Có lẽ chỉ những ai rơi vào hoàn cảnh chính bản thân hay người thân của mình bị suy thận mãn mới thấm thía được hết ơn cứu mạng của người cho mình quả thận thay thế. Người thân của tôi khi bị bệnh đã suy sụp, khủng hoảng, trầm cảm kéo dài triền miên nhưng sau khi được ghép thận như được tái sinh. Niềm vui trở lại với người thân của tôi cũng tràn ngập gia đình chúng tôi, chấm dứt những chuỗi ngày u ám, tuyệt vọng.
Bệnh nhân Mai Văn Nhân và vợ đang sống tại trại 25 Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) để chạy thận. Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Trên 5 triệu người VN suy thận
Từng là người trong cuộc, cho đến nay, gia đình chúng tôi vẫn xem người đã chia sẻ quả thận với người thân mình như một ân nhân. Chúng tôi vẫn âm thầm theo dõi cuộc sống của anh để có thể giúp đỡ khi cần thiết. Không biết với người khác thì như thế nào, nhưng với gia đình chúng tôi, việc tặng lại cho người tặng quả thận một số tiền lớn không phải là chuyện mua bán lạnh lùng mà đó là chuyện đền đáp có tình cảm, tình người. Gia đình chúng tôi không xem người đã tặng một phần thân thể mình như một người bán một món hàng mà luôn coi đó là một nghĩa cử đáng trân trọng.
Nếu đủ điều kiện tài chính, phương án tối ưu nhất vẫn là ghép thận vì sau đó bệnh nhân có thể làm việc trở lại tốt hơn và không bị ràng buộc vào lịch chạy thận nhân tạo. Thế nhưng, cho dù có đủ sức trả chi phí ghép thận, việc tìm được một quả thận thay thế vô cùng khó khăn. Cái khó đầu tiên là người cho thận phải đáp ứng được hàng loạt yếu tố tương thích về mặt sinh học để thận ghép vào không bị thải loại. Cái khó thứ hai cũng lớn không kém là các quy định của luật hiến tạng hiện nay chỉ cho phép người hiến tạng có quan hệ thân thích với người nhận.
Số liệu do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam cho biết tính đến đầu năm 2009 ở VN có trên 5 triệu bệnh nhân suy thận (chiếm gần 7% dân số), trong đó có 72.000 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối và mới chỉ có 10% bệnh nhân được lọc máu, 90% còn lại đều tử vong vì không đủ tiền trang trải cho chi phí lọc máu (khoảng 500.000 đồng/lần). Trung bình mỗi năm, nước ta lại có thêm khoảng 8.000 bệnh nhân suy thận mới.
Đường dây “chui”
Chính từ nhu cầu ghép thận rất lớn này trong khi nguồn cung cấp quá ít, các đường dây tìm người chịu “tặng” thận, đổi lại người nhận “tặng” tiền đã hình thành. Trên giấy tờ, người cho (thực tế là bán) và người nhận thận đều ghi là có quan hệ bà con xa, để phù hợp với luật định.
Mục đích của Luật Hiến, ghép mô, tạng là nhằm ngăn chặn việc mua bán nội tạng nhưng trên thực tế, thị trường này vẫn tồn tại và phát triển gần như công khai. Do khả năng tìm được nguồn cung cấp thận để ghép theo đúng luật rất nhỏ nên hầu hết người cần ghép thận đều phải tìm đến các đường dây cung ứng “chui”. Khi qua các đường dây này, quả thận đến được với người cần ghép với giá cao ngất. Đa số người phải bán thận đều thuộc thành phần nghèo và bế tắc nên mới quyết định bán đi một phần cơ thể với mong mỏi cải thiện cuộc sống khốn khó, nhưng tiền đến tay họ thường chỉ còn 2/3 hay 1/2, số còn lại các đường dây cung ứng hưởng. Cách nay một năm, để có một quả thận, người nhận thận phải trả khoảng 90-100 triệu đồng cho đường dây, nhưng người cho thận chỉ nhận được khoảng 50-60 triệu đồng.
Nhân kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, rất mong Quốc hội xem xét, nên chăng điều chỉnh linh hoạt các quy định trong Luật Hiến, ghép mô, tạng để có thể quản lý được, bảo đảm được quyền lợi của người cho và người nhận thay vì để các đường dây cung ứng mô, tạng “chui” hoạt động mà không kiểm soát được như hiện nay.
Bình luận (0)