Sáng 23-10, đại diện Ban Biên tập, bộ phận Công tác xã hội Báo Người Lao Động đã đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thăm hỏi và trao 15 triệu đồng của bạn đọc Báo Người Lao Động hỗ trợ chị Lê Thị Thanh Thùy (19 tuổi, nhân vật trong bài viết "Không có tiền, nữ công nhân nằm một chỗ chờ chết" đăng trên Báo NLĐO ngày 21-10).
"Nếu em không lo cho Thùy thì ai lo?"
Thấy chúng tôi đến, chị Hà Thị Huệ (28 tuổi), vui mừng cho biết: "Hôm thứ sáu vào bệnh viện, sức khỏe Thùy kiệt quệ lắm. Tuy nhiên, được đại diện của Báo Người Lao Động và nhiều mạnh thường quân đến thăm hỏi, động viên, cộng thêm sự chăm sóc tận tình của y - bác sĩ ở đây, Thùy đã đỡ hơn nhiều. Sáng nay, có những lúc có thể rút ống ôxy để Thùy thở tự nhiên".
Huệ là người bạn luôn sát cánh cùng Thùy suốt gần 3 tháng bệnh trở nặng đến nay. Dù thuốc lao đã có chương trình chống lao cấp phát nhưng mỗi lần Thùy không thở được, Huệ đều phải đưa bạn vào bệnh viện. "Ngày 28 hằng tháng là đóng tiền phòng trọ, Thùy vào bệnh viện mà trúng ngày 24 hoặc 25, em phải lấy tiền đóng trọ dùng tạm; sau đó xin chủ nhà trọ cho chậm vài ngày. Thùy chỉ nằm viện vài ba hôm cho đỡ nhưng mỗi ngày tiền giường, thuốc men, ăn uống, đi lại… cũng phải 600.000-700.000 đồng nên nhiều khi mệt, thở lớn như gió rít, rất khổ sở mà Thùy không chịu đi bệnh viện vì sợ tốn tiền…" - Huệ kể.
Quê Huệ ở Gia Lai, mồ côi mẹ, Huệ xuống TP HCM làm công nhân, quen Thùy từ lần thuê phòng trọ ở ghép. Gần 3 năm sống cùng nhau, biết Thùy mồ côi cả cha lẫn mẹ, không còn bất kỳ người thân nào trên đời, không có cả giấy tờ tùy thân ngoại trừ tờ khai sinh không ghi tên cha, mẹ. Vậy nên, Huệ đã xem Thùy như em gái. Khi Thùy ngã bệnh, Huệ lo lắng, chăm sóc chỉ với suy nghĩ: "Nếu em không lo cho Thùy thì ai lo?".
Lương công nhân ba cọc ba đồng, Huệ cố gồng gánh, vay mượn bạn bè, hàng xóm để chăm sóc bạn. Mới đây, bệnh Thùy trở nặng, Huệ phải bán cả xe để có tiền lo cho Thùy. "Nếu không có Báo Người Lao Động và mạnh thường quân giúp đỡ, tụi em cũng đành lay lắt qua ngày, tới đâu hay tới đó chứ em không thể bỏ mặc Thùy. Điều em mong mỏi nhất lúc này là Thùy được chữa khỏi bệnh, có thể tự lo được cho mình vì em còn cha già ở quê, Tết này phải về ở luôn để lo cho cha" - Huệ rơm rớm nước mắt nói.
Hỏi Huệ có ngại bị lây bệnh từ bạn, cô lắc đầu: "Mấy y - bác sĩ chương trình chống lao ở quận Gò Vấp có chỉ cho em cách phòng bệnh, vài ba tuần họ lại đến xịt thuốc khử trùng và khám cả cho em. Bệnh này chữa được nếu phát hiện sớm và điều trị theo phác đồ, em còn trẻ khỏe nên cũng dễ. Tiếc cho Thùy vì khó khăn nên giấu bệnh, mỗi lần sốt chỉ mua thuốc uống đến khi bị ngất xỉu, vô bệnh viện mới biết nặng rồi…".
