Sáng 24-4, "ATM gạo" đặt tại trụ sở UBND Phường Bình Trưng Đông chính thức đi vào hoạt động. "ATM gạo" do Công ty Việt Hương tài trợ chính và giao cho UBND Phường Bình Trưng Đông vận hành với mong muốn tiếp sức cho bà con có hoàn cảnh khó khăn vượt qua dịch Covid-19.
Người dân háo hức nhận gạo
Ông Phạm Văn Lành, Chủ tịch UBND Phường Bình Trưng Đông, chia sẻ: "Phường Bình Trưng Đông là một trong những địa bàn có nhiều hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn nhất trên địa bàn quận 2. Chính vì vậy mà cây "ATM gạo" này hết sức cần thiết với phường. Điều này hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong công tác chăm lo cho đời sống của người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19".
Người dân giữ khoảng cách an toàn khi đến nhận gạo
"ATM gạo" phục vụ cho bà con tất cả các ngày trong tuần, buổi sáng bắt đầu từ 8h30 đến 9h30 và buổi chiều từ 15h đến 16h. Dự kiến mỗi ngày sẽ phát khoảng 1 tấn gạo. Mỗi lần người dân sẽ được nhận 2kg gạo, ngoài ra còn có thêm thực phẩm như mì gói, nước tương, đường.
Người dân đến nhận gạo tại "ATM gạo" đặt tại trụ sở UBND phường Bình Trưng Đông
"Với diện tích sân rộng rãi nên thuận lợi cho người dân đứng xếp hàng, có chỗ cho người dân gửi xe giúp đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Địa điểm này cũng gần với trụ sở của các lực lượng như công an, bảo vệ dân phố, quân sự… nên công tác bảo đảm an ninh trật tự khi cấp phát gạo cũng được đảm bảo" - ông Phạm Văn Lành cho biết lí do chọn khuôn viên UBND Phường Bình Trưng Đông làm nơi đặt "ATM gạo".
Ưu tiên phát gạo và thực phẩm cho trẻ em
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ sáng sớm đã có rất đông người dân đến đây xếp hàng đợi tới lượt nhận gạo. Người dân được hướng dẫn xếp hàng đúng vị trí để giữ khoảng cách an toàn, rửa tay bằng nước sát khuẩn và đeo khẩu trang trong suốt quá trình nhận gạo.
Ngoài 2kg gạo thì người dân còn nhận được thực phẩm như mì gói, nước tương, đường.Ảnh: TẤN THẠNH
Cầm trên tay 2kg gạo và mì gói, bà Mai Thị Hồng Nga không khỏi xúc động: "Trời ơi, rất là mừng, cho gạo vậy là cô mừng dữ lắm. Đỡ lắm, nhiêu đây là được một ngày ăn rồi. Ai khó hãy lập tức đến trụ sở đây nhé. Bà Nga cho biết mình làm nghề rửa chén cho quán ăn, từ khi dịch bệnh xảy ra, quán đóng cửa nên bà mất việc. Chính vì vậy mà với mỗi phần quà trong thời điểm này rất quý đối cuộc sống của gia đình bà.
Theo ông Phạm Văn Lành, trước khi "ATM gạo" nơi đây vận hành thì Báo Người Lao Động cũng như nhiều đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp khác đã gửi gạo và thực phẩm đến "tiếp sức". Ông Lành bày tỏ lòng biết ơn và cũng mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp trong thời gian tới để địa phương duy trì hoạt động "ATM gạo", giúp đỡ thêm nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.
Bình luận (0)