xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bánh tét của yêu thương

NGÔ THANH HÒA

Có bao giờ bạn vô tình ngửi thấy một mùi hương hay nếm một món ăn gợi nhớ những ngày Xuân xa? Bạn có tin một món ăn có thể được tạo ra từ một khoảnh khắc?

Tuổi thơ tôi gắn liền với vùng biển nắng gắt nhưng hiền hòa Phan Thiết. Nơi mà mỗi khi đặt chân đến, bạn sẽ cảm nhận ngay trong gió mùi hương nồng nồng kích thích vị giác và muốn lao ngay vào bếp, đó là nước mắm.

Những ngày Tết thời thơ ấu, má thường làm những món ăn truyền thống xứ Quảng - kết hợp giữa quê má (Quảng Nam) và quê ba (Quảng Ngãi) - cùng các món ăn địa phương Bình Thuận. Bao giờ cũng vậy, ba tôi vẫn lặng lẽ đứng sau lưng má, thỉnh thoảng chêm đôi câu góp ý cho món Tết thêm đậm đà. Anh em tôi lăng xăng trong bếp, phụ việc vặt, chủ yếu là ngó ba má nấu bánh tét, măng khô hầm, bánh thuẩn, bánh cốm.

Thường tôi xung phong cùng má chuẩn bị phần lớn các món bánh Tết và cận thềm năm mới thì cùng ba đi chợ Xuân lựa cho được những cành mai vàng chi chít nụ. Cả nhà ngồi quanh bếp lửa nhìn làn khói nhẹ bốc lên từ nồi bánh tét. Tinh mơ hôm sau, nhập nhèm tỉnh giấc, tôi háo hức vớt những đòn bánh tét nóng hổi.

Thanh âm của những ngày Tết xưa đầm ấm ấy đã trở đi trở lại trong tâm trí tôi trong gần 20 cái Tết một mình ở nước Úc xa xôi.

Bánh tét của yêu thương - Ảnh 1.

Tôi sang Úc để du học ngành marketing rồi có điều kiện tiếp xúc với ngành ẩm thực, trở thành quản lý tại một nhà hàng của người Úc. Những ngày 30 Tết ở xứ người phải làm việc, tôi vẫn dành cho mình một khoảng lặng để dạo quanh khu phố người Việt, cố gắng cảm nhận chút không khí Tết cổ truyền. Để rồi sau một ngày mệt nhoài trở về, tôi lại nhớ quay quắt món ăn Việt thơm ngon, dạt dào tình cảm của má. Nhớ lắm hình ảnh má hiền từ, tỉ mẩn, chăm chút từng món ăn cho bữa cơm tất niên tươm tất. Món bánh truyền thống làm tại xứ người dù cũng nguyên liệu ấy nhưng hương vị thật sự rất khác khi còn ở quê nhà. Đó là món bánh tét đã không được làm từ tình yêu thương của ba má.

Từ năm 2012, trở về Việt Nam làm việc, mỗi khi Xuân về, tôi luôn dành cho mình cơ hội làm những món cổ truyền để cùng gia đình thưởng thức. Giờ đây, chúng ta có thể mua những món ăn cho ngày Tết, nhất là món bánh cầu kỳ như bánh tét, thật sự dễ dàng, chỉ cần đến siêu thị là có ngay. Nhưng cảm giác tuyệt vời và đầy ý nghĩa chỉ đến khi chính tay ta tự đi chợ chọn nguyên liệu, chuẩn bị, chế biến và bày biện món ăn cho những người thân yêu.

Bánh tét của yêu thương - Ảnh 2.

Nấu ăn luôn mãi là niềm đam mê không giới hạn. Vào bếp làm một món có thể rất quen thuộc với tôi nhưng chỉ cần thay đổi một chút là sẽ thành món mới. Nhiều năm sống ở nước ngoài và đặc biệt Sydney khiến tôi đôi lúc phá cách, kết hợp các nét văn hóa ẩm thực độc đáo khác nhau để sáng tạo một món ăn mới nhưng rất đỗi quen thuộc. Xuân này, tôi muốn đưa kỹ năng nấu các món phương Tây vào cách chế biến của Việt Nam để mang đến hương vị thật mới mẻ qua món Tết vạn ý nghĩa.

Nếp được chuẩn bị như làm món bánh tét, được kết hợp với rau củ như cà rốt, khoai lang, củ dền, đậu đỏ, đậu Hòa Lan, có thêm ít giò, nấm hương và hương vị trứng muối mặn mà. Nếp được ngâm qua đêm rồi hấp bằng xửng cho chín. Đây là cách nấu xôi theo kiểu người Bắc. Xôi vừa mềm, dẻo, ráo thì cắt thành lớp mỏng vừa với kỹ thuật cán bột làm bánh. Rau củ được thái mỏng rồi chần sơ để giữ được hương vị ngọt giòn. Sau đó, tất cả được xếp thành lớp và cuộn lại như đòn bánh tét. Việc kết hợp với rau củ tạo sự hài hòa và phong phú cho hương vị để chúng ta có thể thưởng thức món ăn trọn vẹn hơn. Cuối cùng, có thể hấp sơ qua hoặc cuộn giấy bạc rồi nướng trong lò nướng hoặc chiên nhẹ.

Bánh tét của yêu thương - Ảnh 3.

Với cách làm này, có thể giữ trong tủ lạnh để có thể thưởng thức món bánh trong 3 ngày Tết, nếu ăn kèm với củ kiệu, dưa món thì còn gì tuyệt vời hơn! Điều quan trọng là món này sẽ giúp cho những ai thường đảm nhận việc nấu nướng trong những ngày Tết thoải mái mời người thân yêu món ăn mới nhưng thân quen, đầy tiện lợi. Cũng có thể kết hợp một số hương vị như cốm xanh của miền Bắc, cơm dừa của miền Nam và vị cay nồng của miền Trung để làm cho món ăn thật sự gần gũi với các vùng miền khác nhau.

Nguyên liệu để làm món Tết vạn ý nghĩa khá đơn giản, dễ tìm, cách làm quen thuộc. Không quá nhanh ngán, lại nhiều rau củ tốt cho sức khỏe, món này hứa hẹn tạo nên bất ngờ lớn cho mọi người đang chờ đón thưởng thức cùng gia đình trong không khí đầm ấm ngày Xuân.

Sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên vật liệu cùng hương vị đậm đà đặc trưng đã tạo nên nét hấp dẫn, lôi cuốn cho các món ăn Việt Nam khiến tôi đi đâu, làm gì, cũng nhớ về và cảm thấy mình cần cố gắng hơn nữa để đưa ẩm thực Việt đến gần với thế giới hơn. Đến lúc món ăn Việt cần có sự thay đổi để cùng hòa nhịp vào sự phát triển ẩm thực chung trong khu vực châu Á, cần lắm sự sáng tạo để làm nên món mới trên những nguyên liệu thân quen.

Ngô Thanh Hòa sinh ra và lớn lên tại Phan Thiết (Bình Thuận). Năm 21 tuổi, du học tại Central Queensland University ở Sydney (Úc), tốt nghiệp cử nhân ngành marketing. Gần 20 năm sau, trở về nước, tham gia và đoạt Quán quân MasterChef 2013. Sách đã xuất bản: Từ niềm đam mê nấu ăn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo