Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, dự báo tình hình phạm pháp hình sự ở nước ta nói chung và của TPHCM nói riêng sẽ còn diễn biến phức tạp. Điển hình là gần đây, hàng loạt vụ án nghiêm trọng với tính chất bạo lực gia tăng mà người gây án có tuổi đời còn rất trẻ.
Các bị cáo trẻ trong một vụ án giết người, cố ý gây thương tích tại TPHCM. Ảnh: TỐ TRÂM
Những con số đáng lo
Theo số liệu của Công an TPHCM, trong năm 2009, trên địa bàn TP đã xảy ra hơn 6.300 vụ phạm pháp hình sự, 4.800 đối tượng vi phạm bị bắt giữ. Trong đó, loại phạm tội hình sự nguy hiểm, tỉ lệ các vụ án mạng nghiêm trọng gây xôn xao dư luận tăng 15% so với năm 2008.
Tại tỉnh Đồng Nai, theo thống kê của Công an tỉnh, trong năm 2009, toàn tỉnh xảy ra 134 vụ án cố ý gây thương tích, nguyên nhân xảy ra đều xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân do va quệt xe, ăn nhậu; các đối tượng phạm tội hầu hết tuổi đời còn rất trẻ, chưa có tiền án tiền sự.
Còn theo thống kê của VKSND tỉnh Bắc Giang, trong hai năm 2007, 2008, mỗi năm, cơ quan này khởi tố 113 vụ án cố ý gây thương tích; riêng năm 2009, có đến 180 vụ với 204 đối tượng bị khởi tố. Trong số các vụ án cố ý gây thương tích xảy ra năm 2009 có đến 13 vụ dẫn đến hậu quả chết người.
Án cố ý gây thương tích chiếm tỉ lệ cao nhất trong các loại án xảy ra trên địa bàn tỉnh và nguyên nhân dẫn đến các vụ án này đều do các đối tượng là thanh thiếu niên uống rượu quá chén, va chạm giao thông.
Qua số liệu trên cho chúng ta thấy tình hình tội phạm ngày càng gia tăng về số lượng cũng như tính chất ngày càng nguy hiểm hơn và đã đến lúc đáng phải báo động. Đánh giá của các cơ quan chuyên môn phân tích về tội phạm học, những loại án này diễn biến rất phức tạp, phần lớn do cha mẹ các đối tượng phạm tội không quan tâm quản lý, giáo dục con em mình; mặt khác, các đối tượng này thường xuyên tiếp xúc với phim ảnh, các trò chơi điện tử mang tính bạo lực.
Hậu quả của những vụ án này không chỉ ảnh hưởng nặng nề cho người bị hại về vật chất, sức khỏe lẫn tinh thần; đối tượng phạm tội bị pháp luật xử lý mà gia đình của họ cũng thiệt hại không nhỏ...
Nâng ý thức của mỗi cá nhân
Thực tiễn từ các vụ án cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tội phạm. Do áp lực từ cuộc sống, chất lượng sống giảm sút, lối sống thiếu lành mạnh... nhưng nguyên nhân chính là ý thức của mỗi cá nhân trong đời sống hằng ngày.
Chẳng hạn, một đô thị với mật độ giao thông quá dày đặc sẽ khó tránh khỏi những va chạm trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Vấn đề quan trọng được xem là yếu tố quyết định cách thức giải quyết các va chạm ấy chính là ý thức chấp hành pháp luật của từng cá nhân trong xã hội. Khi ý thức kém, người ta thường dễ có những hành vi ứng xử không đúng.
Ở những người này thường thấy, nếu xảy ra va chạm giao thông, trước tiên, họ sẽ xuống kiểm tra xe của mình có bị hư hao, móp méo hay không, không quan tâm đến tình trạng sức khỏe của người bị đụng, cho dù chỉ bằng một câu hỏi. Thậm chí, chẳng cần biết phải trái, họ lên tiếng mắng chửi đối phương để... thị uy. Trong trường hợp đó, gặp phải người cũng có ý thức kém, xảy ra chuyện đánh nhau cũng là điều dễ hiểu.
Trong sinh hoạt hằng ngày, rất nhiều người chỉ vì những mâu thuẫn rất nhỏ, lẽ ra có thể bỏ qua nhưng vì muốn thể hiện cay cú hơn thua, không biết nhường nhịn... đã dẫn đến mất hết lý trí, biến chuyện nhỏ thành lớn để rồi khi phải trả giá cho hành vi nông nổi bằng sự tổn hao sức khỏe hoặc những năm tháng tù tội, hối hận thì đã muộn.
Ý thức của một người được hình thành từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường, từ cách giáo dục và cách sống truyền thống của gia đình. Một người không được sự giáo dục của ông bà, cha mẹ, luôn phải chứng kiến cảnh bạo hành trong gia đình từ khi còn nhỏ thì khi lớn lên người ấy dễ mang tính bạo lực và sẽ dẫn đến có những hành vi lệch chuẩn.
Ngoài ra, yếu tố xã hội có vai trò quyết định đến ý thức chấp hành pháp luật của con người. Nói cách khác, vai trò của pháp luật cũng góp phần tạo nên ý thức của con người. Nếu pháp luật có những chế tài thật nghiêm khắc và đầy đủ hơn, ý thức con người sẽ được nâng lên.
Chẳng hạn, việc quy định cấm uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông, chúng ta đã có luật điều chỉnh nhưng việc áp dụng pháp luật vào đời sống chưa triệt để. Hay việc các cửa hàng bán bia, rượu không được bán cho trẻ em dưới 18 tuổi, pháp luật hiện chưa có quy định cụ thể và mức chế tài vẫn chưa đủ để mang lại hiệu quả.
Bình luận (0)