Đó là phản ánh của người dân ở một số ấp thuộc xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP HCM với Báo Người Lao Động.
Đơn cử, các hẻm nhánh trong hẻm 1697/26 Lê Văn Lương (ấp 3) có cư dân sinh sống ổn định nhưng chưa được gắn đồng hồ dù chỉ cách đường ống vài chục mét. Gia đình chị Huỳnh Thị Thu Hằng phải nhờ một hộ ở đầu hẻm cho kéo đường ống để có nước sạch sử dụng, các hộ dân khác lại tiếp tục kéo đường ống từ gia đình chị Hằng và phải trả tiền rất cao (khoảng 18.000 đồng/m3) do vượt định mức bình quân đầu người. Nhiều hộ dân muốn được gắn đồng hồ nhưng vì ngành cấp nước yêu cầu để đồng hồ ngoài đầu đường nên không dám lắp đặt do khó quản lý.
Ở ấp 1, hẻm 672 Nguyễn Bình, gần chục hộ dân phải “hùn tiền” lắp đặt đồng hồ tổng ở ngoài đường, một đường ống nhỏ kéo vào trong hẻm nơi gắn gần chục đồng hồ “con” trước khi vào từng nhà dân. Một hộ dân được phân công mỗi tháng đi đóng tiền nước cho Công ty CP Cấp nước Nhà Bè, sau đó ghi chỉ số nước của từng hộ dân để thu tiền. Tất cả hộ dân đều phải trả tiền nước rất cao.
Tình trạng này còn diễn ra ở cuối hẻm 1959 Lê Văn Lương (ấp 4) khi ngành cấp nước chỉ kéo đường ống đến giữa hẻm, hơn chục hộ dân lại phải tự bỏ tiền kéo đường ống vào nhà để có nước sạch sử dụng.
Ông Hứa Trọng Nghi, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nhà Bè, cho biết cuối năm 2016, đơn vị này đã có một đợt khảo sát và gắn đồng hồ nước cho các hộ dân ở xã Nhơn Đức. Đối với các tuyến hẻm phát sinh mà Báo Người Lao Động phản ánh, công ty sẽ cử nhân viên xuống khảo sát và lên kế hoạch gắn đồng hồ nước cho người dân.
Còn ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), cho biết trong năm 2017, các đơn vị thành viên đang lên kế hoạch xóa bớt các giải pháp cấp nước qua bồn chứa, đồng hồ tổng… để phát triển các tuyến ống vào. SAWACO cùng các đơn vị cố gắng đến năm 2019 sẽ đưa đồng hồ nước đến tận nhà người dân. Kinh phí lắp đặt nhà nước lo, người dân không phải chịu tiền chi phí này. Đối với các khu vực gần đường ống, ngành nước sẽ cố gắng phát triển mạng lưới để gắn đồng hồ nước.
Bình luận (0)