lý một cách công khai, không có úp mở, giấu giếm, không có án bỏ túi. Tất cả hoạt động từ phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm, truy tố, xét xử, thi hành án đều thực hiện đúng quy định pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch.
"Qua các vụ án đưa ra xét xử có thể thấy các bị cáo nguyên là lãnh đạo cao cấp hay là cán bộ, đảng viên khi nói lời sau cùng đều bày tỏ sự ăn năn, hối cải, nhận sai, có tội, xin chịu tội Đặc biệt, bày tỏ lời xin lỗi với người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, với cơ quan, tổ chức..." - ông Nguyễn Văn Yên nói.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!