Vào khoảng 14 giờ mỗi ngày, nhiều xe rác đầy vun đậu trước cổng Trường Mầm non 12 (đường Trường Sa, phường 12, quận 3, TP HCM) chờ xe ép rác đến lấy, nước rỉ chảy dài, mùi hôi bốc lên nồng nặc.
Hôi hám, bầy hầy
Tương tự, mỗi chiều giờ tan tầm, điểm tập kết rác trên đường Hoàng Sa (bên hông Xí nghiệp Ðầu máy Sài Gòn, phường 11, quận 3) có hàng chục xe thùng được xếp dọc tường rào của Xí nghiệp Ðầu máy Sài Gòn chờ xe ép rác. Thấy chúng tôi chụp hình, ông Hùng, người dân sống gần đó, than phiền lúc trước điểm tập kết nằm gần Rạch Bùng Binh, nay trạm đóng cửa, bô rác dời hẳn ra đường gây mất mỹ quan, cản trở giao thông và ô nhiễm cả khu vực.
Một điểm tập kết rác đáng kể nữa là đường Bình Long (quận Tân Phú, sát nghĩa trang Bình Hưng Hòa). Từ sáng sớm đã có hàng chục xe chở rác tập kết. Do tận dụng khu đất trống bên vệ đường nên ở đây không chỉ là điểm hẹn của các xe rác mà nhiều thứ bỏ đi như nệm, bàn ghế, xà bần… cũng được người dân bỏ lại, trông rất nhếch nhác.
Đáng nói là, bô rác gây ô nhiễm còn có nguyên nhân từ việc người thu gom rác tập trung rác đến điểm hẹn sớm hơn giờ quy định. Cụ thể, ngày 8-10, theo ghi nhận dọc đường Trần Hưng Đạo (quận 1), từ ngã tư Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo đến ngã tư Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo, cứ cách 500 m có 2 xe đẩy rác tập kết nhưng chưa có xe ép rác đến lấy, gây mùi hôi rất khó chịu. Chưa kể, người đi đường hoặc nhà người dân gần đó mang rác bỏ xung quanh các xe rác trông rất bầy hầy.
Mới 14 giờ, xe ép rác đã đến lấy rác ở điểm tập kết đường Trường Sa Ảnh: THU HỒNG
Khó thu gom rác vào ban đêm
Thống kê sơ bộ cho thấy toàn TP có khoảng gần 1.000 điểm tập kết rác nằm rải rác khắp 24 quận, huyện; hầu hết bố trí dọc đường, khu dân cư, công viên… Việc thu gom rác được UBND TP giao cho các địa phương chủ động sắp xếp, đặc biệt khuyến khích thu gom buổi tối để hạn chế ảnh hưởng giao thông và sinh hoạt của người dân. Thế nhưng, không phải địa phương nào cũng tổ chức thu gom rác đêm vì nhiều lý do.
Ví dụ, quận 3 có 93 điểm hẹn lấy rác dọc 52 tuyến đường, trong đó nhiều phường chưa thể tổ chức lấy rác ban đêm. Lý giải nguyên nhân xe ép phải lấy rác từ 14 giờ trên đường Trường Sa, ông Trần Anh Túc, Chủ tịch UBND phường 12, cho rằng với lượng rác lớn, xe ép không quay đầu kịp, phải lấy 3 chuyến/ngày mới bảo đảm lấy hết lượng rác trong ngày. Ngoài ra, thùng lấy rác có dung tích vừa phải, công nhân vệ sinh phải đi 2-3 chuyến mới gom hết đường rác khu vực mình đảm trách.
Còn theo bà Võ Thị Kim Hiền, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Tân, trên địa bàn quận có 9 điểm hẹn lấy rác. Một số điểm hẹn hoạt động dưới lòng đường, trong khu dân cư có mật độ giao thông cao, không bảo đảm an toàn giao thông, gây mất mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường. Trong quá trình giao nhận rác, các phương tiện cơ giới của đơn vị thu gom phải đổ xuống nền trước khi rác được công nhân vệ sinh thực hiện thao tác đưa lên xe ép, trong khi tại điểm hẹn không có hệ thống thu gom và xử lý nước rửa nền dẫn đến phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng khu vực xung quanh. Ngoài ra, thời gian hoạt động điểm hẹn ngắn (từ 2-3 giờ cho một quy trình), thời gian xe ra vào các điểm hẹn còn chưa chính xác giữa xe thu gom rác và xe thu gom vận chuyển của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.
Theo nội dung định hướng quy hoạch vị trí trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND TP HCM chấp thuận, TP sẽ giảm dần các trạm trung chuyển trong khu vực nội đô, tăng vị trí trạm trung chuyển trên các tuyến vành đai của TP. Thế nhưng đến nay trạm vành đai chưa có, trạm nội thành lại dần đóng cửa đã làm phát sinh hàng loạt điểm hẹn tập kết rác trong khu vực nội đô gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường.
Vừa làm vừa lo
Một trong những điểm tập kết rác liên tục có đơn khiếu nại chính là điểm tập kết rác vừa di dời từ đường Trịnh Hoài Ðức qua trước Trường Tiểu học Nguyễn Ðình Chiểu (đường Lê Quang Ðịnh, quận Bình Thạnh).
Chị Th., một công nhân vệ sinh của HTX Vệ sinh môi trường Thống Nhất (quận Bình Thạnh), cho biết: "Do địa phương không bố trí bô rác nữa nên phải chấp nhận tập kết tại các điểm hẹn dọc đường. Chúng tôi vừa làm vừa lo, đi đến đâu cũng bị người dân yêu cầu dời đi chỗ khác. Không chỉ vậy, do xe ép rác phải lấy rác ở nhiều điểm hẹn nên đêm nào, công nhân cũng phải chờ đến 2-3 giờ sáng mới được đổ rác lên xe. Nếu có bô rác đàng hoàng, chúng tôi không phải khổ sở như vậy".
Điểm hẹn lấy rác trên đường Hoàng Hoa Thám (ngã tư Cây Quéo, quận Bình Thạnh) cũng là điểm nóng bị khiếu nại nhiều lần. Anh Thanh, một công nhân vệ sinh tại điểm hẹn này, cho biết mỗi lần bị người dân khiếu nại thì phải nhích lên một đoạn, né xa một chút. Cứ di động và hoạt động cầm chừng vì không có bô rác tập trung.
Theo ông Lê Dư Hoàng, Chủ nhiệm HTX Vệ sinh môi trường Thống Nhất, trước đây khi có bô rác trung chuyển của Công ty Môi trường đô thị, công nhân vệ sinh không phải đến các điểm hẹn trên đường để lấy rác. Tuy nhiên, hơn 2 năm nay, khi bô rác đóng cửa, phát sinh hàng chục điểm hẹn để xe ép đến lấy mang thẳng ra bãi rác Ða Phước. Lập các điểm hẹn trên đường là điều bất tiện, vừa mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường lại mất an toàn giao thông. "Do đó, HTX đã kiến nghị UBND quận xem xét bố trí trạm trung chuyển để hạn chế các điểm hẹn trên đường" - ông Hoàng nói.
Bình luận (0)