Đại dịch Covid- 19 bùng phát trở lại vào những ngày giáp Tết đã tạo sự đảo lộn không nhỏ trong đời sống xã hội. Lần đầu tiên, nhiều học sinh, giáo viên cùng phụ huynh được cách ly tập trung xuyên Tết. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn Bộ Y tế, nếu không sớm phát hiện được hết các trường hợp F0 và nếu để lọt một trường hợp, thì từ nay đến ngày 7-2 có thể sẽ có tới hàng trăm F0 ngoài cộng đồng. Bởi virus SARS-CoV-2 biến chủng có tốc độ lây lan tăng tới 70% so với trước.
Cân nhắc việc đi hay ở
Trong khi Chính phủ, các nhà khoa học, các y - bác sĩ cùng với đông đảo người dân đang tập trung quyết liệt nhằm ngăn chặn đại dịch thì tiếc thay, lại có một số người thiếu trách nhiệm, cố tình che giấu, không khai báo y tế. Bộ Y tế và Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống Covid-19 cho biết có tới 20% F0 là bệnh nhân mắc Covid-19 không hợp tác với cơ quan chức năng để truy vết, hàng trăm F1 không chủ động khai báo y tế, không hợp tác, từ chối giao tiếp, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Biết rằng năm hết Tết đến, việc phải khai báo y tế rồi có thể phải thực hiện cách ly là rất phiền toái cho bản thân và gia đình. Song, nếu không thực hiện nghiêm, sẽ là hậu họa lớn cho chính họ, gia đình, những người thân của họ và cho đất nước.
Đợt về quê đón Tết sau một thời gian học tập, mưu sinh của không ít người đang bắt đầu. Với nhiều người, đây là kỳ nghỉ dài duy nhất và hiếm hoi giúp họ được gặp mặt đầy đủ các thành viên gia đình cũng như họ hàng, chòm xóm...
Thế nhưng trong lúc này chúng ta nên cân nhắc lại chuyện ăn Tết tại chỗ hay về quê. Bởi lẽ, khi hàng triệu người đổ về quê, tiếp xúc với nhau ở sân bay, bến tàu, bến xe, chợ... cũng đồng nghĩa với nguy cơ lây nhiễm rất cao. Nhất là trong những ngày Tết, chuyện gặp gỡ tiếp xúc là không tránh khỏi… Đoàn tụ trong mấy ngày Tết mà phải nơm nớp lo lắng, bất an thì Tết cũng chẳng còn vui. Hãy đợi cho đến lúc không còn ca lây nhiễm cộng đồng, khi cái Tết qua đi, các gia đình sắp xếp thời gian về quê mà không di chuyển ồ ạt vào một thời điểm.
Theo ước tính của đại diện Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM, hiện nay có khoảng 276.000 công nhân đang làm việc và khoảng 76% trong số này (tương đương 209.760 người) ở lại không về quê ăn Tết. Đó còn là con số không nhỏ sinh viên tình nguyện ở lại ký túc xá đón Tết cùng bạn bè để hạn chế dịch bệnh lây lan. Hơn thế nữa là hàng trăm học sinh mầm non, tiểu học đã tuyệt đối tuân thủ cách ly tập trung xuyên Tết rất đáng để chúng ta nêu gương. Nhiều y - bác sĩ, lực lượng chống dịch sẽ chẳng có thời gian để đón Tết bên gia đình.
