Nhiều khi chúng ta chỉ còn biết hy vọng vào những thế hệ như thế. Từ xưa chúng ta đã rất đề cao ‘trình độ văn hóa 12/12’, có nghĩa là ‘có học’. Tiếc thay, không ít trường hợp ngày nay không những có học mà học rất cao, nhưng trình độ văn hóa phải lại thua trẻ lên ba, như trường hợp ông bố ‘trông rất trí thức’ tôi gặp trong câu chuyện trên đây.
Cũng trước đây, tôi hay nghe người lớn mắng ‘học đại học rồi …’, và người nào làm gì sai mà bị chửi như vậy là nặng lắm, nhục lắm. Có thời gian đi học ở nước ngoài, tôi thấy rất nể sinh viên phương Tây. Làm cái gì họ cũng xếp hàng; nói xin lỗi, đi vệ sinh cũng xếp hàng rất lịch sự.
Về Việt Nam, tôi quan sát khắp nơi, đỏ con mắt mà chẳng thấy ở đâu cảnh sinh viên xếp hàng một cách lịch sự. Một lần đi dạy ở Đại học Quốc tế, lần đầu tiên tôi thấy sinh viên Việt Nam xếp hàng chờ xem điểm. Mừng như bắt được vàng, tôi rút điện thoại ra chụp lấy chụp để. Tiếc là chất lượng hình kém quá.
Ảnh minh họa
Và chỉ một lần đó thôi. Giờ đây, hàng tuần tôi phải ‘chen’ với sinh viên để vào được thang máy cho kịp giờ giảng. Bài học bản thân này tôi rút ra được từ sau những lần xếp hàng và bị sinh viên đẩy dạt ra phía sau. Cũng như tôi, nhiều giảng viên đại học khác cũng đành phải chọn con đường ‘chen’ để nhanh chóng vào được thang máy. Hỡi ôi! Đại học, nhưng trình độ văn hóa đâu rồi?!
Tại sao chúng ta chủ trương đề cao giá trị nhân văn nhưng chỉ lo dạy ‘văn’ mà quyên mất dạy ‘nhân’ cho sinh viên? Đừng để người ta trách là nơi nhân văn mà người không nhân văn chút nào. Văn hóa phải đi từ những biểu hiện hành vi nhỏ nhất mà những người trong môi trường đại học hơn ai hết phải là tấm gương. Không cần sinh viên phải nhường cho giảng viên. Chỉ cần tất cả đều sắp hàng và mọi người đều vào được thang máy, một cách lịch sự và công bằng nhất!
Bình luận (0)