Gặp chúng tôi tại Khoa Nội tiêu hóa của Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (quận 10, TP HCM), chị L.T.H.L (27 tuổi, chuyên viên ngân hàng) không giấu nổi sự lo lắng khi mắc phải một chứng bệnh khó lường.
Thói quen nhỏ, hậu quả lớn
Cách đây khoảng 2 tuần, chị L. thường xuyên gặp phải các triệu chứng lạ nơi dạ dày. Ngày 30-9, chị phải nhờ đồng nghiệp đưa đi cấp cứu vì cơn đau nghiêm trọng hơn. Nội soi nhanh vùng bụng, bác sĩ phát hiện triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng đi kèm với chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Theo các bác sĩ tại Khoa Nội tiêu hóa, viêm loét dạ dày là căn bệnh thường gặp trong cộng đồng. Thông thường, người bệnh chỉ nhập viện khi bệnh đã bộc phát nặng. Nguyên nhân của bệnh là do chế độ sinh hoạt, ăn uống thiếu khoa học. Cụ thể, việc ưa thích sử dụng đồ ăn nhanh, thức ăn nấu sẵn, lạm dụng rượu bia, cuộc sống bận rộn khiến nhiều người cắt giảm thời gian ăn uống, không có thời gian nghỉ ngơi, áp lực công việc... chính là "con đường nhỏ" đưa đến… hậu quả lớn.
Một trường hợp khác, chị Đ.T.T.N (30 tuổi, ngụ quận 9), nạn nhân của một vụ ngộ độc thực phẩm (đang điều trị tại BV Thống Nhất, TP HCM) kể lại cảm giác kinh hoàng vừa nếm trải. Sau cuộc "chén chú chén anh" tại một quán ốc vỉa hè ở khu làng đại học (quận Thủ Đức), tối 3-10, chị N. đã phải nhập viện do vô tình ăn phải thực phẩm bị biến đổi chất, sinh ra vi khuẩn gây độc. Sau 2 giờ các bác sĩ rửa dạ dày, tẩy ruột, ngăn cản sự hấp thu chất độc, phá hủy độc tính, đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày, sức khỏe của chị N. tạm ổn. Tuy vậy, dạ dày xuất hiện nhiều tổn thương buộc phải tiếp tục ở lại BV để theo dõi.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp (nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM), vì tính chất bận rộn của công việc, nhiều người thường xuyên bỏ bữa, ăn uống không điều độ. Một bộ phận người trẻ làm công sở, văn phòng đang có xu hướng lựa chọn các loại thực phẩm nhiều đường, muối, chất béo; đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn lề đường… vì sự tiện lợi, hợp khẩu vị và giá cả phải chăng. Dù biết việc tiếp nạp lượng lớn thực phẩm này trong thời gian dài sẽ gây ra những hệ quả xấu nhưng họ vẫn có tâm lý phớt lờ; cứ ngon miệng còn độc hại thì… tính sau.
Cũng theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, thức ăn nhanh thường thiếu và mất cân đối về dinh dưỡng, đặc biệt còn sử dụng nhiều chất phụ gia. Do phải trải qua quá trình chế biến công nghiệp nên thường bị mất các thành phần vi chất, khoáng chất. Khi không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp… Chưa kể, một số thực phẩm còn được bày bán trong điều kiện thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một số người thích lựa chọn đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn lề đường… vì sự tiện lợi, hợp khẩu vị và giá cả phải chăng Ảnh: Hoàng Triều
Chết người vì những sai lầm ăn uống
Theo thống kê, hiện nay ở Việt Nam, trên 70% số ca tử vong từ bệnh tật là do các bệnh mạn tính không lây nhiễm. Đứng đầu các bệnh này phải kể đến bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, thừa cân - béo phì, rối loạn mỡ máu, gout... Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng lối sống hiện đại kèm theo chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng nhanh. Bên cạnh đó, những hiểu lầm về dinh dưỡng, yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát và điều trị bệnh, khiến chất lượng sống giảm nghiêm trọng. Đáng lo ngại là những thông tin sai lệch về dinh dưỡng: ăn tinh bột làm tăng cân; bỏ bữa để giảm cân; thay đổi chế độ ăn đột ngột… là những sai lầm phổ biến nhưng lại dễ dàng tìm kiếm trên mạng và nhiều người đã thực hiện theo.
Tại hội thảo vận động giảm tiêu thụ muối để phòng chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định ăn nhiều muối là nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỉ lệ mắc tăng huyết áp và tử vong do các bệnh tim mạch. Bộ Y tế cho biết theo khảo sát hiện nay, đa số người dân Việt Nam đang ăn thừa muối. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ tới 9,4 g muối trong 1 ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.
Ông Trần Quốc Bảo - Trưởng Phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết thông thường cảm giác ăn mặn có tính chất cảm tính, rất khó xác định. Vì vậy, mặc dù hầu hết người Việt ăn thừa muối nhưng chỉ số ít người thừa nhận. "Nhiều người lo ngại nếu ăn giảm muối thì cơ thể sẽ bị thiếu muối nhưng thực tế chỉ cần ăn các thức ăn bình thường, thực phẩm tự nhiên hằng ngày là cũng đã cung cấp đầy đủ lượng natri cho cơ thể mà không cần cho thêm muối/gia vị vào thức ăn. Mọi người cần hiểu rằng ăn thừa muối ở đây được hiểu là để chỉ tất cả các loại gia vị, thực phẩm chứa nhiều natri chứ không chỉ riêng với muối ăn, ví dụ như bột canh, bột ngọt, nước mắm, nước chấm, dưa, cà, thịt kho, thực phẩm đóng gói sẵn có nhiều muối…" - ông Trần Quốc Bảo giải thích thêm.
1/5 người trưởng thành bị tăng huyết áp
Thống kê cho thấy ở Việt Nam cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp, cứ trong 3 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp là do các bệnh tim mạch. Riêng trong năm 2016, ước tính toàn quốc có tới gần 82.000 trường hợp tử vong do tai biến mạch máu não và gần 68.000 trường hợp tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, chiếm tới 27% tổng số ca tử vong.
Bình luận (0)