xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tán gia bại sản vì suy thận mãn

Thành Đồng

Mắc phải căn bệnh hiểm nghèo suy thận mãn, nhiều người phải bán hết tài sản để chạy thận nhằm kéo dài sự sống. Nhiều gia đình vì thế đã rơi vào cảnh vô cùng bi đát

Kể từ ngày chồng mắc căn bệnh suy thận mãn, chị Mai Thị Hương phải bán tất tần tật mọi thứ để vào bệnh viện chăm sóc chồng. Cũng từ đó, vợ chồng chọn hành lang Bệnh viện Chợ Rẫy làm nhà. Chị Hương cho biết quê ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, theo chồng lên đây gần 6 năm nay. “Từ khi lên TPHCM tới giờ, cứ 2 ngày chồng phải chạy thận một lần nên tôi không thể đi về được, vả lại nhà đất đều bán để điều trị hết, giờ về cũng không biết ở đâu đành ở luôn tại bệnh viện, chắc chồng tôi cũng chỉ sống được vài năm nữa thôi...” - chị Hương ngậm ngùi.

img
Đông đảo bệnh nhân đang chờ đến lượt chạy thận (ảnh chụp tại Khoa Thận Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 9-10)

Bệnh viện là nhà


Ngồi ngoài phòng chờ của bệnh viện, bệnh nhân Phan Xuân Long nói như giải thích: Khi đã mắc phải căn bệnh này coi như khổ suốt đời, không chỉ mình khổ mà gia đình cũng khổ theo. Nếu có một người bị bệnh này thì phải năm người lao động mới nuôi nổi. Nhiều người ở đây thường nói với nhau mỗi khi đã dính phải căn bệnh này thì không chỉ người nghèo mà người giàu cũng khóc.


Ông Đặng Văn Dũng, ngụ ở tỉnh Long An, tâm sự: “Trước thấy người không khỏe nên tôi đến các phòng khám đông y có bác sĩ Trung Quốc, rồi lên tận Lâm Đồng... Khi thấy bệnh tình ngày càng nặng, về Bệnh viện Chợ Rẫy mới phát hiện là suy thận mãn. Từ đó tới giờ tôi phải chọn bệnh viện là nhà, Tết cũng không về quê”.


Khi chúng tôi đến phòng chạy thận, tiếng một cô y tá cất lên: “Mời bệnh nhân Nguyễn Thị Hoa...”. Mọi người quay lại nhìn nhau. Cô y tá gọi tiếp lần thứ hai vẫn không thấy ai vào. Khi những người cuối cùng được gọi vào để chạy ca cuối cùng trong ngày thì có cặp vợ chồng đi về. Hỏi ra mới biết hôm nay là ngày chị Hoa chạy thận, nhưng hai vợ chồng lo chưa đủ tiền đóng nên đang chờ cô con gái từ dưới tỉnh Đồng Nai gửi lên. Chờ mãi vẫn không thấy, chị Hoa xách chiếc túi đựng mấy thứ đồ cá nhân, anh chồng dìu đứa con lên cầu thang rồi trải chiếc áo mưa xuống nằm ngủ. 5 giờ, cả nhà lại chuyển xuống phía sau bệnh viện vì hành lang đông người đi lại.


Sau một năm con nằm viện vì chứng suy thận mãn, chị Hà  phải bán mảnh vườn ở TP Đà Lạt là tài sản có giá trị nhất của cả nhà, để chạy thận cho con. Cũng như chị Hà, rất nhiều người khác cũng rơi vào cảnh trắng tay vì gia đình có người thân mắc phải căn bệnh quái ác này, thậm chí nhiều người đã phải chấp nhận nằm chờ chết vì khả năng của gia đình đã hết.


Hết tiền là chết


Một bệnh nhân thâm niên tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết  mỗi lần chạy thận hết hơn 4 giờ, 2 ngày phải chạy một lần. Chi phí tất cả, nếu không có bảo hiểm thì hết 20 đến 30 triệu đồng/tháng. “Bệnh này có tiền thì còn hy vọng sống. Ai không có tiền là chết”- ông Nguyễn Văn Bông, một người đi chăm sóc vợ bị bệnh suy thận mãn tại Bệnh viện 115, khẳng định. Kể từ ngày vợ bị bệnh suy thận mãn, ông Bông phải lựa chọn một là để lại căn nhà, hai là bán để lo kéo dài sự sống cho vợ. Cuối cùng, ông quyết định bán căn nhà ở quận Bình Thạnh - TPHCM được 63 cây vàng rồi chuyển về huyện Bình Chánh thuê phòng ở. “Sau 3 năm điều trị, giờ tiền cũng đã cạn, con cái thì khó khăn quá...”- ông Bông than thở. 


Ngồi cách đó không xa, chị Trần Thị Liêm lấy khăn lau nước mắt cho chồng, nói tiếp: “Chồng tôi Mai Văn Nhân, quê ở tỉnh Bình Thuận, bị bệnh này gần 4 năm qua nhưng ngoài đó không có máy chạy thận nên phải vào đây, xa quá, nhà đã nghèo càng nghèo thêm”. Anh chị còn hai con nhỏ đang đi học nhưng suốt 6 năm qua không có điều kiện về thăm. “Giờ nó đang ở với ông bà nội, học giỏi lắm. Hôm trước nó vào thăm cha, đòi ăn mà tui không còn tiền, thương con lắm nhưng đành phải bảo con về lại quê” - chị Liêm nghẹn ngào.


 
Trường hợp của bệnh nhân Phạm Văn Oanh thì ê chề hơn. Anh cho biết: “Nếu phát hiện sớm thì còn đỡ, chứ như tôi mất oan không biết bao nhiêu là tiền...”. Trước khi vào Bệnh viện Chợ Rẫy chạy thận, gia đình không biết nên cứ đưa anh đi khám tứ tung, tốn cả trăm triệu đồng, khi biết ra thì đã quá muộn.


Những ngày thực tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện 115, chúng tôi đã được gặp hàng trăm bệnh nhân đang trong tình cảnh gia đình vì bệnh tật mà trở nên khánh kiệt chỉ sau vài năm điều trị.

Một gia đình có 3 người bị suy thận mãn


Nằm trên giường bệnh với hai cánh tay chi chít những vết sẹo dọc ngang – vết tích của nhiều năm liền chạy thận để lại, anh Nguyễn Minh Hồng (ngụ xã Vương Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) kể cho chúng tôi nghe về bi kịch của gia đình anh. Cách đây 2 năm, cha của anh bị mắc phải căn bệnh suy thận mãn nên phải bán tất cả mọi thứ trong nhà để điều trị. Tiếp sau đó, một người em trai lại mắc phải căn bệnh này. Gia đình anh phải bán luôn căn nhà và nền đất được 26 triệu đồng để điều trị cho cha và em. Số tiền đó chỉ đủ điều trị cho cha được một tháng, hai tháng cho em, sau đó không có tiền chạy thận nữa nên cha và em đã mất. Riêng anh bị bệnh khi còn trong quân ngũ nên hiện vẫn may mắn hơn nhiều người khác là đang được Nhà nước chăm lo.

Kỳ tới: Hy sinh thầm lặng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo