Vụ Phó Giám đốc Eximbank TP HCM Lê Nguyễn Hưng rút ruột tài khoản 301 tỉ đồng của khách hàng Chu Thị Bình, bỏ trốn ra nước ngoài gây xôn xao dư luận.
Theo luật sư thì có rất nhiều tình huống xảy ra trong vụ việc này
Về vấn đề này, ThS-LS Huỳnh Công Thư (Đoàn Luật sư tỉnh Long An) gửi đến Báo Người Lao Động phân tích 3 tình huống gay cấn có thể xảy ra như sau:
Thứ nhất: Ngân hàng không phải bồi thường, ông Hưng chịu trách nhiệm bồi thường do hợp đồng ủy quyền hợp pháp.
Trước hết, về mặt pháp lý, nhiều luật sư và chuyên gia pháp luật căn cứ vào hợp đồng gửi tiền giữa Eximbank TP HCM và bà Chu Thị Bình là quan hệ dân sự hợp pháp, được pháp luật qui định và bảo vệ. Vì thế, khi ông Hưng (là người của ngân hàng) rút ra chiếm đoạt nên ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng căn cứ vào trách nhiệm của pháp nhân đã được BLDS 2015 qui định.
Tuy nhiên, để xem xét một cách toàn diện, theo tôi, cần phải xét quan hệ ủy quyền giữa bà Chu Thị Bình - người gửi tiền và ông Hưng - người vừa là người của ngân hàng lại vừa là người nhận ủy quyền hợp pháp của bà Bình để thay mặt bà nhận và tất toán số tiền trên.
Vấn đề cần mổ xẻ là hợp đồng ủy quyền này có hợp pháp hay không? Ông Hưng là người của ngân hàng lại là người nhận ủy quyền có được pháp luật thừa nhận hay không?
Xét pháp luật không có quy định nào cấm nhân viên ngân hàng được đại diện cho khách hàng trong việc nhận và tất toán tài khoản tại ngân hàng mà mình làm việc.
Hơn nữa, trong sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng trong việc huy động vốn nên các ngân hàng có thể khuyến khích nhân viên của họ phục vụ khách hàng bằng tất cả các nghiệp vụ có thể. Như vậy, hoàn toàn có thể suy đoán là Ngân hàng Eximbank không cấm nhân viên của mình nhận đại diện cho khách hàng trong trường hợp này.
Tóm lại là hợp đồng ủy quyền giữa bà Bình và ông Hưng là có hiệu lực kéo theo việc Eximbank TP HCM chi trả tiền cho ông Hưng nhân danh và thay mặt bà Bình nhận là hợp pháp. Bà Bình là người kinh doanh, không hạn chế năng lực hành vi dân sự nên bà Bình biết hậu quả của việc ủy quyền.
Do vậy, Eximbank TP HCM không phải chịu trách nhiệm về việc mất số tiền 245 tỉ đồng của bà Bình. Bà Bình có quyền tìm ông Hưng để yêu cầu trả lại cho bà số tiền nêu trên do hậu quả phát sinh từ hợp đồng ủy quyền.
Tình huống 2: Ngân hàng không phải bồi thường mà ông Hưng phải bồi thường do hành vi lừa đảo.
Bà Bình cho rằng bà bị ông Hưng yêu cầu ký các chữ ký khống, không có chữ viết trên đó và ông Hưng đã điền nội dung ủy quyền vào để rút tiền.
Nếu sự thật như bà Bình trình bày thì ông Hưng đã có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bà Bình và thực tế đã chiếm đoạt. Ông Hưng chính là thủ phạm chiếm đoạt tài sản của bà Bình thì bà Bình là bị hại, bà phải làm đơn tố cáo lên cơ quan điều tra để được giải quyết.
Lúc này, ngân hàng chỉ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan chứ không phải là bên có nghĩa vụ hoàn trả. Thực tế là bà Bình đã từ chối khởi kiện ngân hàng mà yêu cầu Cơ quan Điều tra Bộ Công an khởi tố và truy nã ông Hưng.
Tình huống 3: Ngân hàng phải có nghĩa vụ trả tiền cho bà Bình do cam kết trả có hiệu lực pháp luật.
Theo diễn biến vụ việc, sau khi số tiền trên bị mất, giữa bà Bình và ngân hàng đã đạt được cam kết là ngân hàng sẽ chi trả số tiền này cho bà Bình. Tuy nhiên, sau đó ngân hàng này lại vi phạm cam kết trả và yêu cầu bà Bình kiện ra Tòa án và thực hiện mọi phán quyết của tòa án để báo cáo cổ đông.
Như vậy, bà Bình hoàn toàn có quyền khởi kiện ngân hàng để buộc ngân hàng này phải trả cho bà khoản tiền bị ông Hưng chiếm đoạt. Việc yêu cầu này không phải căn cứ vào qui định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của pháp nhân do hành vi trái pháp luật của người của pháp nhân gây ra như nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý phân tích, mà chính là cam kết trả thay cho ông Hưng, cam kết này có giá trị và ngân hàng phải thực hiện theo nguyên tắc tự do cam kết thỏa thuận và thiện chí trung thực quy định tại điều 3 Bộ Luật Dân sự 2015.
Ngân hàng không chịu trả và yêu cầu bà Bình khởi kiện ra tòa là ngân hàng đã vi phạm chính cam kết do mình đưa ra và theo qui định của pháp luật, ngân hàng phải chịu trách nhiệm thanh toán cho bà Bình. Sau khi thanh toán cho bà Bình, ngân hàng có quyền kiện đòi ông Hưng phải trả lại cho ngân hàng bằng một vụ kiện khác.
Tóm lại, xét về mặt pháp lý, ngân hàng không có nghĩa vụ bồi thường cho bà Bình mà chính ông Hưng phải có trách nhiệm đó theo quan hệ ủy quyền giữa hai bên. Về thực tế, do diễn biến hòa giải thương lượng, ngân hàng đã tự gánh vác nghĩa vụ của mình trả thay cho ông Hưng thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm và bà Bình có quyền kiện ngân hàng yêu cầu thực hiện cam kết trả tiền đã mất cho bà Bình.
Bình luận (0)