Bệnh tật đe dọa người dân
Tôi nhớ trong cuộc họp dân ở xã Thái Mỹ, bà chủ tịch HĐQT công ty này luôn miệng xin lỗi người dân vì để phát sinh ruồi, mùi hôi và đổ lỗi cho cấp dưới. Sau đó, công ty lại đem rác đi chôn trong nhà máy, bà này cũng bảo “không biết, không hề chỉ đạo làm vậy”. Một doanh nghiệp đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân cư xung quanh nhà máy mà người lãnh đạo không biết, không nghe, thật hết sức vô lý! Bà xin lỗi, bà hứa khắc phục nhưng chứng kiến cảnh khắc phục của bà giám đốc, tôi không khỏi rùng mình ớn lạnh: Rác để ngoài trời bốc mùi hôi, dân chúng yêu cầu bà dọn dẹp, xử lý hoặc chở đi chôn thì bà lấy cát lấp lên luôn! Vì bà giám đốc không sống ở đó nên đối với bà, cách khắc phục đó quá tiện lợi, còn hậu quả dân chúng tôi lãnh đủ. Nguồn nước ô nhiễm, ruồi muỗi, bệnh tật bao vây người dân.
Tôi kiến nghị cơ quan chức năng sớm làm rõ các sai phạm của công ty này, hoặc phải giải quyết bằng hết hậu quả hoặc sớm đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm để sức khỏe của người dân không bị đe dọa.
Phan Văn Tiến (Củ Chi- TPHCM)
Công ty Vietstar đổ rác khắp khuôn viên nhà máy, phát tán mùi hôi và gây ô nhiễm. Ảnh: PHẠM DŨNG
Dung túng vi phạm?
Là chủ một doanh nghiệp, tôi hiểu qua mặt luật pháp VN và các cơ quan chức năng rất khó vì nhất cử nhất động đều không lọt qua mắt các quan chức từ cấp phường, cấp quận đến cấp TP, cấp Trung ương. Vietstar năm lần bảy lượt vi phạm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Phải chăng ở đây có sự dung túng, bao che, có sự khuất tất?
Sở Xây dựng “tuýt còi”, UBND huyện “bật đèn xanh”, vậy “ông” nào to hơn, việc xây chui của Vietstar do ai xử lý? Công trình xây chui này để giải quyết ô nhiễm, vậy trước đó Vietstar không xin phép xây dựng có nghĩa là cố tình gây ô nhiễm?
Công ty này cũng đang đầu tư nhà máy xử lý rác vào huyện Hương Trà, Thừa Thiên- Huế với tên gọi rất kêu “Dự án Khu Phức hợp xử lý và tái chế chất thải đô thị Lemna”. Chúng tôi lo ngại rằng lại có thêm một bãi rác gây ô nhiễm nữa tại Thừa Thiên- Huế mà thôi!
Hướng Dương (Thừa Thiên-Huế)
Cơ quan quản lý đâu rồi?
Tôi theo dõi Báo NLĐ từ rất lâu, thấy hết bãi rác Đông Thạnh đến bãi rác Phước Hiệp, nay lại đến Nhà máy Xử lý rác Vietstar gây ô nhiễm môi trường. Các đơn vị xử lý rác này đều bê bối và gây ô nhiễm. Cơ quan quản lý đâu cả rồi? Theo tôi, những bê bối này có hai nguyên nhân, bên cạnh sự cố tình làm ăn gian dối của doanh nghiệp còn có trách nhiệm của cơ quan quản lý. Một đơn vị xử lý rác đô thị vi phạm gây ô nhiễm môi trường nhưng không bị xử tới nơi tới chốn sẽ làm cho các đơn vị khác bắt chước làm bậy. Nếu không sớm ngăn chặn và giải quyết triệt để tình trạng này, TPHCM sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn.
Nguyễn Hòa Bình (Bình Thạnh- TPHCM)
Không thể nhân nhượng
Thống kê đến cuối tháng 7, tổng thể tích nước rỉ rác mà Công ty Vietstar chuyển cho Công ty Quốc Việt xử lý khoảng 3.700 m3. Vậy lượng nước rỉ rác còn lại, Vietstar xử lý thế nào và đổ đi đâu? Tuy mới hoạt động nhưng Công ty Vietstar đã hủy hoại môi trường. Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng buộc Công ty Vietstar phải xử lý xong hậu quả mới cho hoạt động trở lại.
Nhìn đám cây trồng bên hàng rào công ty mới thấy sức tàn phá của sự ô nhiễm môi trường. Không biết chúng có kịp lớn để làm hàng rào cách ly và ngăn chặn sự ô nhiễm tràn ra khu dân cư hay là chúng sẽ bị chết yểu vì chính sự ô nhiễm của nhà máy gây ra? Tháng nào đóng tiền vệ sinh môi trường tôi cũng thấy xót, không phải xót số tiền đã bỏ ra mà xót vì có người làm bậy chẳng tốn chút mồ hôi vẫn hằng tháng “đút túi” tiền mồ hôi nước mắt người dân.
Trần Văn Nam (Củ Chi-TPHCM)
Bình luận (0)