Cầm cự qua ngày
Trong 18 thuyền viên có 9 người ở trên tàu Hoa Sen và 9 người trên tàu Sea Eagle. Hai con tàu này bị mắc kẹt ở Trung Quốc, không duy trì bất kỳ hoạt động nào từ tháng 8-2011 đến nay. Hiện Công ty Vinashinlines còn 6 tàu neo tại các vùng biển Trung Quốc và 2 tàu đang chở hàng tại Ấn Độ cũng đang trong tình trạng tương tự.
Bà Chu Thị Kiên, người nhà của thuyền viên Chu Trọng Cường, cho biết gia đình đã 3 lần kêu cứu đến Công ty Vinashinlines nhưng chưa được giúp đỡ. Mẹ của anh Cường bị bệnh tim, vừa phải phẫu thuật ở Bệnh viện Bạch Mai. “Gia đình 9 người ở trong căn nhà 30 m2, mọi chi tiêu đều trông chờ vào Cường. Hai năm qua con của Cường cũng chưa thấy mặt bố”- bà Kiên giãi bày.
Chị Phan Thị Bích, người nhà của thủy thủ Phan Văn Thuật (SN 1988), tâm sự: “Sáng nay em trai tôi có gọi điện về cho biết các thủy thủ đang rất hoang mang vì điện, nước trên tàu đã bị cắt, tàu bị trôi rất nguy hiểm. Đặc biệt, thẻ visa và các giấy tờ nhân thân đã bị phía Trung Quốc giữ nên không thể đi đâu được. Các thuyền viên xin được về nước nhưng phía công ty không đồng ý”.
Cha của thuyền viên Lê Thanh Hải (ở Thanh Hóa) kể: “Con tôi đã ở Trung Quốc quá thời điểm kết thúc hợp đồng với công ty hơn 1 năm. Cháu gọi điện về kêu thiếu ăn, 6-7 tháng nay không có lương. Chừng nào công ty mới bán được con tàu để con tôi về nước đây!”. Anh Nguyễn Văn Vượng, anh trai của thuyền viên Nguyễn Văn Tân, cũng cho hay theo hợp đồng thì công ty trả từ 8-10 triệu đồng/tháng nhưng giờ thì một xu cũng không có. Vợ và con 2 tuổi của anh Tân phải nương tựa vào bố mẹ già cũng đang rất khó khăn.
Bán tàu mới được về
Người nhà của các thuyền viên rất bức xúc vì công ty hứa đầu tháng 7-2013 sẽ sang Trung Quốc giải quyết vụ việc nhưng đến nay chưa thực hiện. Nhiều người nhà của các thuyền viên cho biết họ phải vay tiền để con em họ làm thuyền viên, nay chủ nợ đang hối thúc mà tiền lương của thuyền viên chẳng có.
Tại cuộc đối thoại với người nhà của thuyền viên vào sáng 17-7, ông Nguyễn Văn Thoa, Giám đốc Trung tâm Thuyền viên của Công ty Vinashinlines, năn nỉ: “Hiện chúng tôi cũng biết hoàn cảnh khó khăn của các gia đình nhưng công ty không có tiền để trả cho thuyền viên. Nếu muốn thuyền viên về nước ngay thì phải đợi Chính phủ hỗ trợ”. Trước sức ép đòi phải có cam kết về lộ trình đưa các thuyền viên về nước, ông Thoa nói nước đôi: “Tổng giám đốc cũng đã hết sức cố gắng xin Chính phủ bán lỗ tàu cũng phải bán để trả lương cho thuyền viên trước, còn các khoản khác thì trả sau. Khi nào bán được tàu thì mới có tiền đưa anh em về”.
Người về cũng chưa được giải quyết Cũng trong buổi gặp gỡ này, anh Bùi Văn Hiếu (SN 1986, ngụ huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) cũng có mặt để đòi tiền lương mà công ty còn nợ anh đã hơn 1 năm. Anh Hiếu làm thuyền viên của tàu New Horizon (ở Afghanistan) được 13 tháng thì về nước. Theo anh Hiếu, bốn người (1 thuyền trưởng, 1 máy trưởng và 2 thuyền viên) đã phải làm đơn rất nhiều lần mới được duyệt để về nước sớm. Hiện công ty vẫn còn nợ anh 12 tháng lương, chưa biết đến khi nào mới trả tiếp. |
Bình luận (0)