Dưới góc độ pháp luật, yêu cầu người bán xe máy, môtô đã qua sử dụng khi ký hợp đồng công chứng phải xuất trình giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân là hoàn toàn phù hợp quy định pháp luật. Vì sao như vậy?
Người bán phải có trách nhiệm chứng minh
Bộ Luật Dân sự (BLDS) 2015, Luật Hôn nhân và Gia đình (HN-GĐ) 2014 và các văn bản pháp luật có liên quan về quyền sở hữu tài sản đã quy định chặt chẽ về điều kiện chủ thể tham gia giao dịch. Trước đây, có thể vì một lý do nào đó mà một vài tổ chức hành nghề công chứng không yêu cầu người bán chứng minh tình trạng hôn nhân khi ký hợp đồng mua bán xe máy, môtô. Sự "linh động" này, xét cho cùng là không đúng pháp luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua và chính tổ chức hành nghề công chứng.
Xe máy, môtô (không phụ thuộc giá trị cao hay thấp) là động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (điều 107 BLDS, Luật Giao thông đường bộ 2008, Thông tư 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an). Đối với loại tài sản này, theo Luật Công chứng 2014, khi giao dịch tại tổ chức hành nghề công chứng thì bên bán phải cung cấp các giấy tờ về quyền sở hữu và các giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
Việc yêu cầu bên bán xe máy đã qua sử dụng phải chứng minh tình trạng hôn nhân là nhằm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bên mua. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: NGUYỄN HẢI
Theo Luật HN-GĐ 2014, tài sản trong thời kỳ hôn nhân là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đứng tên một người thì không đồng nghĩa với việc tài sản đó là sở hữu riêng.
Tài sản chung của vợ chồng là tài sản chung hợp nhất, do vậy trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng theo Luật HN-GĐ thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi.
Điều 213 BLDS 2015 quy định sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Để thực hiện quyền sở hữu, vợ chồng thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
Như vậy, để chứng minh người bán có đủ thẩm quyền định đoạt tài sản thì họ phải có trách nhiệm chứng minh. Theo Luật HN-GĐ, nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên là đủ điều kiện để kết hôn, do vậy khi tham gia các giao dịch đối với tài sản bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu thì phải có trách nhiệm chứng minh tình trạng hôn nhân.
Để tránh giao dịch bị vô hiệu
Việc chứng minh tình trạng hôn nhân trong các giao dịch mua bán xe máy, môtô đã qua sử dụng không phải là làm khó người dân mà là một thủ tục bắt buộc của pháp luật để bảo đảm chủ thể tham gia giao dịch có đủ thẩm quyền định đoạt tài sản, tránh tình trạng giao dịch bị vô hiệu do tài sản là đối tượng giao dịch thuộc quyền sở hữu chung. Nếu không làm chặt chẽ, người thứ ba ngay tình (người mua) tham gia giao dịch sẽ bị thiệt thòi do giao dịch bị vô hiệu.
Theo quy định tại điều 133 và điều 168 BLDS, người đồng sở hữu xe máy có quyền khởi kiện tranh chấp tài sản mà người kia đã bán cho bên thứ ba mà không được sự đồng ý của họ. Trường hợp này, tổ chức hành nghề công chứng và cả bên thứ ba sẽ vướng rắc rối về pháp lý, đối diện với các vụ việc kiện tụng vừa mất thời gian vừa hao tốn tiền của.
Như vậy, việc tổ chức hành nghề công chứng yêu cầu bên bán phải chứng minh tình trạng hôn nhân (đã lập gia đình hay còn độc thân) là nhằm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bên mua và bảo vệ chính tổ chức hành nghề công chứng. Bên bán không thể "kêu ca" về mặt thủ tục trong trường hợp này, bởi đây là trách nhiệm của họ mà theo quy định pháp luật phải tuân thủ.
Cũng xin nói thêm, pháp luật về quyền sở hữu tài sản không quy định là tài sản giá trị thấp thì các đồng sở hữu có quyền tự định đoạt khối tài sản chung mà không cần có ý kiến của các đồng sở hữu khác. Từ đó, có ý kiến đề xuất với những tài sản có giá trị thấp thì người bán không cần phải xuất trình giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Theo tôi, cách hiểu này sẽ không phù hợp pháp luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua ngay tình và tổ chức hành nghề công chứng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-12
Bình luận (0)