xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ẩn họa từ nhậu say tự lái xe:Tăng thuế, xử mức án nghiêm

Chuyên đề "Ẩn họa từ nhậu say tự lái xe" đăng trên Báo Người Lao Động đã nhận được nhiều ý kiến nêu giải pháp của các chuyên gia kinh tế, pháp luật

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền:

"Đánh" vào kinh tế

Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng rượu, bia ở mức độ cao so với nhiều nước trên thế giới và có xu hướng ngày càng tăng. Đi kèm với đó là những hệ lụy về kinh tế, xã hội nói chung và với cá nhân, gia đình của người sử dụng rượu bia nói riêng, gây cản trở phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.

Rượu, bia đang là tác nhân gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như các căn bệnh cấp tính và mạn tính, rối loạn tâm thần và các rối loạn cơ thể khác đối với người uống, ảnh hưởng xấu đến người xung quanh cũng như cộng đồng xã hội. Tác hại dễ thấy nhất sau khi uống rượu, bia là gây tai nạn giao thông hoặc ngộ độc.... Các tác hại diễn ra từ từ và kéo dài như bệnh tật và xao nhãng công việc, năng suất lao động thấp, bạo lực gia đình và xung đột trong các mối quan hệ xã hội… Các khoản chi phí giải quyết các hậu quả liên quan sức khỏe là rất lớn.

Mặc dù tác hại của rượu bia rất lớn và khá rõ ràng nhưng việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia hiện nay chưa hướng đến giảm thiểu tác hại của chúng. Các đơn vị sản xuất kinh doanh rượu, bia liên tục phát triển quy mô và năng lực sản xuất; số lượng cấp phép sản xuất, phân phối rượu, bia ngày càng gia tăng. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia còn thấp, chưa đủ cao để hạn chế hành vi sử dụng.

Bên cạnh đó, rượu sản xuất thủ công chưa quản lý được về sản lượng, chất lượng và tiêu dùng vẫn còn phổ biến. Nhiều hộ gia đình sản xuất rượu không có đăng ký, cấp phép vẫn đưa ra bán trên thị trường. Nhiều cơ sở sản xuất rượu, bia quy mô nhỏ chưa thực hiện đầy đủ các quy định về chất lượng an toàn thực phẩm. Các loại rượu sản xuất không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc dẫn đến tác hại về sức khỏe và nhà nước không thu được thuế.

Chưa kể rượu, bia được bày bán phổ biến ở hầu hết các địa điểm từ các quán nhậu, siêu thị, tạp hóa, khách sạn, nhà hàng ăn uống, cửa hàng giải khát, quán nước vỉa hè…, thậm chí tại căng-tin, nhà ăn của các cơ quan, công sở, doanh nghiệp… cũng có bán rượu, bia. Không có bất cứ sự hạn chế nào về số lượng, độ tuổi và điều kiện bán rượu, bia cũng như những cảnh báo về tác hại của rượu, bia. Bất cứ ai, bất cứ nơi nào tại Việt Nam cũng có thể dễ dàng tiếp cận và uống rượu, bia.

Ngoài ra, lượng rượu ngoại nhập lậu trên thị trường vẫn còn phổ biến. Hoạt động quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia mặc dù đã có quy định cấm hoặc hạn chế nhưng vẫn còn các trường hợp vi phạm. Hoạt động tài trợ rượu, bia diễn ra ngày càng nhiều; hoạt động quảng cáo diễn ra thường xuyên, tần suất cao, quảng cáo nhiều trong các giờ vàng trên sóng truyền hình, nhất là các giải bóng đá lớn.

Để giảm tác hại của rượu, bia, trong đó có việc nhậu say tự lái xe rồi gây tai nạn, cần kiểm soát cả hai phía cung và cầu. Nguyên tắc xuyên suốt trong hạn chế hành vi sử dụng rượu, bia là "người sử dụng phải trả thêm tiền với mức cao tương đối so với thu nhập". Theo đó, cần gia tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với việc sản xuất rượu, bia để giá rượu, bia cao tương đối so với thu nhập của người uống, qua đó họ sẽ tự điều chỉnh hành vi, giảm sử dụng rượu, bia. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các hình thức sản xuất rượu, bia thủ công, không đăng ký sản xuất - kinh doanh để hạn chế rượu, bia phân phối không đóng thuế và không bảo đảm chất lượng.

