Nguồn năng lượng này ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp, mọi hộ gia đình, vì thế hoạt động sản xuất, cung ứng, truyền tải điện và chăm sóc khách hàng luôn được người tiêu dùng điện quan tâm.
Chủ trương của nhà nước ta là để giữ vững an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm cung ứng điện cho mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt, phải đẩy mạnh đầu tư sản xuất điện. Trong đó, đối với thủy điện - tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có song phát triển có chọn lọc. Đối với điện gió và điện mặt trời: Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.
Xu hướng chung được khuyến khích là phát triển nhanh, mạnh các nguồn điện sạch như điện gió, điện mặt trời hòa vào lưới điện quốc gia, giảm dần sự phụ thuộc vào thủy điện.
Hưởng ứng chủ trương của nhà nước, đồng thời nhận thấy điện là một lĩnh vực nhiều tiềm năng sinh lợi, trong đó phát triển các nguồn năng lượng điện sạch là xu thế tất yếu và tiến bộ, thời gian qua nhiều đơn vị, tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư mạnh vào sản xuất điện mặt trời và điện gió.
Song song đó, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân, hộ gia đình… cũng mạnh dạn hợp tác với ngành điện đầu tư điện mặt trời mái nhà.
Từ thực tế trên cũng đã nảy sinh một số vấn đề về chính sách đầu tư, giá mua bán, môi trường…, cần được trao đổi và giải đáp.
Để làm cầu nối chia sẻ những vấn đề trên, Báo Người Lao Động tổ chức talkshow và tư vấn trực tuyến: "Phát triển các nguồn năng lượng điện sạch", vào lúc 9 giờ sáng hôm nay (17-12).
Nhóm nhà đầu tư, hộ gia đình và các cá nhân quan tâm đến nội dung này, vui lòng đặt câu hỏi từ hôm nay ở form đặt câu hỏi phía dưới để được các chuyên gia trong ngành điện giải đáp và tư vấn.
Khách mời tham dự:
- Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCM)
- Ông Đặng Quốc Bảo, Giám đốc Ban Truyền thông - Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group)
- TS Đinh Hoàng Bách, Trưởng bộ môn Hệ thống điện - Trường Đại học Tôn Đức Thắng
- Ông Phạm Quế Phong, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần InterSolar
Thế Huỳnh
10:47 ngày 17/12/2020
Trungnam vừa đóng điện Trạm biến áp và đường dây 220 - 500kV. Đây được xem là kỳ tích. Tập đoàn kỳ vọng gì về công trình truyền tải này?
Trạm biến áp 220-500 KV là đường dây nằm trong tổ hợp đầu tư năng lượng tái tạo bao gồm nhà máy và trạm biến áp đường dây. Tổ hợp dự án này không chỉ mang lại thêm nguồn điện tái tạo cho quốc gia mà còn giải quyết bài toán quá tải đường dây cho năng lượng tái tạo tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Công trình truyền tải này có ý nghĩa quan trọng trong việc mở ra một thời kỳ mới đối với vấn đề phát triển năng lực truyền tải của quốc gia.
Với cơ chế đặc thù của dự án này, chúng tôi hi vọng đây sẽ là một bước đệm trong việc hình thành một thị trường trong lĩnh vực đầu tư truyền tải như Nghị quyết 55/BCT và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) mới, tạo cơ hội cho tư nhân góp phần đồng hành cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải quyết bài toán truyền tải của quốc gia.
Nguyễn Phước Đại
10:50 ngày 17/12/2020
Tôi muốn mua một bộ biến tần sử dụng điện trực tiếp từ pin NL xuống mà ko cần qua bình tích thì cần mua loại nào, ở đâu? Tôi không dùng công tơ 2 chiều có ảnh hưởng gì không? Cám ơn.
Hiện nay có rất nhiều các bộ biến tần sử dụng trực tiếp nối lưới, không cần sử dụng bình ắc quy. Có thể phân ra làm 2 dòng chính, dòng cao cấp và dòng phổ thông. Giá cả những loại này có thể gấp 2-3 lần nhau, nhưng đều bảo đảm được chất lượng điện năng theo tiêu chuẩn của điện lực.
Loại cao cấp có thể là SMA/Fronious, được sản xuất tại Đức hoặc Áo.
Dòng phổ thông như Growatt/Sungrow, sản xuất tại Trung Quốc...
Chẳng hạn, với một hệ thống 10KWP, Inverter loại cao cấp sẽ có giá vào khoảng 40 triệu đồng, trong khi dòng phổ thông ở mức 15 triệu đồng
Nếu không dùng công tơ 2 chiều chủ nhà sẽ không thể bán điện cho EVN. Như vậy, những lúc không dùng điện thì toàn bộ lượng điện này sẽ không được ghi nhận.
Lê Duy
10:51 ngày 17/12/2020
Phương pháp nào xử lý về mặt môi trường với các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng?
Ảnh hưởng chất thải do tấm pin năng lượng mặt trời khi hết thời hạn sử dụng không quá nghiêm trọng vì:
- Thành phần chính trong tấm pin mặt trời có nguồn góc từ Silic (cát) nên không gây hại môi trường và có thể tái chế được.
- Thành phần khác như khung nhôm và các vật liệu cấu trúc cơ khí cũng hoàn toàn tái chế được.
- Có một vài thành phần có ảnh hưởng đến môi trường như thành phần chì có tỉ lệ rất nhỏ.
- Thời hạn sử dụng của các tấm pin hiện nay lên đến khoảng 25 năm, vì thế với sự phát triển của công nghệ trong tương lai có thể xử lý, tái chế một cách hiệu quả hơn.
Long Giang
10:52 ngày 17/12/2020
Được biết Trungnam Group đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án thủy điện tích năng Ninh Sơn ở Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD. Tập đoàn có thể nói rõ hơn về để xuất này?
Với sự phát triển của năng lượng tái tạo, việc thiếu ổn định của tự nhiên như gió và nắng đòi hỏi hệ thống điện phải có các nguồn tích trữ như thủy điện tích năng, halogen, nhiệt điện, trang trại pin trữ điện... Như vậy, việc đầu tư các thủy điện tích năng là rất cần thiết trong việc điều độ và ổn định lưới.
Các dự án thủy điện tích năng có thể tích trữ nguồn địện hàng ngàn MW mỗi giờ. Nhu cầu về tích năng hiện tại và các năm tới ngày một lớn hơn. Việc đầu tư các dự án thủy điện tích năng sẽ rất có hiệu quả về kinh tế, xã hội và an ninh năng lượng.
An
10:54 ngày 17/12/2020
@Ông Đặng Quốc Bảo: khi lắp điện mặt trời mái nhà thì tầng áp mái có bị nóng hơn bình thường không? Nếu có thì làm sao để khắc phục?
Các tấm quang năng sử dụng nguồn năng lượng mặt trời để sản xuất ra điện nên chắc chắn khi lắp điện mặt trời, mái nhà sẽ mát hơn bình thường. Thậm chí, hiện nay, các xưởng sản xuất còn sử dụng hệ thống quang năng thay cho mái nhà.
Minh Châu Nguyễn
10:55 ngày 17/12/2020
TP HCM đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân, DN đầu tư điện mặt trời. Tổng Công ty Điện lực TP HCM có tính đến kịch bản nhà nhà, người người đổ xô làm điện mặt trời. Khi ấy, chuyện gì sẽ xảy ra? TP HCM có lo quá tải điện mặt trời không?
Tiềm năng điện mặt trời trên máy nhà của TP HCM tối đa khoảng 6.000 MW. Tổng công suất sử dụng điện trên toàn địa bàn hiện nay TP là gần 5.000 MW trong khi điện mặt trời mái nhà mới lắp đặt 250 MW. Như vậy, trong tương lai, nếu người dân, doanh nghiệp TP HCM đồng loạt đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng tại chỗ.
Kịch bản lạc quan là công suất điện mặt trời áp mái vượt quá tiềm năng thì cũng không sợ dư thừa vì nhu cầu sử dụng lúc ấy sẽ tăng tương ứng. Ngành điện TP cam kết sẽ tiếp nhận toàn bộ lượng điện mặt trời dư phát lên hệ thống lưới điện.
Mộc An
10:56 ngày 17/12/2020
Vấn đề hạ tầng truyền tải là vướng mắc lớn đối với các dự án điện gió, điện mặt trời bởi nếu làm dự án nhưng không giải tỏa được công suất thì thiệt hại sẽ không nhỏ. Nhà nước có cơ chế nào khuyến khích tư nhân tham gia vào xây dựng lưới truyền tải nhằm để giảm bớt áp lực đầu tư?
Hiện tại đã có nhiều ý kiến đề xuất để cho tư nhân đầu tư, xây dựng và chuyển giao một phần lưới truyền tải nối từ các nhà máy năng lượng tái tạo vào lưới điện quốc gia, hi vọng các ý kiến sẽ được tiếp thu và có hướng xử lý tích cực giúp giải quyết điểm nghẽn về sự phát triển năng lượng tái tạo do hạn chế về hạ tầng truyền tải.
Nguyễn Ngọc Thu
10:57 ngày 17/12/2020
Theo tôi nghĩ lắp đặt và sản xuất điện mặt trời là lợi ích cho điện lực và nhà đầu tư, tuy nhiên có một đều còn bâng khuâng đó là sự ổn định của hệ thống làm cho nhà đầu tư chưa an tâm. Cụ thể khi thời tiết thay đổi. Ví dụ: có những ngày nắng nóng hơn bình thường, hoặc nắng mát bất thường cũng làm cho intverter cắt không phát điện lên đường dây, lúc bấy giờ nguồn phát điện bằng không mất nguyên cả ngày. Như vậy có cách nào khắc phục được không và cho hỏi nguyên nhân xảy ra hiện tượng này? Trân trọng cám ơn!
Hiện nay, các hệ thống điện mặt trời được chia làm 2 loại: Hệ thống hoà lưới (On-grid), và hệ thống độc lập (Off-Grid).
Với hệ thống hoà lưới, tất cả những băn khoăn của nhà đầu tư sẽ được khắc phục một cách tự động. Khi thời tiết thay đổi, công suất của hệ thống giảm, điện lưới sẽ tự động bù vào phân công suất thiếu hụt nên tất cả thiết bị sử dụng sẽ không bị hư hỏng.
Đối với hệ thống độc lập, nhà đầu tư sẽ phải đầu tư thêm bình ắc quy, tăng suất đầu tư và chi phí bảo dưỡng rất tốn kém. Vì vậy, 95% các hệ thống hiện nay đều là hoà lưới.
Suất đầu tư của hoà lưới chỉ bằng khoảng 2/3 so với suất đầu tư của hệ thống độc lập.
Việc inverter bị ngắt, không phát điện lên đường dây là do cách cài đặt, cần mời kỹ thuật viên đến khảo sát và cài đặt lại.
Tất cả các inverter hiện nay đều là hệ thống thông minh và tự động hoà lưới, phát điện lên đường dây sau khi có điện. Vì vậy, việc mất nguyên cả ngày chắc chắn do lỗi cài đặt. Do đó, cần phải khảo sát thực tế và cài đặt lại.
Đào Hồng Nhật
10:58 ngày 17/12/2020
Tôi có hợp đồng với cong ty Vietel lắp điện mặt trời áp mái rồi, làm thế nào biết hiệu suất thật của tấm pin như trong hợp đồng. Xin cám ơn
Để biết được hiệu suất thật của tấm pin, khách hàng có thể liên hệ Trung tâm thí nghiệm điện - Tổng Công ty Điện lực TP HCM hoặc gọi tổng đài Trung tâm chăm sóc khách hàng Tổng Công ty Điện lực TP HCM (1900545454) để được hướng dẫn. Một địa chỉ khác có thể liên hệ là Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quates 3)
Minh Trung
11:00 ngày 17/12/2020
Điện gió đang là xu hướng, có nguy cơ DN ồ ạt làm điện gió, không quan tâm đến khả năng truyền tải, vấn đề an ninh quốc phòng. Trung Nam có quan điểm sao về việc này?
