Đó là chị là Nguyễn Thị Thu Hương, người "ăn cơm nhà vác tù và" gần 15 năm nay. Với chị, từ thiện không cần to tát, chỉ cần giúp được anh thợ hồ có khoản tiền mua chiếc xe máy đi làm; chị hàng xóm có chút vốn mở tiệm tạp hóa con con hay giúp mảnh đời lưu lạc có chứng minh nhân dân, hộ khẩu như ước nguyện...
Rộn rã trong mùa dịch
Liên tục 4 tháng nay, căn nhà nhỏ nằm trên đường Huỳnh Thị Na (ấp 2, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP HCM) của mẹ con chị Hương là địa chỉ mà những người khó khăn thường xuyên lui tới và được chị Hương trao tận tay những món quà thiết thực như gạo, tiền, nước rửa tay, xà bông...
Chúng tôi ghé nhà chị Hương vào một trưa nắng giữa tháng 4, khi cả nước đang thực hiện lệnh cách ly xã hội. Căn nhà cấp 4 mở toang cửa, giữa sân là chiếc ghế gỗ đặt sẵn một phần gạo 10 kg và một bao thư 200.000 đồng. Chiếc ghế gỗ là "khoảng cách an toàn" để cách ly xã hội đúng quy định mà mẹ con chị tự nghĩ ra.
Nhận phần quà, chị Nguyễn Thị Lan (hàng xóm chị Hương) rơm rớm nước mắt: "Nhà tôi có 3 đứa nhỏ đang tuổi ăn học, chồng làm hồ, tôi làm công nhân may. Cả tháng nay, chồng thất nghiệp, tôi nghỉ việc luân phiên nên tiền lương chỉ còn phân nửa. Chi phí nhà trọ, điện nước phải nợ 1 tháng rồi. May mà chị Hương kêu ra nhận quà, chiều nay, tôi đãi tụi nhỏ bữa cơm với thịt và trứng cho ngon miệng".
Hơn 100 người có hoàn cảnh khó khăn như chị Lan lần lượt đến nhận quà trong trật tự. Nắng và nóng đến rát người nhưng người nhận và người trao đều cười hoan hỉ. Cuốn sổ ghi chép vội trong nhật ký hỗ trợ mùa dịch được chị Hương lưu lại thật ấn tượng. Ngày 17-4, hơn 100 phần quà. Liên tục một tuần trước đó đã có 3.500 kg gạo chia đều cho 350 hộ khó khăn tại các huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Gò Vấp. Nhật ký cũng lưu lại những ngày đầu cách ly, đã có 45 suất (mỗi suất 1 triệu đồng) cho giáo viên thất nghiệp; 60 suất (mỗi suất 500.000 đồng) cho người bán vé số, công nhân vệ sinh, bảo vệ...
Chị Nguyễn Thị Thu Hương trao quà cho người khó khăn trong mùa dịch
Một cánh tay chìa ra...
Những ngày cách ly, ai cũng chọn ở nhà còn mẹ con chị Hương lại mở toang cửa chỉ để trao kịp những phần quà cho ai cần. Không chỉ trao quà tại nhà, chị còn đến thăm 2 mái ấm dành cho bệnh nhân HIV/AIDS để gửi số tiền 5 triệu đồng/mái ấm mà bạn bè nhờ kết nối. Hàng ngàn khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn cũng được chị trực tiếp chở đến một số trạm y tế của huyện Hóc Môn...
Với chị, mọi sự giúp đỡ phải xuất phát từ trái tim bởi chỉ có yêu thương mới giúp con người vượt qua gian khổ nhẹ nhàng. Triết lý từ thiện này cũng là thông điệp trong cuốn sách "Hành trình xương thủy tinh" mà chị là tác giả. Sách xuất bản năm 2008 và được tái bản nhiều lần, kể về hành trình gian khó nhưng không bỏ cuộc của người mẹ trẻ với đứa con mang căn bệnh quái ác.
Những gian khổ, khó khăn trong hành trình gần 30 năm chị cùng con trải qua giúp chị thấu cảm với những phận đời nghèo khó. "Lúc người ta bế tắc, nếu có một cánh tay chìa ra và kịp nắm, mọi thứ có thể thay đổi. Đi qua những khó khăn cùng cực nhất của cuộc đời, tôi muốn đồng hành với những người khó khăn. 15 năm giúp đỡ hàng chục phận đời, có những người đã mất, có những người còn gian khó nhưng rất nhiều cuộc đời đã tươi sáng hơn" - chị Hương tâm sự.
Những ngày đầu làm việc thiện, chị lấy tiền túi. Nhận 1 triệu đồng từ nhuận bút viết báo, chị trích 300.000 đồng cho anh hàng xóm mua sữa cho con. Đổi nhà dư ra chút tiền, chị trích một khoản tặng học bổng cho trẻ nghèo, trợ vốn cho chị đồng hương mở tiệm tạp hóa, tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em quanh bãi rác Đông Thạnh... Nhiều năm trước, chị làm chứng minh nhân dân và nhập hộ khẩu cho một ông cụ tha hương vào nhà mình, như ước nguyện cuối đời của ông.
15 năm qua, mỗi phận đời, mỗi câu chuyện được chị Nguyễn Thị Thu Hương gửi gắm trên trang cá nhân, ban đầu là blog rồi đến Facebook. Từ đó những câu chuyện tử tế nối tiếp nhau, những cánh tay nối dài hơn, những tấm lòng thơm thảo lan tỏa. Bạn bè, người thân, những người lần đầu kết bạn qua Facebook hoặc âm thầm theo dõi bước chân của chị, thấy việc thiết thực, họ điện thoại xin được đồng hành. Rồi trang web maiamgiuadoi.com được hình thành, nhờ vậy nhiều phận nghèo thường xuyên được tiếp sức.
Tặng học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học
"Với tôi, tâm đắc nhất vẫn là tặng học bổng cho trẻ em nghèo học giỏi bởi đầu tư cho con người là đầu tư thiết thực, nhân văn nhất" - chị Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ.
Quỹ học bổng "Chương trình hành động vì đồng bào tôi" được chị và các bạn đồng hành duy trì đều đặn 2 năm nay. Với khoảng 15-20 suất/năm (5 triệu đồng/suất), hàng chục con em người nhập cư có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi đã được giúp đỡ.
Bình luận (0)