Cũng chỉ vì tiền
Tôi là một giảng viên ĐH, cũng đã đi thỉnh giảng ở nhiều cơ sở liên kết đào tạo (LKĐT). Thực tế hiện nay nhiều trường không có đủ thực lực nhưng vẫn sẵn sàng LKĐT. Số lượng sinh viên tham gia đông sẽ tỉ lệ thuận với số tiền thu vào. Chỉ có liên kết mới không phải phát sinh ban bệ, nhân viên, giáo viên mà sinh viên vẫn phải trả đầy đủ học phí ở mức cao cho nhà trường. Nếu những trường không tổ chức LKĐT thì thu nhập của cán bộ trong trường giảm hẳn so với những trường có LKĐT. Trước thực trạng yếu kém của việc LKĐT, chúng ta nên siết lại các tiêu chuẩn và tiêu chí của LKĐT, chỉ phát triển khi thật cần thiết. Vấn đề mấu chốt là phải bảo đảm chất lượng.
Trần Anh Tuấn (TPHCM)
Trường ĐH Kinh tế TPHCM có hoạt động liên kết đào tạo tại chức và chú ý quan tâm chất lượng.
Trong ảnh: Thí sinh dự thi ĐH 2009 tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM (ẢNH CHỈ CÓ TÍNH MINH HỌA). Ảnh: N.HỮU
Cơ sở vật chất thiếu thốn
Nhiều trường không đủ năng lực vẫn vô tư mở lớp LKĐT. Phần lớn sinh viên phải học trong những lớp học tồi tàn, thiếu đèn, thiếu quạt. Những phòng học khang trang để dành cho các lớp chính quy, còn LKĐT tất nhiên sẽ phải ngồi học ở những phòng tạm như nhà kho, phòng tư liệu... Sinh viên thường chỉ học “chay” chứ không có đủ phòng thí nghiệm hoặc máy vi tính để thực hành. Nếu Bộ GD-ĐT thử làm một chuyến công du đột xuất đến những trường có LKĐT sẽ thấy sinh viên học trong điều kiện không có đủ bàn để ngồi hoặc phải kê tập lên đùi viết, may mắn hơn thì có được chiếc ghế kiểu dã chiến có chiếc bàn nhỏ gắn liền. Giảng viên do phải dạy nhiều có khi khản cả cổ không nói lớn được, đã vậy chiếc micro cũng không có nên sinh viên nghe giảng lõm bõm, vì vậy việc lĩnh hội kiến thức trên lớp rất ít ỏi.
Mạc Thị Ánh Tuyết (Long An)
Giảng viên yếu kém
Phải nhìn nhận rằng đa số giảng viên đang dạy trong các cơ sở LKĐT trình độ không đồng đều. Tại một trường ĐH có tiếng ở TPHCM, khoa kế toán tài chính ngân hàng chỉ có 6 giảng viên nhưng đào tạo rất nhiều lớp học, ngành học các hệ (từ xa, tại chức, liên thông, chính quy). Chính vì không đủ giảng viên nên trường phải thuê giảng viên từ các nơi khác, còn chất lượng dạy như thế nào, khoa và nhà trường không quan tâm. Có giảng viên mới chỉ học xong ĐH, chưa có bằng thạc sĩ vẫn ung dung cắp cặp lên đứng lớp hằng ngày. Ngày này qua ngày khác, họ lo đi dạy, không có thời gian đọc sách, cập nhật kiến thức, thử hỏi những giảng viên này khi nào mới giỏi được? Mặt khác, tâm lý giảng viên thỉnh giảng chỉ là để kiếm thêm thu nhập, không chịu trách nhiệm về chất lượng môn học nên phần lớn đều giảng bài qua loa, không đạt yêu cầu.
Phạm Xuân Hãn (TPHCM)
Có học cũng như không
Tại các lớp LKĐT, sinh viên thường được học theo kiểu “nhồi”. Nhìn vào thời khóa biểu, ai cũng chán ngán vì học đến 8 tiết trong một ngày. Cả tuần lễ học như vậy đến thánh cũng chẳng tiếp thu được, ấy vậy mà các trường có LKĐT vẫn thường xuyên thực hiện. Học đã vậy, giờ thảo luận cũng chẳng có. Nhà trường thực hiện giảng và học kiểu này, sinh viên dù rất ngán nhưng cũng phải chấp nhận vì cảm thấy được lợi về thời gian. Chính như vậy nên chất lượng sinh viên LKĐT đang bị bỏ ngỏ. Nhiều sinh viên ra trường không làm được việc. Phần lớn sinh viên chỉ cần có bằng cấp để hợp thức hóa vị trí công tác đang đảm nhiệm trong cơ quan, đơn vị mà thôi. Bởi vậy, học chương trình LKĐT có học cũng như không.
Nguyễn Thị Bích Hồng (Hà Nội)
Bình luận (0)