Từ ngày 1-7, 18 luật sẽ có hiệu lực thi hành, gồm: Luật Điều ước quốc tế 2016; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế sửa đổi 2016; Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015; Bộ Luật Hình sự 2015; Luật Tố tụng hành chính 2015; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015; Luật Trưng cầu ý dân 2015; Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015; Luật Khí tượng thủy văn 2015; Luật Thống kê 2015; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015; Luật An toàn thông tin mạng 2015; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015; Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015; Luật Thú y 2015.
10 tội danh thay hình phạt tù bằng phạt tiền
Với Bộ Luật Hình sự 2015, từ ngày 1-7, 7 tội bãi bỏ hình phạt tử hình gồm: Hiếp dâm người dưới 16 tuổi; cướp tài sản; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; đầu hàng địch; chống mệnh lệnh; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia và tàng trữ trái phép chất ma túy.
Bên cạnh đó, sẽ có 10 tội thay hình phạt tù bằng hình phạt tiền. Cụ thể: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; làm nhục người khác; xâm phạm quyền bình đẳng giới; tổ chức tảo hôn; quảng cáo gian dối; lập quỹ trái phép; cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ; vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông. Tùy theo tội danh và tùy mức độ phạm tội, người vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ 2-3 năm.
Ngoài ra, sẽ có 34 tội danh mới, như: Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (điều 147); mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (điều 154); xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (điều 167); tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (điều 187); làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (điều 212); gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (điều 213); gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (điều 214); gian lận BHYT (điều 215); trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (điều 216); vi phạm quy định về cạnh tranh (điều 217); vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (điều 230); gây rối trật tự phiên tòa (điều 391)…
Nộp đơn khởi kiện bằng hình thức trực tuyến
Đây là nội dung lần đầu tiên được quy định tại Luật Tố tụng hành chính 2015. Theo đó, người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu có địa chỉ thư điện tử thì được ghi vào nội dung đơn khởi kiện.
Người khởi kiện có thể gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng phương thức gửi trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của tòa án (nếu có). Ngày khởi kiện được xác định là ngày gửi đơn. Sau khi nhận đơn trực tuyến, tòa án in ra bản giấy và ghi vào sổ nhận đơn, thông báo trên cổng thông tin điện tử của tòa án đồng thời trả lời cho người khởi kiện biết qua thư điện tử.
Pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự
Một số điểm mới trong quá trình tố tụng được quy định trong Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015, như: Bị can, bị cáo bao gồm cả pháp nhân. Bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu. Bị cáo được quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý, tranh luận tại phiên tòa.
Đối với thủ tục hỏi cung bị can, bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại cơ sở giam giữ hay tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hay của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng…
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau: Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp: Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc; ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc theo yêu cầu công việc của người sử dụng lao động; trên đường đi làm hoặc đi về trong quãng đường và thời gian hợp lý; suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn lao động thuộc một trong các trường hợp trên.
Đồng thời, theo luật này thì hằng tháng, người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng tiền vào quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp. Mức đóng tối đa bằng 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động.
Bình luận (0)