Cần phải quyết liệt ngăn chặn nạn chăn dắt người già, trẻ em ăn xin Ảnh: PHẠM DŨNG
Tình trạng chăn dắt trẻ em và người già không mới, không chỉ ở TP HCM mà hầu như địa phương nào cũng có và là vấn đề rất nhức nhối của xã hội. Hành động bóc lột sức lao động của người già và trẻ em của những kẻ chăn dắt là vô nhân đạo, tàn nhẫn, bất cứ xã hội nào cũng không thể chấp nhận được.
Để chấm dứt tình trạng này, điều cấp thiết là phải triệt phá và xử lý nghiêm những băng nhóm chuyên chăn dắt người già và trẻ em. Song song đó, chính quyền địa phương nên thu gom, đưa những đối tượng ăn xin hoặc ăn xin trá hình (dưới hình thức mua bán hàng rong, chèo kéo khách) vào trung tâm bảo trợ xã hội để sàng lọc. Quá trình xác minh, những đối tượng nào không có thân nhân, mất sức lao động hoặc hoàn cảnh khó khăn, trung tâm bảo trợ xã hội sẽ nuôi dưỡng theo chế độ chính sách. Những đối tượng nào có khả năng lao động, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để có công ăn việc làm.
Đà Nẵng là địa phương có nhiều kinh nghiệm và đã làm tốt việc dẹp bỏ nạn ăn xin, chèo kéo bán hàng rong. TP HCM cũng có thể thực hiện được như thế, quan trọng là có muốn làm hay không chứ không phải không làm được. Có quan điểm cho rằng làm thí điểm ở một quận trung tâm rồi nhân rộng ra nhiều quận khác, tôi cho rằng không nên bởi gom chỗ này, họ chạy qua chỗ khác, rốt cuộc cứ luẩn quẩn, không giải quyết dứt điểm. Theo tôi, khi đã quyết tâm làm, phải thực hiện đồng bộ trên toàn thành phố và có chiến lược lâu dài chứ đừng làm theo hình thức, phong trào trong một thời gian rồi ngừng lại.
Kinh tế càng khó khăn càng có nhiều người bị đẩy vào hoàn cảnh túng quẫn. Dĩ nhiên, không phải ai nghèo khó cũng đều chọn cách đi ăn xin hoặc chấp nhận bị người khác hành xác trên đường như báo chí đã phản ánh. Nhưng có một thực tế, đó là tâm lý “đám đông”, hễ trong thôn xóm có người đi thì khi được rủ rê, nhiều người chấp nhận rời bỏ quê hương, nhất là khi họ nhận thấy một ngày làm công đôi khi không bằng một ngày… đi xin. Bên cạnh đó, có một số người lười biếng, ngại khó, sợ khổ nhưng lại muốn có tiền dễ dàng, họ chấp nhận cho con vào đường dây lang thang xin ăn mà không quan tâm đến việc con trẻ sẽ bị xâm hại, lợi dụng…
Ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn chăn dắt, hành xác người già và trẻ em là trách nhiệm của nhà nước và của toàn xã hội. Biện pháp trước mắt là nên xử phạt vi phạm hành chính đối với những bậc cha mẹ cho trẻ đi ăn xin vì đã vi phạm quyền trẻ em. Những địa phương nào để xảy ra tình trạng người ăn xin, bán hàng rong chèo kéo khách…, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Về lâu dài, nhà nước cần có nguồn kinh phí riêng đủ để chăm sóc những người có hoàn cảnh thực sự khó khăn, mất sức lao động, không có gia đình. Cần hoàn thiện khung pháp lý, ban hành các chế tài để xử lý hiệu quả, tránh tái phạm; xây dựng lực lượng phản ứng nhanh (như đội xử lý thông tin về người ăn xin ở TP Đà Nẵng) để ngăn chặn kịp thời những hành vi đối xử tàn nhẫn, bóc lột sức lao động của người già, trẻ em.
Làm việc thiện đúng chỗ Theo bạn đọc Nguyễn Bình An (quận 10, TP HCM), sở dĩ có nhiều hình ảnh những đứa trẻ bị phơi nắng, dầm mưa để xin ăn, bán vé số; người già còng lưng ngồi hít bụi ngoài đường để bán hàng thì “lỗi” trước hết là do nhiều người làm việc thiện không đúng chỗ. Những hình ảnh đó rất đáng thương nhưng nếu suy nghĩ sâu xa hơn sẽ thấy sự động lòng trắc ẩn như vậy là mảnh đất màu mỡ để “dịch vụ chăn dắt” phát triển. Nếu muốn làm từ thiện, hãy gửi đến các tổ chức từ thiện, bảo trợ xã hội... Ngoài ra, theo bạn đọc Bình An, đối với nạn chăn dắt ăn xin, chính quyền nên xem đó là tệ nạn và phải mạnh tay dẹp bỏ. |
Bình luận (0)