Năm nay, nhiều công nhân làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất không về quê nên bến xe không quá đông hành kháchẢnh: Ý Linh
Hẹn những Tết sau được đủ đầy
Chẳng phải riêng chúng ta phải hạn chế di chuyển, thay đổi những thói quen khi đón Tết năm nay. Các nước Á Đông khác cũng đang chuẩn bị đón Tết nguyên đán không hề giống như mọi năm. Do dịch Covid-19 diễn biến quá phức tạp, chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần đến khi kết thúc kỳ nghỉ tết (bắt đầu vào ngày 11-2). Còn tại Singapore, chính phủ phải đưa ra các quy định phòng dịch mới như chỉ cho mỗi gia đình tiếp 8 người khách trong một ngày (bắt đầu có hiệu lực trong tuần này); khuyến nghị người dân chỉ đến thăm 2 hộ gia đình trong suốt những ngày nghỉ Tết. Xuân vận, cuộc di cư thường niên lớn nhất thế giới tại Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 28-1 và kéo dài đến 8-3 năm nay. Khác với mọi năm, từ ngày đầu, bầu không khí rộn ràng, hình ảnh người dân hối hả được thay thế bằng những ga tàu, xe vắng khách. Chính quyền đã khuyến khích người dân "ai ở đâu, ở yên đó" để đón Tết, tránh nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.
Thiết nghĩ, không chỉ tuyên truyền, vận động, thuyết phục, kêu gọi những người trong diện nghi vấn tham gia khai báo y tế, thực hiện nghiêm những quy định về phòng chống dịch bệnh mà cần phải nghiêm khắc xử lý những đối tượng không hợp tác với cơ quan chức năng để truy vết; không chủ động khai báo y tế; không hợp tác, từ chối giao tiếp, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Nhiều người đã và đang sẵn sàng tinh thần đón Tết trong khu cách ly để giữ bình an cho cộng đồng rất đáng nêu gương, vậy liệu những người bên ngoài có biết tự nhắc mình nghiêm túc thực hành những quy định cần thiết để chung tay đẩy lùi dịch bệnh?
Hãy chung sức, đồng lòng và có biện pháp kiên quyết khống chế sự lây lan của đại dịch. Không được đoàn tụ, ở bên người thân yêu, tất sẽ có những nỗi buồn, hụt hẫng nhưng hãy chấp nhận tạm xa cách để hẹn những Tết sau được đủ đầy. Chúng ta cùng đón một cái Tết đặc biệt của mùa Covid với khuyến cáo 5K để rồi sẽ gặp nhau khi dịch đã đi qua, cũng chẳng quá muộn.
Ai ở đâu, yên đó
Thực hiện quyết tâm khống chế, dập dịch trong thời gian sớm nhất, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân đội, công an, dân quân...; đặc biệt là các y - bác sĩ đã và đang xung phong vào vùng dịch để dập dịch, cứu người, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân, đất nước. Tinh thần, quyết tâm của họ khi xung phong vào vùng dịch là "Không có ngày Tết - Khi nào hết dịch thì sẽ trở về"...
Để phòng chống dịch hiệu quả không chỉ từ phía cơ quan chức năng mà phải có sự chung tay, đồng lòng từ phía người dân và toàn xã hội. Ngoài việc phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, quy định hướng dẫn của ngành y tế, người dân với trách nhiệm công dân, ý thức với cộng đồng nên hạn chế di chuyển, đi lại khi không thật sự cần thiết. Dù biết rằng nhiều người mong chờ để được về đoàn tụ bên gia đình, người thân nhưng tại thời điểm này, nên cân nhắc không về quê ăn Tết. Bởi dịch đã có ở nhiều tỉnh thành, việc đi lại từ tỉnh này sang tỉnh khác có thể làm lây lan dịch bệnh, gây khó khăn cho việc phòng chống dịch của cơ quan chức năng. Mặt khác, có thể vô tình là F1, F2, sẽ gây bất tiện cho chính bản thân, gia đình khi bắt buộc phải cách ly, chữa bệnh.
"Ai ở đâu, yên đó", điều này vừa bảo đảm an toàn, sức khỏe cho chính bản thân, gia đình nhằm góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, vừa không vô tình làm tổn thương những người đang xung phong, vất vả ở tuyến đầu chống dịch. Suy cho cùng thì ở đâu trên đất nước Việt Nam thân yêu mà không là nhà, là quê hương!
Phạm Văn Chung
Bình luận (0)