Cần phân biệt rõ ràng
Ngành GTVT nói rằng thu phí xăng, dầu để lấy quỹ sửa chữa đường bộ. Vậy thử hỏi, tình trạng tắc đường, kẹt xe xảy ra thường xuyên ở các TP lớn thì người dân có được hoàn lại phí đường bộ này không? Đường sá xuống cấp, ngập nước thì trách nhiệm của ngành GTVT ra sao? Lại nữa, với những người mua xăng, dầu về chạy máy sản xuất thì không thể chịu phí đường bộ.
Tôi thấy các nhà quản lý chỉ tìm cách tăng nguồn thu từ người dân vốn đã phải chịu quá nhiều loại phí, mà không xem xét mức thu đó có hợp lý hay không và họ cũng không xem đến việc sòng phẳng về trách nhiệm đối với người dân. Trên những đoạn đường làm mới hoặc nâng cấp, các chủ đầu tư đều đã thu phí. Nay thu thêm phí đường bộ qua xăng, dầu là phí chồng lên phí.
Bùi Thị Khanh (Long An)
Thu phí đường bộ qua xăng, dầu sẽ gây khó khăn cho người dân. Ảnh: Hồng Thúy
Vô lý
Lại thêm một loại phí nữa. Cứ ra đường là gặp phí. Tôi không phản đối chuyện thu phí nhưng phải thu hợp lý và hợp lòng đa số dân chúng. Một đoạn đường ngắn từ TPHCM đi Vũng Tàu thôi cũng đã 3-4 lần nộp phí cầu đường, giờ lại thu thêm qua xăng, dầu.
Không thể so sánh rằng bên châu Âu, châu Mỹ gì đó cũng đã thu thế này rồi. Xin hỏi vậy giao thông đường bộ ở nước ta đã được duy tu, bảo dưỡng, điều hành tốt như châu Âu, châu Mỹ chưa? Đồng lương ở nước ta, thu nhập của người lao động ở VN có tương xứng như ở châu Âu, châu Mỹ hay không? Xin các quan chức khi dự thảo chính sách liên quan đến dân chúng nên có sự nhìn nhận sâu rộng, có lý, có tình.
Hoàng Nhất Linh (TPHCM)
Nên trưng cầu ý kiến người dân
Nếu phương án thu phí đường bộ qua xăng, dầu được thông qua, người dân phải trả thêm 1.000 đồng/lít xăng. Rồi đây gánh nặng về chi tiêu sẽ đè lên vai người dân. Các đợt tăng giá xăng vừa qua đã tác động rất lớn đến người tiêu dùng. Khi mà xăng tăng giá sẽ dẫn đến các dịch vụ, hàng hóa khác như vận tải, thực phẩm... cũng tăng theo. Đời sống người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Cơ quan soạn thảo có khi nào nghĩ đến thiệt hại mà người dân phải gánh chịu khi quy định này được thông qua không? Ai sẽ chịu trách nhiệm khi đã thu phí mà cơ sở hạ tầng giao thông không được sửa chữa, nâng cấp thường xuyên? Tôi cho rằng trước khi ban hành quy định này, cơ quan soạn thảo cần đưa ra lấy ý kiến của người dân để có sự nhất trí cao.
Võ Văn Đại (TPHCM)
Chưa công bằng
Hiện nay, một số tuyến đường ở TPHCM thường xuyên bị các đơn vị như cấp nước, điện… đào lên, lấp xuống nhưng chưa được tái lập hoàn chỉnh, mặt đường gồ ghề, nham nhở gây khó khăn cho việc tham gia giao thông. Việc sửa chữa hoàn thiện mặt đường chưa được các đơn vị chức năng quan tâm đúng mức.
Nếu muốn người dân đồng tình với chủ trương thu phí đường bộ qua xăng, dầu thì phải làm sao để đường sá tốt hơn cho việc lưu thông của người dân. Với đường sá như vậy mà ban hành chủ trương thu phí thì sẽ không công bằng chút nào.
Người dân đóng tiền mong muốn được hưởng những điều kiện thuận lợi chứ không phải đóng tiền rồi rước phiền toái về mình.
Vũ Văn Dũng (TPHCM)
Tôi không đồng tình
Tôi không đồng tình với chủ trương thu phí đường bộ qua xăng, dầu của Tổng cục Đường bộ VN. Người dân sẽ nhất trí cao nếu đường sá đi lại thông thoáng sạch đẹp. Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng giao thông như hiện nay thì người dân thật ngán ngẩm. Đường sá thường xuyên bị kẹt xe, ổ gà, ổ voi xuất hiện ngày càng nhiều... Thế mà bây giờ lại đặt ra loại phí nữa bắt người dân phải gánh chịu.
Mặt khác, nếu quy định này được thông qua thì quản lý và sử dụng quỹ này cũng là vấn đề người dân rất quan tâm. Ai có trách nhiệm quản lý và quản lý như thế nào để quỹ này phát huy hiệu quả, minh bạch tài chính cần được đặt ra thấu đáo.
Nguyễn Tuấn Khang (TPHCM)
Bình luận (0)