Sau 5 ngày của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, cả nước có gần 100 người chết do tai nạn giao thông (TNGT), trong đó rất nhiều vụ liên quan đến việc sử dụng rượu bia.
Xử phạt quá nhẹ
Hiện nay, tình trạng tài xế sử dụng rượu bia tham gia giao thông khá phổ biến, thế nhưng trên thực tế cho thấy chưa có giải pháp để ngăn chặn hiệu quả. Việc đo nồng độ cồn và xử lý vi phạm của tài xế là không xuể; quy định pháp luật hiện hành xử phạt người sử dụng rượu bia, chất kích thích vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ còn quá nhẹ, do đó chưa có tác dụng ngăn ngừa, răn đe và thay đổi ý thức của tài xế. Điều 260 Bộ Luật Hình sự (BLHS) quy định việc điều khiển xe gây tai nạn làm chết nhiều người cao nhất cũng chỉ bị xử phạt trên dưới 10 năm tù, thực tế thụ án chưa đến 2/3 thời gian đã ra tù. Quy định dấu hiệu định tội trong cấu thành tội phạm cơ bản của điều 260 BLHS hiện hành là "đã bị xử phạt hành chính mà còn tiếp tục vi phạm nồng độ cồn", bên cạnh các dấu hiệu có sẵn như gây hậu quả chết người hay thương tật 61% trở lên... làm khó cơ quan chức năng trong đấu tranh xử lý loại tội phạm có hành vi cực kỳ nguy hiểm cho xã hội này.
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã hình sự hóa hành vi uống rượu bia lái xe mà không cần hậu quả. Điển hình tại Thái Lan, dù tài xế chưa gây ra tai nạn nhưng cảnh sát được chặn xe trong một số tình huống và yêu cầu tài xế mở cửa kính ôtô để đo nồng độ cồn, đi bộ để kiểm tra có thật sự tỉnh táo hay không. Trường hợp tài xế không tuân thủ hiệu lệnh sẽ bị xử phạt đến 20.000 baht (tương đương 600 USD), bị phạt 1 năm tù về tội say xỉn trong lúc lái xe. Nếu tài xế say rượu gây tai nạn chết người, sẽ bị buộc tội giết người, có thể đối mặt với mức án 15-20 năm tù hoặc chung thân, tử hình.
Còn tại Trung Quốc có quy định về tội lái xe dưới ảnh hưởng của rượu. Người vi phạm có thể bị phạt tù 3 năm và bị cấm lái xe từ 5 năm đến bị tước bằng lái vĩnh viễn.
Nhiều người mặc áo có gắn logo với thông điệp: “Đã uống rượu bia không lái xe” đến viếng nạn nhân tai nạn giao thông tại hầm Kim Liên (Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Cần sửa luật
Để đủ sức răn đe, phòng ngừa từ đầu, hạn chế tình trạng lái xe sau khi sử dụng rượu bia, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật. Cụ thể, sửa đổi theo hướng xử lý tài xế sử dụng rượu bia, ma túy gây tai nạn theo các tội danh tương ứng với hậu quả gây ra. Ví dụ, gây thương tích từ 11% trở lên thì xem xét ở tội danh "Cố ý gây thương tích", gây chết người thì xử theo tội danh "Giết người". Tài xế cần phải nhận thức khi đã sử dụng rượu bia, ma túy mà điều khiển phương tiện thì nguy cơ rất cao là gây hại cho sức khỏe, tính mạng người khác và việc nâng hình phạt tương ứng tội danh "Cố ý gây thương tích", "Giết người" sẽ khiến tài xế sợ mà tự điều chỉnh hành vi.
Về xử phạt hành chính, cần phải tước bằng lái nếu phát hiện tài xế sử dụng rượu bia, chất kích thích. Tùy thuộc vào nồng độ khác nhau, có chế tài tước bằng lái theo thời hạn khác nhau hoặc tước vĩnh viễn.
Các quán nhậu, quán bar mọc lên như nấm trong khi các đơn vị quản lý, thực thi pháp luật có nhiều nơi chưa thật sự nghiêm minh, vì vậy bên cạnh việc sửa đổi luật nhằm tăng chế tài xử lý hành chính và hình sự đối với các trường hợp vi phạm uống rượu bia khi lái xe thì cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật liên quan; tăng thuế đối với các mặt hàng rượu bia; giới hạn độ tuổi sử dụng rượu bia cũng như được vào quán nhậu, quán bar, vũ trường; in cảnh báo tác hại trong việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; tăng cường kiểm tra, xử lý nồng độ cồn với tài xế... Ngoài ra, cần có những quy định xử lý các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực thi pháp luật có dấu hiệu nể nang, bao che cho các đối tượng vi phạm pháp luật.
Đối với trường hợp tái phạm trong sử dụng rượu bia hoặc sử dụng ma túy (hoặc các chất cấm khác) khi lái xe thì nên tước bằng lái vĩnh viễn mà không cần quan tâm đến mức độ và hành vi vi phạm.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-5
Bình luận (0)