Hiện nay có xu hướng doanh nghiệp ồ ạt xin triển khai các dự án điện gió nhưng không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp ồ ạt triển khai. Hiện nay, do khó khăn về chính sách, pháp lý, quy hoạch, giải tỏa đền bù, công nghệ, kinh nghiệm, tài chính nên các dự án điện gió đang triển khai với tốc độ bình thường.
Về vấn đề truyền tải, sau "tai nạn" về truyền tải đối với lĩnh vực điện mặt trời, Bộ Công Thương và EVN đã có những điều chỉnh để bảo đảm việc bổ sung quy hoạch nguồn điện gió phải tiên quyết đi đôi với bổ sung truyền tải.
Về vấn đề an ninh quốc phòng, đây rõ ràng là việc cần các cơ quan nhà nước quan tâm. Bởi, các dự án điện gió và điện mặt trời thường tọa lạc ở các vùng biên thùy cả trên bờ lẫn ngoài khơi. Ngoài ra, việc các nhà đầu tư chuyển nhượng cổ phần dự án điện kể cả trước và sau khi hoàn thành dự án sẽ tiềm ẩn nguy cơ về an ninh quốc phòng khi thiếu kiểm soát các nhà đầu tư mua lại.
Vũ Minh
11:00 ngày 17/12/2020
Tôi có mái nhà diện tích 80 m2, muốn đầu tư điện mặt trời mái nhà. Qua tìm hiểu, có rất nhiều công ty cung cấp giải pháp điện mặt trời mái nhà, mỗi công ty giới thiệu nhiều loại thiết bị, tấm pin năng lượng, cục biến áp… nguồn gốc xuất xứ khác nhau, giá cả chênh lệch khá nhiều. Tôi phân vân không biết nên chọn loại nào cho đúng chất lượng, yêu cầu kỹ thuật để việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà đạt hiệu quả cao nhất?
Pin và inverter có rất nhiều loại trên thị trường, giá cả cũng rất chênh lệch, rất khác biệt về chất lượng. Vì thế, nhà đầu tư cần lựa chọn đơn vị chuyên nghiệp để được tư vấn một cách cụ thể.
Với mái nhà diện tích 80m2, việc thiết kế cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào loại mái, mái tôn, mái bằng hay mái ngói hoặc hướng mái... Tuy nhiên, phổ biến với mái tôn thì có thể lắp được 10KWP, với chi phí đầu tư vào khoảng 150-200 triệu đồng/hệ thống.
Các loại Pin nhà đầu tư nên lựa chọn là Longi, Trina hoặc Canadian...
Về inverter, có thể lựa chọn SMA/Sungrow
Nguyễn Thùy Dương
11:02 ngày 17/12/2020
Có quy chế nào ràng buộc nhà cung cấp tấm pin mặt trời và nhà đầu tư dự án điện mặt trời trong việc cam kết thu hồi, xử lý tấm pin sau khi hết tuổi thọ?
Hiện tại, Luật về môi trường và năng lượng chưa đề cập đến yêu cầu này. Đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến ảnh hưởng của các tâm pin mặt trời khi hết hạn sử dụng có ảnh hưởng như thế nào đến môi trường, nhưng chưa có sự thống nhất chung giữa các chuyên gia/nhà nghiên cứu về vấn đề này.
Hi vọng, trong tương lại sẽ có những nghiên cứu tin cậy, giải đáp được những thắc mắc rất quan trọng này. Từ đó, các nhà làm luật mới có cơ sở để ban hành những qui định chung thống nhất về việc xử lí tấm pin mặt trời, khi hết hạn sử dụng.
Minh Đan
11:02 ngày 17/12/2020
Cho tôi hỏi, tại TP HCM sau khi lắp đặt xong điện mặt trời thì bao nhiêu ngày sẽ được lắp đồng hồ 2 chiều và ký hợp đồng bán điện? Xin cho biết thủ tục và nơi liên hệ
Bạn có thể liên hệ Trung tâm chăm sóc khách hàng Tổng Công ty Điện lực TP HCM (1900545454) để được hướng dẫn thủ tục. Thời gian lắp đặt điện kế 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện trong vòng 2 ngày kể từ khi điện lực nhận được yêu cầu.
Ngoc Minh
11:04 ngày 17/12/2020
Tuổi thọ một tấm pin khoảng 20 năm. Sau đó hướng xử lý tấm pin đã hết tuổi thọ ra sao hay là gây ra nguồn rác thải công nghiệp?
Trước hết, xin đính chính lại định nghĩa pin có nghĩa là sử dụng các công nghệ để lưu trữ điện. Lẽ ra, chúng ta nên gọi các panel mặt trời là tấm quang năng vì các panel này không lưu trữ điện.
Hiện tại, trên thị trường các nhà sản xuất tấm quang năng cam kết năng suất của hệ thống từ 20-30 năm. Như vậy, trong vòng hơn 15 năm nữa, sẽ xuất hiện một số lượng lớn các tấm quang năng kết thúc vòng đời.
Các tấm quang năng này được cấu thành phần lớn là silicat tương tự như thủy tinh và các kim loại vô cơ. Như vậy, việc xử lý tấm quang năng này theo chúng tôi khá đơn giản. Có thể thực hiện theo quy trình rác thải điện tử và không là yếu tố tác động lớn đến môi trường.
Tuy nhiên, để các nhà đầu tư, đặc biệt là các hộ dân an tâm lắp đặt các tấm quang năng, cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Bộ Tài nguyên và Môi trường nên có quy trình hướng dẫn xử lý rác thải tấm quang năng cụ thể.
TẠ ĐỨC TRỌNG
11:05 ngày 17/12/2020
1. Chính sách giá điện mặt trời sau 31/12/2020 ra sao? 2. Nhà đầu tư dự án điện mặt trời áp mái dưới 1M cần phải thực hiện những thủ tục gì?
Bạn có thể tham khảo Thông tư 18/2020/TT-BTC ngày 17-7-2020 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời mái nhà về thủ tục thực hiện đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Về chính sách giá điện mặt trời sau ngày 31-12-2020, hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu để trình chính phủ ban hành trong thời gian tới.
Lê Thanh Hùng
11:07 ngày 17/12/2020
Tôi muốn làm điện năng lượng mặt trời áp mái kết hợp trồng nấm, cây dược liệu 1MW nhưng chưa biết qui trình thủ tục pháp lí làm dự án như thế nào để hoàn thiện công trình. Xin các anh chị tư vấn giúp dùm!
Bạn có thể tham khảo Thông tư 18/2020/TT-BTC ngày 17-7-2020 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.
Nguyễn Lê Minh
11:11 ngày 17/12/2020
Tôi đã tìm hiểu về điện mặt trời, và tôi thấy có nhiều điều chưa rõ ràng: 1) Tính toán chi phí và doanh thu để mang lợi nhuận cho nhà đầu tư như thế nào? 2) Đồng hồ bán cho nhà nước giá rẻ, khi mua lại thì giá đắt. cân đối lợi nhuận như thế nào ? 3) Chi phí bảo dưỡng hàng năm bao nhiêu? 4) Chi phí bảo hành, thay thế? 5) Chi phí Bảo hiểm tài sản, cháy nổ? 6) So sánh với việc nhà nước đầu tư hàng tỷ đô la để xây dựng các nhà máy điện với việc ưu đãi về giá thành đầu tư cho mỗi hộ gia đình 1 hệ thống điện mặt trời cái nào có lợi hơn?
Về chi phí đầu tư, sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc chủ đầu tư quyết định chất lượng của hệ thống mà mình đầu tư.
Thông thường, với một hệ thống điện mặt trời mái nhà tiêu chuẩn, suất đầu tư vào khoảng 15 triệu đồng/KPW và thời gian hoàn vốn vào khoảng 6 năm.
- Đồng hồ bán cho nhà nước giá rẻ, khi mua lại thì giá đắt? Về câu hỏi này, có thể khẳng định nhà nước không mua rẻ vì những KW/h đầu, nhà nước chỉ bán với giá 1.500 đồng/KW/h. Trong khi, nhà nước mua lại với giá gần 2.000 đồng/KW/h.
- Vấn đề bạn phải mua đắt là do giá điện bậc thang, vì vậy, cân đối lợi nhuận tốt nhất là nhà đầu tư tận dụng tối đa việc sử dụng điện trực tiếp vào ban ngày khi hệ thống đang phát điện. Nếu sử dụng trực tiếp, thời gian hoàn vốn sẽ còn xuống dưới khoảng 4 năm.
- Chi phí bảo dưỡng hàng năm phụ thuộc rất nhiều vào công suất của hệ thống, loại mái nhà mà bạn lắp đặt. Trung bình sẽ vào khoảng từ 3-5%/doanh thu của hệ thống.
Ví dụ, với một hệ thống khoảng 10 KWP, nhà ở thành phố lớn, chi phí bảo dưỡng sẽ vào khoảng 500.000 đồng đến 600.000 đồng/năm...
- Chi phí bảo hành, thay thế hiện nay, phổ biến Pin được bảo hành 10 năm; Inverter được bảo hành 5 năm, nên nếu có hư hỏng sẽ được sửa chữa, thay thế miễn phí.
- Chi phí bảo hiểm tài sản, cháy nổ: Hiện các công ty bảo hiểm đang tính mức phí khoảng 0,2% trên giá trị đầu tư của hệ thống. Với hệ thống 10KWP, phí bảo hiểm sẽ khoảng 300.000 - 400.000 đồng/năm tuỳ theo từng loại mái.
- Liên quan đến so sánh với việc nhà nước đầu tư hàng tỉ USD để xây dựng các nhà máy điện với việc ưu đãi về giá thành đầu tư cho mỗi hộ gia đình 1 hệ thống điện mặt trời cái nào có lợi hơn? Tôi cho rằng việc các hộ gia đình đầu tư trực tiếp sẽ có nhiều cái lợi hơn. Vì, suất đầu tư thấp hơn. Đồng thời, một lợi ích rất lớn mà các gia đình sẽ thấy là việc chống nóng rất tốt.
Quỳnh Quyền
11:12 ngày 17/12/2020
Tại tầng 8 (Dt khoảng 100 m2), có thể lắp đặt điện mặt trời không? Xin giới thiệu cho tôi công ty chuyên nghiệp có uy tín? Xin Cám ơn.
Với câu hỏi này, việc lắp được bao nhiêu công suất sẽ phụ thuộc vào kết cấu mái. Với mái bằng hoặc mái tôn có thể lắp được tối đa 15KWP, tạo ra khoảng 60KW/h/ngày.
Về một số công ty chuyên nghiệp uy tín, nhà đầu tư có thể tìm hiểu trên website của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này như EVNSolar, Eeasysolar...
Ngọc Hoàng
11:12 ngày 17/12/2020
Để làm dự án điện gió và mặt trời, chính sách giá FIT rất quan trọng. Trong khi đó, chính sách giá của Việt Nam còn hiệu lực chỉ trong ngắn hạn. Điều này gây khó khăn thế nào cho DN đầu tư vào lĩnh vực này? DN có kiến nghị gì về chính sách giá?
Giá FIT ngắn hạn và giật cục gây khó khăn rất lớn cho sự phát triển bền vững của ngành năng lượng. Điều này không chỉ gây ra khó khăn cho nhà đầu tư mà còn tạo khó khăn lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước, EVN, các nhà sản xuất, ngân hàng.
Kiến nghị lớn nhất của doanh nghiệp đối với chính sách giá chính là ổn định và rõ ràng. Ví dụ, đối với chính sách giá FIT của điện gió, thời gian vừa qua có tác động tốt đến ngành điện gió. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có quyết định về giá FIT sau tháng 10-2021. Điều đó gây khó khăn rất lớn cho các nhà đầu tư và các bên liên quan.
Trong khi đó, để triển khai một dự án điện gió tối thiểu phải mất 3 năm đối với nhà đầu tư có năng lực mạnh, bao gồm ít nhất 1 năm đo gió, sau đó là sắp xếp về pháp lý và tài chính và triển khai xây dựng, vận hành dự án.
Vũ Ngọc Bích
11:14 ngày 17/12/2020
Cho tôi hỏi giá tính theo mét vuông hay theo tấm và công ty nào uy tín, kỹ thuật tốt, thời gian bảo hành bao lâu? Xin cảm ơn.
Đơn giá đầu tư sẽ tính trên công suất lắp đặt. Thời gian bảo hành là 5 năm cho Inverter và 10 năm cho tấm Pin.
Các công ty uy tín có thể tham khảo trên website của Solar.EVN.com.vn.
Phạm Văn Phong
11:14 ngày 17/12/2020
Tôi có 3 câu hỏi: 1. Giá mua điện mặt trời áp mái năm 2021 thế nào? 2. Khả năng lợi nhuận? 3. Các rủi ro rao sao?
Về giá điện mặt trời áp mái năm 2021, hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.
Về khả năng lợi nhuận, tùy thuộc vào mức độ tự sử dụng và giá mua điện của Chính phủ. Với giá mua điện mặt trời mái nhà hiện tại là 8,38 cent/kWh, tương đương 1.940 đồng/kWh thì thời gian hoàn vốn khoảng 5 năm.
Về rủi ro, lớn nhất đến từ chất lượng lắp đặt, bao gồm kết cấu công trình, điều kiện thời tiết, chế độ bảo trì bảo dưỡng... Tuy nhiên, hệ thống điện mặt trời mái nhà rất ít gặp phải những rủi ro nêu trên.
Chu Quang Phấn
11:14 ngày 17/12/2020
Sau khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà bao lâu thì điện lực sẽ thay công tơ điện hai chiều?
Sau khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà, khách hàng liên hệ Trung tâm Chăm sóc khách hàng Tổng Công ty Điện lực TP HCM (1900545454) để được hướng dẫn thủ tục. Thời giai giải quyết hồ sơ trong vòng 2 ngày sau khi điện lực nhận được yêu cầu của khách hàng.
Lê Văn Thanh
11:14 ngày 17/12/2020
DN tôi muốn tham gia lĩnh vực năng lượng tái tạo. Xin cho tôi hỏi, nếu tiến hành đầu tư dự án điện gió hoặc điện mặt trời quy mô lớn trong năm 2021 thì chúng tôi có được hưởng chính sách ưu đãi gì không? Công ty cần thực hiện những bước thủ tục nào?
Đây là một câu hỏi rất lớn bao gồm toàn bộ việc kinh doanh của ngành năng lượng tái tạo nên tôi tin rằng doanh nghiệp có thể tìm thấy rất nhiều câu trả lời trên các phương tiện truyền thông, website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng trang thông tin của EVN.
Lê đức Tuyên
11:17 ngày 17/12/2020
Tôi muốn hỏi đầu tư 1 kw điện áp mái khu vực Nha Trang hết bao nhiêu và thu về khoảng bao nhiêu tiền trong 1 tháng nêu chỉ bán cho điện lực?
Suất đầu tư phụ thuộc vào thiết bị, thông thường từ khoảng 15-20 triệu đồng//KWP và sẽ sản xuất được khoảng 120KWh/tháng tại khu vực TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà).
Nếu chỉ bán cho điện lực, với giá 2.000 đồng/KWh như hiện nay, nhà đầu tư sẽ thu về được khoảng 200.000 đồng/tháng hoặc 2,4 triệu đồng/năm.
Trần Văn Ánh
11:17 ngày 17/12/2020
Tôi có kế hoạch lắp trên mái nhà ngang 4 mét dài 10 mét, vậy toàn bộ kinh phí đầu tư khoảng bao nhiêu?
Tuỳ thuộc vào loại Pin, nhà đầu tư có thể lắp được tối đa khoảng 5KWP, với chi phí từ 80-100 triệu đồng.
Lê Xuân Hưng
11:17 ngày 17/12/2020
Cá nhân muốn lắp đặt pin mặt trời có được không?
Theo quy định hiện tại, mọi tổ chức, cá nhân đều được quyền đầu tư lắp đặt pin năng lượng mặt trời. Để có thông tin chi tiết, bạn có thể liên hệ Trung tâm chăm sóc khách hàng Tổng Công ty Điện lực TP HCM (1900545454) để được hướng dẫn cụ thể.
Mộc An
11:17 ngày 17/12/2020
Điện tái tạo giúp giảm ô nhiễm môi trường, còn hiệu quả phát điện lại không được đánh giá cao do nguồn này có đặc thù không thể phát liên tục do ảnh hưởng thời tiết. Vậy có thể kỳ vọng đầu ra và hiệu quả kinh tế thực sự cho các dự án?
Với sự phát triển của công nghệ và các phương thức lưu trữ nguồn điện hiện nay, những hạn chế của năng lượng tái tạo đang được Chính phủ các nước và các công ty trên thế giới giải quyết.
Vấn đề này đang được giải quyết rất tốt, bằng chứng là các quốc gia đều ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, như Đức tỉ lệ năng lượng tái tạo trên 50%. Do đó, có cơ sở để kỳ vọng đầu ra và hiệu quả kinh tế thực sự của các dự án trong lĩnh vực này.
Giang Văn Lưu
11:18 ngày 17/12/2020
Nhà tôi sử dụng 300kw/h mỗi tháng thì lắp pin mặt trời diện tích là bao nhiêu? Kinh phí thế nào?
Với nhu cầu sử dụng điện của gia đình là khoảng 300 KWh/tháng, thì mỗi ngày có được 10KWh thì bạn cần lắp 3KWP, và diện tích cần thiết vào khoảng 15-20m2.
Kinh phí cho hệ thống này vào khoảng 50-60 triệu đồng.
Minh Phong
11:20 ngày 17/12/2020
Suất đầu tư và hiệu quả của một dự án điện mặt trời quy mô lớn? Nhà đầu tư cần chú ý điều gì khi tham gia vào lĩnh vực này?
Điện mặt trời quy mô lớn thường có suất đầu tư cao hơn so với điện mặt trời áp mái do cần phải đầu tư cao về mặt công nghệ, chi phí sử dụng đất và xây dựng khung giá đỡ. Hiệu quả của dự án điện mặt trời phụ thuộc vào vị trí dự án (giá đền bù và bức xạ) cũng như năng lực của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là sắp xếp tài chính.
Nhà đầu tư cần nắm rõ chính sách và hiểu rõ năng lực của mình. Thời kỳ đầu tư ồ ạt vào điện mặt trời quy mô lớn đã kết thúc.
Trần Hoàng Linh
11:21 ngày 17/12/2020
Nếu không kịp công nhận COD trước 1-1-2021, dự án điện mặt trời sẽ phải đấu thầu về giá. Tuy nhiên, quy định cụ thể về việc đấu thầu ra sao hiện vẫn chưa có. Vậy dự án điện mặt trời sau thời điểm này sẽ được áp dụng chính sách giá như nào?
Định hướng việc đấu thầu chỉ áp dụng cho các dự án có công suất lớn, không áp dụng cho điện mặt trời mái nhà.
Với điện mặt trời mái nhà, trong trường hợp chưa có giá mới, nếu khách hàng có nhu cầu nối lưới, ngành điện vẫn tiến hành gắn điện kế 2 chiều, ghi nhận sản lượng và tiến hành thanh toán tiền cho khách hàng sau khi Chính phủ có ban hành giá mới.
Phạm Ngọc Duy Phong
11:24 ngày 17/12/2020
Mình có cái nhà cỡ 100 mét vuông ở Mộ Đức - Quảng Ngãi, muốn làm điện năng lượng mặt trời thì thủ tục hòa lưới như thế nào, chi phí cho 10kva hết cỡ bao nhiêu? Thân mến
Người dân có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời, có thể gọi điện đến số đường dây nóng của EVN là 1900545454 hoặc liên hệ tại điện lực địa phương để được hướng dẫn chi tiết. Hiện nay, thủ tục hoà lưới rất đơn giản, do lĩnh vực này đang được nhà nước khuyến khích.
Với nhà có mái 100m2, người dân có thể lắp đặt được tối đa 15KWP, chi phí cho việc lắp đặt 10KWP như câu hỏi còn phụ thuộc vào loại mái mà người dân đang sử dụng. Chi phí trung bình hiện vào khoảng từ 17-20 triệu đồng/KWP.
Như Quang
11:24 ngày 17/12/2020
Với diện tích mái nhà là 52 m2 và chi phí tiền điện trong nhà trả hàng tháng là 1,2 triệu. Vậy cho tôi hỏi đầu tư điện mặt trời có hiệu quả ko? Và bao nhiêu năm thì mới thu hồi được vốn đầu tư
Thời gian hoàn vốn điện mặt trời mái nhà hiện tại khoảng 5-6 năm. Với diện tích của bạn có thể lắp được 8kWp, chi phí khoảng 100 triệu đồng, tiền điện thu được hàng tháng khoảng 2 triệu đồng.
Nguyễn khắc lộc
11:26 ngày 17/12/2020
Quê tôi ở Thanh Hóa. Tôi muốn đầu tư điện NLMT trên trang trại tổng hợp thì có hợp lý ko? Bức xạ anh ánh sáng có đạt không? Khi tôi dự định đầu tư DA dưới 1 MW trên diện tích khoảng 1 hecta có đủ ko? Xin tư vấn giúp!
Việc đầu tư điện năng lượng mặt trời trên mái trang trại tổng hợp sẽ rất hiệu quả. Bức xạ ánh sáng ở tỉnh Thanh Hoá tuy không tốt như các tỉnh phía Nam nhưng vẫn có thể bảo đảm hiệu quả đầu tư, với thời gian hoàn vốn trong khoảng từ 7-8 năm.
Để đầu tư 1MWP sẽ cần diện tích tối thiểu khoảng 0,8ha, với diện tích mà bạn đọc đang hỏi thì có thể đủ để đầu tư như mong muốn.
LÊ NGỌC THỜI
11:26 ngày 17/12/2020
Lắp pin mặt trời 2KWp, chi phí như thế nào và chiếm diện tích bao nhiêu? Cảm ơn
Chi phí để lắp 2KWP sẽ vào khoảng 40 triệu đồng và cần diện tích tối thiểu 5m2.
Hồ Ánh, Đà Nẵng
11:26 ngày 17/12/2020
Vừa qua gia đình tôi cũng có nhu cầu lắp điện mặt trời nhưng thực sự có quá nhiều công ty chào hàng, chủng loại Pin, bộ chuyển đổi từ Châu Âu đến Trung Quốc rồi Việt Nam! Giá cả cũng trăm hoa đua nở thật sự rất bối rối. Xin hỏi nhà nước đặc biệt ngành Công thương có thẩm định, công bố và khuyến cáo gì về công nghệ, vật liệu... để có cơ sở chắc chắn cho người tiêu dùng lựa chọn?
Ngành điện đã lựa chọn một số sản phẩm và đối tác lắp đặt đủ uy tín, chất lượng để phối hợp với khách hàng trong việc đầu tư điện mặt trời mái nhà. Bạn có thể tham khảo trên trang web sola.evn.com.vn
Trần Văn Nghĩa
11:26 ngày 17/12/2020
Riêng tại miền Nam, điện mặt trời, điện gió trong tương lai có bù đắp được tình trạng thiếu điện dự báo sẽ rất nặng nề trong giai đoạn 2021-2025 không? Vì sao?
Hiện tại, theo các nghiên cứu về tiềm năng năng lượng tái tạo (mặt trời, gió) thì miền Nam có công suất rất lớn, tuy nhiên việc biến tiềm năng thành hiện thực rất khó khăn và phức tạp, đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ nhiều bên, trong đó chính sách về phát triển năng lượng của nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
Hiện tại, nhà nước đang xây dựng quy hoạch phát triển năng lượng mặt trời, gió trong tương lai theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam hướng đến 10 đến 20 năm tới, cũng như các chính sách nhằm khuyến khích các nhà đầu tư đóng góp vào, quá trình đó.
Cụ thể, đang xây dựng khung giá FIT cho các loại hình năng lượng tái tạo khác nhau (điện mặt trời áp mái, điện mặt trời trên mặt nước, điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi), nhờ đó mà thu hút các nguồn lực để đầu tư mạnh mẻ cho sự phát triển theo quy hoạch này. Tuy nhiên, khung giá FIT 2021 có đủ hấp dẫn các nhà đầu tư hay không thì còn phải đợi thực tế trả lời.
Riêng tại TP HCM việc phát triển điện mặt trời áp mái có triển vọng phát triển rất tích cực. Thứ nhất, do chi phí lấp đặt cho một đơn vị KWp điện mặt trời, hiện tại xắp xỉ 1000USD/KWp và trong tương lai sẽ còn giảm nữa, vì thế chi phí đầu tư cho các dự án điện mặt trời áp mái sẽ ngày càng giảm. Thứ hai, theo lộ trình giá điện thương phẩm của ngành điện sẽ ngày càng tăng do đó việc lắp đặt và sử dụng điện mặt trời sẽ mang lại lợi ích tài chính rất tốt cho khách hàng sử dụng điện. Đặc biệt, đối với các khách hàng có tỉ số tự dùng cao vào thời gian ban ngày thì sẽ có thời gian thu hồi vốn nhanh, 4 đến 5 năm.
HungLe
11:28 ngày 17/12/2020
Nhà mình xài 550kw/ tháng, lắp điện mặt trời công suất bao nhiêu thì không phải trả tiền điện hàng tháng?
Về nguyên tắc, bạn không thể sử dụng toàn bộ điện năng sản xuất từ hệ thống điện mặt trời mái nhà do ban đêm hệ thống không phát điện.
Do đó, nếu đầu tư hệ thống ắc quy để trữ điện thì sẽ không hiệu quả về mặt kinh tế.
Với nhu cầu sử dụng của gia đình là 550KWh/tháng hay tương đương 20KWh/ngày, về nguyên tắc, bạn chỉ cần đầu tư khoảng 6KWP là đủ, với chi phí khoảng 100 triệu đồng là có thể đủ cho nhu cầu của gia đình.
Phùng Quang Minh
11:28 ngày 17/12/2020
Theo quy hoạch phát triển điện VIII vừa được công bố hồi tháng 8, trong giai đoạn tới, Việt Nam phải trông chờ vào nguồn năng lượng tái tạo để bù đắp khoảng thiếu hụt đang ngày càng tăng. Xin hỏi Nhà nước có chính sách gì để khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư?
Hiện tại Nhà nước khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể là điện mặt trời và điện gió thông qua các biểu giá mua lại điện từ 2 nguồn này: với điện mặt trời là Quyết định 13 ngày 6-4-2020 và điện gió là Quyết định 39 ngày 10-9- 2018.
Ngọc Lệ
11:29 ngày 17/12/2020
DN đề xuất nhà nước hỗ trợ chính sách ra sao để tư nhân có thể tham gia nhiều hơn vào hạ tầng truyền tải nhằm giải quyết vấn đề thiếu tải?
Hiện nay, Luật Điện lực quy định nhà nước độc quyền truyền tải. Tuy nhiên, không làm rõ phạm vi độc quyền. Chúng ta đều biết rằng việc vận hành hệ thống truyền tải là an ninh năng lượng quốc gia và chắc chắn sẽ phải độc quyền. Song, các cấu phần khác trong ngành truyền tải như đầu tư, cung cấp dịch vụ... có thể có sự tham gia của các thành phần kinh doanh khác. Việc này cũng đã được khẳng định trong Nghị quyết 55/BCT cũng như trong Luật PPP.
Như vậy, đối với nhà đầu tư tư nhân, mong muốn của chúng tôi là có một hành lang pháp lý rõ ràng để nhà đầu tư đồng hành với EVN giải quyết bài toán truyền tải, đặc biệt trong đầu tư truyền tải.
Hồ Ánh, Đà Nẵng
11:30 ngày 17/12/2020
Theo dư luận giá mua điện của điện lực (nếu người tiêu dùng xài không hết điện) sẽ giảm giá vào năm 2021, thực hư thế nào? Cho biết thêm về chính sách giá của ngành điện?
Giá mua điện mặt trời sẽ được điều chỉnh sau ngày 31-12-2020; hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành phù hợp với sự phát triển công nghệ và giá thành đầu tư của hệ thống điện mặt trời.
Huy Li
11:31 ngày 17/12/2020
@Ông Đặng Quốc Bảo : Cho hỏi chi phí cho một cột điện gió là bao nhiêu và cá nhân có thể hùn tiền với Trung Nam làm điện gió hay không?