Cần ban hành và kiểm soát chặt chẽ các điều kiện đối với đơn vị sản xuất và phân phối rượu, bia. Xem rượu, bia là chất gây hại thì phải quy định rõ điều kiện đối với đơn vị phân phối, đối tượng và địa điểm không được phép bán, những trường hợp hạn chế số lượng bán. Song song đó, kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ rượu, bia; lượng rượu ngoại nhập lậu.


Ẩn họa từ nhậu say tự lái xe:Tăng thuế, xử mức án nghiêm - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng do Đỗ Xuân Tuyên (trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội) gây ra do say xỉn vẫn lái ôtô vào đêm 22-4Ảnh: Otofun

Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM):

Không áp dụng tình tiết giảm nhẹ

Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, một trong các hành vi bị cấm là "Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở". Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định rõ mức phạt đối với hành vi này, theo đó mức phạt nhẹ nhất là từ 1- 2 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng đối với trường hợp người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở; mức phạt nặng nhất là 16-18 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4-6 tháng nếu người lái xe có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra của người thi hành công vụ về nồng độ cồn.

Ngoài ra, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng rượu, bia gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ", mức phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Trường hợp làm chết 3 người trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên…, bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Tội này không thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại.

Tuy nhiên, khoản 3 điều 29 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về căn cứ miễn TNHS lại quy định trong trường hợp người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm… đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS, thì có thể được miễn TNHS. Trong khi đó, tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" luôn được xác định là do lỗi vô ý, nếu người phạm tội lợi dụng lòng thương hại hoặc mua chuộc nạn nhân và gia đình họ để có được đơn xin miễn TNHS sẽ giúp cho người phạm tội thoát tội. Điều này khiến cho chế tài xử lý hình sự đối với hành vi say xỉn lái xe ít có tính răn đe hơn.

Thiết nghĩ, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần ban hành một nghị quyết theo hướng tùy tính chất hành vi của người phạm tội cũng như tình hình vụ án để cân nhắc không áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS cũng như không áp dụng căn cứ miễn TNHS cho tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Điều này tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho việc xử lý, tránh trường hợp lợi dụng tình tiết giảm nhẹ cũng như căn cứ miễn TNHS để thoát tội. Một khi hành vi vi phạm được xử lý nghiêm minh sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân, tạo niềm tin cho xã hội.

Ngồi trên xe người say cũng bị phạt tù

Ở Anh, chỉ cần ngồi trong ôtô mà hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép là đã bị phạt. Theo đó, nếu có hành vi lái xe hoặc có ý định lái xe sau khi uống rượu, bia thì mức phạt từ 3-6 tháng tù, phạt tiền từ 2.500 bảng (khoảng 3.100 USD) và tước bằng lái 1 năm (hoặc 3 năm nếu tái phạm).

Tại Hàn Quốc, chỉ với 0,05 mg cồn/lít khí thở, tài xế đã bị quy vào tội hình sự, có thể ngồi tù 3 năm và bị phạt 10 triệu won (khoảng 8.800 USD hay 206 triệu đồng), bị thu hồi hoặc đình chỉ bằng lái tùy thuộc vào mức độ.

Đặc biệt tại Nhật Bản, hành khách cũng bị xử phạt tiền, thậm chí ngồi tù nếu ngồi trên phương tiện của tài xế say rượu hoặc không tỉnh táo. Đây cũng là một trong những quốc gia có khung hình phạt nghiêm khắc nhất thế giới với các tội liên quan đến điều khiển phương tiện giao thông khi uống rượu, bia. Với nồng độ cồn từ 0,15 mg/lít khí thở, người điều khiển xe bị quy vào lỗi "lái xe trong điều kiện không tỉnh táo", bị phạt tù lên tới 3 năm và 500.000 yen (khoảng 4.500 USD hay 104 triệu đồng). Hình phạt cho tội lái xe gây tai nạn là 20 năm đối với tai nạn chết người và 15 năm đối với tai nạn không chết người. Có lẽ vì các chế tài hà khắc này mà Nhật nằm trong top 10 nước có tỉ lệ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia thấp nhất thế giới.

Luật sư Nguyễn Thành Công

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo