Công ty TNHH Vận tải TP HCM (viết tắt là Công ty Vận tải) vừa có báo cáo gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP và Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng TP (gọi tắt là trung tâm) về tình hình quản lý tuyến Công viên 23-9 - Nguyễn Văn Linh - Bến xe Miền Tây (MST 102), trong đó có vấn đề liên quan tiền trợ giá xe buýt.
Trước đó, một số thành viên liên kết tuyến xe buýt số 102 đã có đơn gửi Báo Người Lao Động tố cáo Công ty Vận tải ăn chặn tiền trợ giá xe buýt trong các năm 2014, 2015 và 5 tháng đầu năm 2016.
Tăng phí quản lý, trả thiếu tiền trợ giá
Tuyến xe buýt số 102 hiện có 23 xe hoạt động, được hưởng tiền trợ giá hằng tháng nhằm hỗ trợ các chủ xe trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng. Đầu năm 2013, Công ty Vận tải thu phí quản lý 4%. Đến tháng 6-2013, công ty chuyển sang thu cố định 29.000 đồng/chuyến, tháng 10-2014 tăng lên 33.000 đồng/chuyến, tháng 6-2015 tăng lên 39.000 đồng/chuyến. Ngày 10-6-2016, Công ty Vận tải mời các thành viên liên kết lên trụ sở bàn về vấn đề tăng phí quản lý lên 55.000 đồng nhưng các thành viên không đồng ý. Tuy nhiên, đến tháng 7-2016, công ty vẫn tính phí quản lý 45.000 đồng/chuyến và truy thu ngược 6 tháng đầu năm.
Nghiêm trọng hơn, các thành viên liên kết cho rằng trong các năm 2014, 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, Công ty Vận tải không thanh toán đầy đủ tiền trợ giá mà trung tâm quyết toán cho công ty để trả cho các chủ xe. “Hằng tháng, công ty không thông báo số tiền trợ giá cho tuyến 102, chúng tôi chỉ nhận tạm ứng mà không biết được cụ thể tiền trợ giá là bao nhiêu?” - ông T.M.T, chủ xe 53N-6xxx, bức xúc. Cũng theo ông T., năm 2014, ông nhận được trợ giá trung bình 370.929 đồng/chuyến, năm 2015 là 257.794 đồng/chuyến và 6 tháng đầu năm 2016 chỉ tạm ứng 186.652 đồng/chuyến.
Bên cạnh đó, từ tháng 1 đến tháng 4-2015, Công ty Vận tải thu tiền BHXH của tài xế và tiếp viên nhưng sau đó thì ngưng. “Tổng số tiền hơn 8 triệu đồng đóng BHXH cho nhân viên nhưng chỉ nhận được 1 thẻ BHYT thời hạn 6 tháng, sổ BHXH không thấy trả lại” - bà L.T.K, thành viên liên kết tuyến 102, nói. Ngoài ra, các thành viên liên kết còn cho rằng công ty lập biên bản và trừ tiền nhiều lỗi không đúng, ví dụ thiết bị giám sát hành trình bị chuột cắn đứt dây, đường kẹt xe nên xe buýt về bến trễ…
Đỉnh điểm, trong bối cảnh lượng khách giảm kéo theo doanh thu của các thành viên giảm, tháng 3-2016, Công ty Vận tải bất ngờ đề nghị trung tâm tăng thêm 2 xe để tăng lên 154 chuyến/ngày. Cho rằng sản lượng đã giảm còn tăng thêm đầu xe nên các thành viên liên kết phản đối.
Không có chuyện “ăn chặn”?
Lý giải về phí quản lý liên tục tăng, ông Nguyễn Văn Lèo, Tổng Giám đốc Công ty Vận tải, cho biết từ năm 2014, phải tăng thêm nhân sự cho các bộ phận kế hoạch, điều hành, theo dõi và vận hành hệ thống giám sát hành trình, hệ thống camera nên chi phí lương cho bộ phận văn phòng tăng cao so với các năm trước. Bên cạnh đó, chi phí bến bãi, thuê văn phòng, mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động không ngừng tăng qua các năm.
“Tuyến 102 do công ty quản lý, quyết định tăng phí quản lý là quyền của hội đồng thành viên. Nếu các thành viên liên kết không thích liên kết với công ty nữa thì nghỉ, công ty sẽ làm thủ tục sang tên phương tiện. Nếu muốn chuyển qua đơn vị khác quản lý thì công ty không quyết định được mà thẩm quyền thuộc Sở GTVT” - ông Lèo nói.
Về phản ánh phạt tài xế, tiếp viên, ông Lèo cho rằng do trung tâm chứ công ty không có quyền phạt các chủ xe. Còn về tiền BHXH, do các thành viên liên kết không đóng nên công ty không thu nữa và đã trả lại sổ BHXH cho các tài xế, tiếp viên.
Đối với tiền trợ giá năm 2014, ông Lèo cho rằng công ty còn trả cao hơn tiền mà trung tâm quyết toán nhưng không thu lại. Trả lời câu hỏi năm 2015, trung tâm trợ giá bình quân cho tuyến 102 là 271.419 đồng/chuyến, vì sao công ty lấy mức giá tháng 10-2015 là 257.794 đồng/chuyến làm căn cứ trả cho thành viên liên kết, ông Lèo cho biết: “Trong năm 2015, giá nhiên liệu thay đổi liên tục nên công ty lấy mức giá tháng 10-2015 trung tâm chuyển cho công ty (257.794 đồng/chuyến) làm căn cứ trả cho thành viên liên kết tuyến 102”.
Đối với tiền trợ giá 5 tháng đầu năm 2016 là 186.652 đồng/chuyến, khi làm quyết toán lại quý I/2016, trung tâm cấp theo đơn giá đã trừ chênh lệch nhiên liệu là 296.099 đồng/chuyến nên đến nay công ty đã trả đủ cho các thành viên liên kết.
Trong khi đó, các chủ xe khẳng định với phóng viên, đến nay vẫn chưa nhận được sổ BHXH. Ngoài ra, cuối năm 2014, công ty đã truy thu tiền trợ giá do giá nhiên liệu giảm chứ không có chuyện công ty trả cao hơn tiền mà trung tâm quyết toán.
Đề nghị công khai tiền trợ giá
Tháng 6-2016, các thành viên liên kết tuyến 102 gửi đơn tố cáo lên Sở GTVT TP và trung tâm. Ngày 11-7, trung tâm đã làm việc với công ty về vấn đề này. Theo trung tâm, từ ngày 1 đến ngày 5 hằng tháng, trung tâm tạm ứng 50% tiền trợ giá cho công ty nhưng công ty không tạm ứng lại cho thành viên vì để chi trả tiền nhiên liệu, bến bãi, cầu đường… Sau khi quyết toán với trung tâm, công ty mới thanh toán tiền trợ giá cho thành viên sau khi trừ các khoản chi phí và thu phí quản lý. Bên cạnh đó, công ty không thể hiện rõ trợ giá/chuyến từng thời điểm của hợp đồng đặt hàng mà chỉ thể hiện tiền trợ giá bổ sung và chưa thanh toán tiền trợ giá kịp thời cho các thành viên. Trung tâm đề nghị công ty công khai số tiền trợ giá/chuyến, thanh toán đúng với hợp đồng và kịp thời cho các thành viên.
Bình luận (0)