Chi phí đầu tư một MW điện gió khoảng gần 2 triệu USD, với công nghệ hiện tại, mỗi trụ gió có công suất từ 4-5 MW. Mỗi dự án nhỏ có quy mô khoảng 40 MW. Từ đó, bạn có thể tính toán để triển khai đầu tư hoặc liên kết với các công ty đầu tư chuyên nghiệp.
Phan Minh
11:33 ngày 17/12/2020
Xin hỏi chiều cao tối đa cho phép khi dựng tấm năng lượng mặt trời ở quận Bình Thạnh TP.HCM?
Về phía ngành điện không có quy định chiều cao tối đa khi dựng tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà. Tuy nhiên, quá trình đầu tư và lắp đặt cần phù hợp với quy chuẩn xây dựng và quy hoạch đô thị của khu vực.
Trần Văn Phước
11:35 ngày 17/12/2020
Nhà tôi đã sử dụng 1 hệ thống điện mặt trời hòa lưới công suất 6.5KVA 6 tháng nay. Qua theo dõi và so sánh công suất phát điện hàng ngày trên app của Inverter và thông báo của ngành điện hàng tháng tôi thấy có sự chênh lệch giữa 2 chỉ số trên thực tế, cụ thể là công suất phát lên lưới hàng tháng của cty điện lực báo chỉ bằng 40-50% công suất mà tôi theo dõi và ghi được trên app. Xin cho biết lí do? cám ơn.
Bạn đã sử dụng một phần lớn điện năng hệ thống phát trước khi bán lại cho điện lực. Như vậy là bạn đã đầu tư rất hiệu quả.
Nguyễn Thanh Long
11:37 ngày 17/12/2020
Tôi ở Quận 2, TPHCM, muốn lắp đặt điện NLMT trên máy nhà nhưng chỉ muốn bán điện cho EVNHCM, có được không và thủ tục như thế nào?
Theo Quyết định 13 năm 2020 thì khách hàng có quyền bán toàn bộ sản lượng cho ngành điện. Vì vậy, bạn có thể liên hệ Trung tâm Chăm sóc khách hàng Tổng Công ty Điện lực TP HCM (19005454) để được hướng dẫn các thủ tục lắp công tơ 2 chiều.
Vũ Ngọc Tân
11:39 ngày 17/12/2020
Điện mặt trời có áp dụng hoà mạng bao lâu? địa phương nào áp dụng?
Việc lắp đặt điện mặt trời được áp dụng trên toàn quốc. Tại TP HCM, khách hàng sẽ được giải quyết thủ tục đấu nối trong vòng 2 ngày, thời hạn hợp đồng kéo dài 20 năm.
Lenam
11:39 ngày 17/12/2020
Là DN tư nhân đã làm thành công đường dây truyền tải. Trung Nam có thể cho biết những khó khăn, vướng mắc gì trong qúa trình làm đường dây truyền tải?
Thực ra, chúng tôi không phải là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên thực hiện đường dây truyền tải và trạm biến áp 220-500 KV. Điều khác biệt là đường dây này được bàn giao cho EVN và cho nhiều nhà đầu tư sử dụng chung.
Do đây là trường hợp đầu tiên nên chắc chắn có những khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, thiếu hành lang pháp lý trong quá trình đầu tư cũng như chuyển giao. Tuy nhiên, do dự án này có ý nghĩa lớn về chiến lược và dân sinh nên được sự ủng hộ rất lớn từ phía cơ quan quản lý cũng như cả hệ thống chính trị, bao gồm Quốc hội, Chính phủ, các Ban Đảng Trung ương và đặc biệt là địa phương.
Tôi mong rằng dự án của chúng tôi không phải là trường hợp duy nhất mà sắp tới sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư đường dây truyền tải.
Phan Văn Nga
11:42 ngày 17/12/2020
Tôi có mảnh đất 5000 m2 tại Cần Thơ. Trước đây trồng lúa nhưng nay không còn nguồn nước. Do vậy tôi muốn đầu tư làm điện mặt trời được không? Nếu làm hết 5000 m2 thì chi phí đầu tư bao nhiêu tiền? Lợi nhuận bao nhieu%/tháng so với tiền vốn bỏ ra? Tổ chức doanh nghiệp cá nhân nào làm tốt việc xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời? Xin được chia sẻ
Để xem xét cho quyết định đầu tư này, bạn cần liên hệ tới UBND huyện để xin phê duyệt dự án đầu tư điện mặt trời áp mái. Bởi theo quy định hiện hành, đất trồng lúa không được phép xây dựng bất cứ công trình dân dụng nào.
Trong trường hợp chính quyền cho phép bạn chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khi đó bạn mới có thể đầu tư.
Và với 5.000m2, bạn có thể đầu tư tối đa 750KWP với chi phí từ 10-12 tỉ đồng, doanh thu có thể đạt khoảng 2 tỉ đồng/năm.
Bạn có thể tìm hiểu thông tin về các doanh nghiệp trong lĩnh vực này trên website EVN.Solar.com.vn
Nguyễn Vũ Nam Trung
11:44 ngày 17/12/2020
Kính thiển vấn đáp các tiền bối, Hiện tại các quy định chi tiết về các công trình điện áp mái. Sang năm 2021 có thay đổi đột biến gì không? Nếu có thể chi tiết như các trang trại nấm như trước kia không?
Chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời theo Nghị định 13 của Chính phủ sẽ hết hạn vào ngày 31-12-2020.
Như vậy, trong thời gian sắp tới, chúng ta sẽ phải chờ quy định mới liên quan đến vấn đề này.
Tuy nhiên, tôi cho rằng với tình hình thiếu hụt điện năng như hiện nay, Chính phủ cũng sẽ vẫn tiếp tục khuyến khích đầu tư trong thời gian tới.
Bình luận (0)