Trong khi đó, cùng với trào lưu du lịch tự do, tại nhiều điểm du lịch mạo hiểm, du khách đi tự phát, không có tổ chức, không sử dụng biện pháp bảo vệ mình khi tham gia chương trình mạo hiểm, dễ dẫn đến nguy cơ bị tai nạn.
Vụ tai nạn khiến 4 du khách Hàn Quốc tử vong ở làng Cù Lần (Lạc Dương, Lâm Đồng) thu hút sự quan tâm của dư luận và đặt dấu hỏi vì sao du lịch mạo hiểm vẫn diễn ra vào mùa mưa - thời điểm thiên nhiên có nhiều diễn biến bất thường như mưa gió, bão lũ, sạt lở…
Việc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đề nghị Khu Du lịch làng Cù Lần tạm dừng các hoạt động kinh doanh du lịch, để làm rõ nguyên nhân vụ lũ cuốn làm 4 du khách tử vong vẫn còn nặng tính hành chính và bị động.
Để phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, cơ quan chức năng, đơn vị tổ chức, địa phương luôn phải đi trước một bước. Trước hết, Việt Nam phải xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chung về phát triển du lịch mạo hiểm trên toàn quốc. Tiếp đến, chính quyền địa phương cần tổ chức khảo sát, đánh giá, quy hoạch lại những điểm du lịch mạo hiểm; đồng thời ban hành các quy định cụ thể về quản lý, tổ chức kinh doanh dịch vụ trong du lịch mạo hiểm, kể cả những quy định dành cho du khách khi tham gia các loại hình du lịch mạo hiểm này.
Một điều rất quan trọng cần chú ý khi triển khai loại hình du lịch mạo hiểm chính là diễn biến thời tiết. Với những khu vực có sông, suối, thác ghềnh…, cần có quy chế phối hợp với các công ty thủy điện, chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình. Khi có những cảnh báo mưa lũ, xả lũ..., đơn vị khai thác tour du lịch mạo hiểm nên dừng kinh doanh.
Du lịch mạo hiểm là lĩnh vực giàu tiềm năng của Việt Nam, không nên vì những tai nạn vừa qua mà chúng ta hạn chế, không cho phép phát triển loại hình này. Nếu khai thác tốt, với địa hình của Việt Nam từ miền núi đến đồng bằng, ven biển, hải đảo, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những quốc gia mạnh về du lịch mạo hiểm trong khu vực.
Bình luận (0)