Một số người lo ngại tích tụ ruộng đất sẽ tạo ra địa chủ mới. Không ít người khác lại cho rằng phải tích tụ nhiều ruộng đất (một nông dân có vài chục đến cả trăm hecta) mới phát triển được nông nghiệp, cơ giới hóa được sản xuất. Các ý kiến này đều duy ý chí.
ĐBSCL: Chỉ tích tụ lẻ tẻ
Hiện nay, quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra lẻ tẻ không đáng kể ở ĐBSCL. Tích tụ ruộng ở đây diễn ra mạnh mẽ nhất từ năm 1980 đến đầu năm 2005. Đầu những năm 1980, Nhà nước phân chia lại ruộng đất. Lúc này, giá đất rất rẻ nhưng làm lúa không có lời do năng suất thấp, giá lại thấp.
Những năm kế tiếp, lúa chuyển từ một sang 2 vụ. Nhiều nông dân làm lúa lỗ nên phải bán đất. Một số người được cấp đất nhưng không biết làm lúa, đã bán đất để lấy vốn đầu tư vào ngành nghề khác. Trong khi đó, những nông dân làm lúa hiệu quả đã nhịn ăn, nhịn mặc để lấy tiền mua đất.
Trước đây, Nhà nước cấm mua bán đất ruộng nhưng nông dân vẫn mua bán với nhau bằng cách làm giấy tay. Nay thì nông dân được phép bán quyền sử dụng đất. Nhiều nông dân mua được nhiều ruộng đất, khi có một số vốn kha khá đã chuyển sang kinh doanh những lĩnh vực phi nông nghiệp và để có vốn làm ăn, họ phải bán đất. Một số người mua được nhiều ruộng đất.
Không tạo ra địa chủ mới
Hiện nay, nông dân còn làm ruộng là những người sống được với nghề nông, họ không có nhu cầu bán đất. Giá đất rất cao, khoảng 450-500 triệu đồng/ha. Làm 1 ha lúa 2 vụ/năm lời khoảng 20-30 triệu đồng.
Nhiều người có tiền nhưng không mua đất vì kinh doanh lĩnh vực khác có lợi nhuận cao hơn, thời gian thu hồi vốn nhanh hơn. Người có tiền muốn mua ruộng làm lúa cũng rất khó vì nông dân ít người bán. Cho nên, dù Nhà nước cho phép tích tụ đất tự do cũng không tạo ra địa chủ mới.
Nông dân có đất, vì lý do gì đó không làm mà cho người khác thuê quyền sử dụng đất, là chuyện bình thường, không có gì đáng nói. Tại sao mọi người có quyền cho thuê nhà, xe… mà nông dân lại không được phép cho thuê đất?
Không cần tích tụ thêm ruộng đất mới cơ giới hóa được sản xuất. ĐBSCL có thể cơ giới hóa khâu thu hoạch bằng cách: Những người có tay nghề mua máy gặt đập liên hợp về thu hoạch lúa thuê cho nông dân. Lô thửa ở ĐBSCL hoàn toàn có thể đáp ứng được việc cơ giới hóa khâu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và cơ giới hóa việc làm đất.
Cũng không phải tích tụ ruộng đất mới tạo được thương hiệu. Đây là nhiệm vụ của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Do hiện nay được độc quyền ăn chênh lệch đầu tấn nên các doanh nghiệp trong Hiệp hội Lương thực Việt Nam chẳng quan tâm đến việc tạo thương hiệu cho hạt gạo và cả chính doanh nghiệp mình.
Nói rằng tích tụ ruộng đất để tạo mối liên kết chắc chắn giữa doanh nghiệp và nông dân cũng không đúng. Trong quan hệ mua bán lúa với doanh nghiệp, quyền lợi nông dân chỉ được bảo đảm khi được đặt dưới sự bảo trợ và giám sát của Chính phủ.
Tóm lại, có tích tụ thì có phân tán, đời cha mua thì đời con có thể bán. Chúng ta không nên lo sợ tích tụ ruộng đất nhưng cũng không nên ảo tưởng về sức mạnh của tích tụ ruộng đất. Vì vậy, điều quan trọng khi sửa Luật Đất đai là Nhà nước nên tư hữu hóa ruộng đất cho nông dân, nên bỏ hạn điền để tạo động lực cho họ tích tụ ruộng đất.
Tạo việc làm phi nông nghiệp Muốn việc tích tụ ruộng đất diễn ra nhanh chóng và tự nhiên, Nhà nước nên có những chính sách tạo việc làm phi nông nghiệp cho con cái của nông dân để họ có nghề kiếm tiền đủ sống thì sẽ bán đất.
Nhà nước cũng cần phải có những chính sách phát triển nông nghiệp căn cứ vào lô thửa manh mún hiện tại, chứ không thể đợi tích tụ đủ ruộng đất mới ra chính sách. |
Bình luận (0)