Không nói nhiều về mình, suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, Huệ chỉ đau đáu về bệnh tật của Thùy, lo lắng việc giữ và chi tiêu cho đúng số tiền mạnh thường quân giúp Thùy để không bị mang tiếng. "Thùy còn tỉnh táo, ai hỗ trợ, em đều nói đưa trực tiếp cho Thùy. Sau đó, Thùy đưa lại cho em, chi tiêu gì em cũng ghi lại hết. Tiền đó không phải của em mà của người ta giúp đỡ Thùy nên phải rõ ràng" - Huệ nói.
Bạn đọc hảo tâm đến tận giường bệnh trao tiền hỗ trợ cho chị Lê Thị Thanh Thùy Ảnh Lê Phong
Lòng tốt luôn ở quanh ta
Huệ cũng nhắc nhiều về những người đã và đang giúp đỡ, động viên Thùy. Đó là y - bác sĩ chương trình chống lao của quận Gò Vấp, là chủ nhà trọ, bạn bè và hàng xóm xung quanh, là những mạnh thường quân vừa đọc xong bài trên Báo NLĐO đã vội vàng tìm đến, là y- bác sĩ Bệnh viện 175, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và người nhà của những bệnh nhân nằm cùng phòng. Đặc biệt, bằng sự cảm kích, biết ơn, Huệ nhắc nhiều đến anh Lê Tấn Hùng (Công ty Vạn Tấn Phát, quận Thủ Đức, chuyên cung cấp bình ôxy). Từ khi biết hoàn cảnh của Thùy, mỗi ngày anh Hùng đều cho nhân viên đem 2-3 bình ôxy (10-14 lít/bình) giao miễn phí, thỉnh thoảng còn gửi 300.000-500.000 đồng để mua sữa cho Thùy.
Được Huệ cho số điện thoại, chúng tôi đã liên lạc với anh Hùng. Anh tâm sự: "Công ty tôi cung cấp bình ôxy cho nhiều bệnh viện, công ty, gia đình. Với những trường hợp như Thùy, tôi thường giao miễn phí. Tôi nghĩ chuyện cũng không có gì to tát. Tôi đang định ít bữa thu xếp công việc lên bệnh viện thăm và hỗ trợ Thùy".
Trong buổi sáng đoàn công tác chúng tôi ghé thăm Thùy, có khá nhiều mạnh thường quân cũng đến đây. Một chị tên Đào nghe nói Huệ không có xe, mỗi khi về phòng trọ lấy đồ đạc phải tốn tiền xe ôm, đã không ngần ngại cho Huệ mượn xe trong thời gian Thùy điều trị tại bệnh viện…
Trước khi đến bệnh viện, chúng tôi cứ nghĩ sẽ viết về tình bạn đẹp giữa Thùy và Huệ. Vậy mà sau khi được nghe kể và chứng kiến quá nhiều tấm lòng nhân ái đến với Thùy, chúng tôi đã thật sự cảm động và nhận ra sự tử tế, lòng nhân ái vẫn hiện diện khắp mọi nơi. Chỉ cần chúng ta chịu đi, chịu lắng nghe và cảm nhận.
Cố hết sức chữa trị cho Thùy
Sáng cùng ngày, làm việc với đại diện Ban Biên tập Báo Người Lao Động, bác sĩ Nguyễn Đình Duy, Phó Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, cho biết bệnh nhân Thùy đang được điều trị theo chương trình chống lao tháng thứ 3. Qua thăm khám phát hiện phổi trái của bệnh nhân hầu như mất hoàn toàn, phổi phải bị tổn thương, tiên lượng bệnh nặng. Hướng điều trị: dùng thuốc hoặc nông hoặc mổ. Hiện phải hội chẩn và làm hàng loạt xét nghiệm cận lâm sàng mới có kết quả chính xác. "Cùng với sự hỗ trợ của Báo Người Lao Động và mạnh thường quân, bệnh viện sẽ cố gắng hết sức để chữa trị cho Thùy" - BS Duy nói.
Bình luận (0)