Quê tôi thuộc vùng "bán sơn địa" và vùng "chiêm trũng" nên hễ mưa là ngập, nắng là hạn. Do vậy cuộc sống của người dân rất khó khăn, chỉ mấy ngày Tết mới được mặc bộ quần áo mới và được ăn những món ăn ngon chế biến từ thịt heo. Hồi đó cả năm người dân phải ăn cơm độn khoai lang, khoai mì và ngô (bắp) nhưng trong ba ngày Tết dứt khoát không ăn độn.
Ngày Tết, hầu như nhà nào cũng gói được bánh chưng và gói giò chả. Bánh chưng ngày Tết thường gói từ mười đến hai chục, vừa để ăn trong nhà và đãi khách, cũng như làm quà biếu Tết. Thịt heo để gói giò chả cũng không phải mua ở chợ mà các gia đình cùng góp tiền để mua heo về nhà giết mổ. Nhà nào ít tiền, ít người thì mua một phần tư (quê tôi gọi một đùi) hoặc một phần tám con heo (nửa đùi). Còn nhà có nhiều tiền, đông người thì mua cả đùi heo để ăn Tết. Do thịt heo được chia theo số tiền góp, nên nhà nào cũng có một phần thịt, xương, nạc, mỡ và lòng heo. Cha mẹ tôi thường mua một một phần tám con heo, vừa để ăn trong ba ngày Tết, vừa để dành sau Tết ăn vì hồi đó thịt heo để dành cho bộ đội "ăn no đánh thắng" nên người dân rất ít khi được ăn thịt heo. Phần thịt, cha tôi đem gói giò nạc, giò mỡ, giò thủ, giò lòng, còn phần xương đem nấu thịt đông, mỡ heo là phần đặc biệt quý hiếm nên mẹ tôi chiên để dành nấu ăn dần trong năm. Để chuẩn bị cho tết, các gia đình trong xóm đã rủ nhau góp tiền mua heo về thịt tết trước cả tháng trời.
Việc gói bánh chưng cũng phải đặt "chỗ" ( miễn phí) trước để nhà có nồi nấu bánh chưng sắp xếp thời gian, có nhà được nấu ban ngày, có nhà phải thức cả đêm để nấu bánh chưng vì nấu một nồi bánh chưng phải mất từ 10 đến 12 tiếng. Nhà tôi phải đi mượn nồi để nấu bánh chưng nên năm nào cũng nấu vào đêm 30 tết. Vào đêm 30 tết, trời tối đen như mực, cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa hồng vừa để sưởi ấm vừa canh lửa không cho tắt và châm thêm nước cho nồi bánh chưng nên không khí thật là vui, nhất là lũ trẻ con chúng tôi rất háo hức được ăn trước chiếc bánh "cóc" loại bánh nhỏ gói riêng cho trẻ em.
Ngoài bánh chưng và các loại giò, hầu như nhà nào cũng có một vại sành hoặc một lu dưa cải muối chung với củ hành hoặc dưa củ hành để ăn Tết. Dưa củ hành mà ăn chung với bánh chưng và giò heo rất ngon và không bị ngán.
Chuẩn bị năm mới, các gia đình còn lo dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, nhà nào có tường gạch, được quét nước vôi lại cho trắng, nhà có nhiều tiền thì mua thêm tranh, ảnh các vị lãnh tụ, câu đối Tết về treo trên tường. Đường đi lối lại trong thôn thôn xóm cũng được đội thiếu niên quét dọn sạch sẽ, cán bộ thôn, xóm và đoàn thanh niên lo việc chuẩn bị nơi vui chơi giải trí trong ngày Tết cho mọi người với các trò chơi như đánh cờ người, leo cột mỡ, đập nồi đất, chơi đu quay…
Sáng mùng một Tết, nhà nào cũng dọn mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, sau đó đi chúc Tết bà con dòng họ và những người hàng xóm láng giềng. Nơi đến đầu tiên thường là bà con bên nội sau mới đi bà con bên ngoại. Ngày Tết, trẻ con không chỉ được ăn ngon, mặc đẹp mà còn có tiền mừng tuổi của ông bà, chú bác bên nội, bên ngoại.
Ngoài ra, mọi người còn được xem miễn phí các chương trình biểu diễn văn nghệ và các trò chơi giải trí "cây nhà lá vườn" nhưng rất vui. Có người gặp vận may, đập trúng nồi đất có chứa gói thuốc lá bên trong, cũng có người không đập phải nồi chứa toàn nước hoặc tro bếp nhưng vẫn vui.
Sau ba ngày Tết, những người làm công nhân và dạy học ở xa bắt đầu quay trở lại nơi làm việc, còn những người nông dân cũng ra đồng làm cỏ, bón phân và chờ đợi một vụ thu hoạch mới.
Bình luận (0)