“Nền nhà của hàng trăm hộ dân hiện đã thấp hơn mặt đường Tam Bình (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM) vậy mà nay quận lại tiếp tục thực hiện dự án nâng đường với mức độ “khủng” hơn, từ 0,4-1,9 m. Hàng trăm nhà dân rồi sẽ thành “hầm” trong nay mai...”. Người dân ngụ đường Tam Bình phản ánh với Báo Người Lao Động.
Chẳng ai biết cốt nền bao nhiêu…
Được biết, dự án làm đường và hệ thống thoát nước Quốc lộ 13 cũ (thuộc phường Hiệp Bình Phước, điểm đầu tuyến giao với Quốc lộ 13, điểm cuối tuyến tiếp giáp cầu Vĩnh Bình) do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình quận Thủ Đức làm chủ đầu tư nhằm mục đích bảo đảm giao thông và vệ sinh môi trường. Dự án có tổng chiều dài 1.401 m sẽ cải tạo, mở rộng và nâng cao mặt đường lên 0,4-1,9 m so với mặt đường cũ để bảo đảm cao độ 2,5 m tại vị trí vai đường, đồng thời ngầm hóa cáp điện lực, viễn thông.
UBND quận Thủ Đức cho biết dự án được phê duyệt với mức đầu tư hơn 378 tỉ đồng, 270 hộ dân bị giải tỏa để mở rộng đường theo thiết kế. Theo tìm hiểu, đơn vị tư vấn khảo sát và lập dự án này là Công ty TNHH Tư vấn thiết kế B.R. Đây cũng là công ty tư vấn thiết kế dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân).
Quay lại những tuyến đường bị nâng lên, hạ xuống để chống ngập, như đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), Bạch Đằng, Hồng Hà (quận Tân Bình)…, chúng tôi ghi nhận người dân hai bên đường vẫn đang tiếp tục gọt nhà, đổ đất cho bằng mặt đường và cũng không ai biết cốt nền bao nhiêu, vài năm nữa căn nhà sẽ cao hay lại thấp hơn mặt đường vì khi xây dựng chẳng ai hướng dẫn.
Ông Huỳnh Ngọc Phú (ngụ đường Kinh Dương Vương) cho biết cách đây 3 năm, nhà ông đã từng nâng nền một lần lên gần 1 m, bây giờ không thể nâng nữa nên phần phía sau trở thành tầng hầm. “Mỗi lần sửa nhà, tôi đều ra phường hỏi nâng lên bao nhiêu thì hết ngập nhưng không ai trả lời nên tôi chỉ ước chừng mặt đường bị ngập bao nhiêu rồi nâng lên thêm 40 cm nữa” - ông Phú kể.
Còn anh Trần Thái Bình (ngụ đường Bạch Đằng) cho biết do đường Bạch Đằng nền đất yếu, ngập triền miên nên khi xây mới nhà, anh làm nền cao hơn 60 cm so với mặt đường. “Nếu lúc đó tôi xây dựng không đúng cốt nền, tức sai giấy phép, thì lực lượng quản lý đô thị đã yêu cầu dừng lại. Bây giờ nhà xây xong, bỗng dưng gọt đường xuống cả mét, nhà tôi trở nên chênh vênh, buộc phải hạ xuống theo” - anh Bình bức xúc.
Ông Châu Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho rằng Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 chưa bàn giao cốt nền của dự án trên thực địa cho quận. Từ năm 2008 đến nay, quận đã cấp phép xây dựng cho 73 căn nhà trên tuyến đường Hồng Hà và Bạch Đằng nhưng trong thời gian này, quận không nhận được văn bản đề nghị cung cấp cốt nền hoàn thiện dự án của cá nhân hay một tổ chức nào đã được cấp phép xây dựng trước khi khởi công.
Không thể quy hoạch cốt nền cứng nhắc
Theo GS-TSKH Lê Huy Bá, hiện TP chưa có cốt nền chuẩn để người dân căn cứ vào đó xây nhà và chính quyền địa phương cấp phép xây dựng. Tuyến đường có chỗ cao, chỗ thấp nên khi làm đường không thể lấy một cốt nền duy nhất cho toàn tuyến. Vì không có cốt nền chuẩn và áp dụng đồng bộ nên dẫn tới tình trạng “nhà nâng theo đường, đường nâng theo nhà”, tốn kém ngân sách và tiền bạc của người dân.
KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích quy hoạch giao thông và thoát nước, bao gồm quy hoạch cốt nền chưa phối hợp tốt với quy hoạch kiến trúc. Một thời gian dài quy hoạch cốt nền ít được xem trọng, dẫn đến việc thoát nước toàn TP thiếu hiệu quả. Sau khi quy hoạch cốt nền được lập lại, các công trình được cấp phép xây dựng mới vẫn dựa theo cốt nền cũ, những khu vực có đường giao thông và hệ thống cấp thoát nước chưa được nâng hoặc hạ theo quy hoạch mới. Do đó khi thực hiện nâng cấp đường giao thông và hệ thống cấp thoát nước theo quy hoạch mới thì xảy ra tình trạng nền nhà thấp hơn (hoặc đôi khi cao hơn) đường như hiện nay.
Một điều quan trọng là quy hoạch cốt nền không thể chỉ áp dụng máy móc theo nguyên tắc chỉ dựa trên lý thuyết cho toàn TP mà không nghiên cứu sâu hiện trạng để có những giải pháp phù hợp với toàn cục. Ngoài ra, cần có thêm những giải pháp phù hợp về kỹ thuật riêng cho các khu vực có hiện trạng dân cư phức tạp. Đồng thời phải có sự thông tin và chương trình hỗ trợ cho người dân trước khi thực hiện các dự án nâng cấp hạ tầng có gây ảnh hưởng lớn.
“Việc xác định cốt nền tối thiểu 2 m trở lên cho toàn TP như hiện nay có phần cứng nhắc. Nhiều khu vực không nhất thiết phải cố gắng bằng mọi giá nâng cốt nền tối thiểu lên 2 m hoặc hơn như các khu vực công viên cây xanh có thể giữ cốt tự nhiên. Đối với những khu vực dân cư dày đặc chưa thể giải tỏa, cải tạo hoặc nâng cấp theo diện rộng thì có thể xem xét các giải pháp làm sao cho kinh tế nhất, phù hợp với định hướng thoát nước toàn khu vực mà lại ít xáo trộn đến đời sống người dân” - ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, các tuyến đường đã được quy hoạch nâng đường thì khi cấp phép xây dựng phải dựa trên cốt nền quy hoạch mới. Như vậy, người dân có thể chọn kiến trúc phù hợp và kinh tế khi đường được nâng cấp.
Bài học nâng đường Kinh Dương Vương
Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP HCM, các giải pháp xây dựng đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) khi đưa ra phải bảo đảm đạt được mục tiêu nhưng không ảnh hưởng đến đời sống người dân. Về mặt kỹ thuật cần nghiên cứu làm giảm bớt độ cao, giảm cao độ từ tim đường sang hai bên. “Việc xây gờ cao trước nhà dân trông rất phản cảm, Trung tâm Chống ngập cần rút kinh nghiệm trong vấn đề này. Đây cũng là bài học trong công tác chống ngập. Nguyên tắc trong chống ngập không phải chỉ nâng cao độ, điển hình như Phú Mỹ Hưng (quận 7) có địa hình thấp nhưng tạo được hướng thoát nước và có nơi chứa nước là ao hồ tự nhiên” - ông Hoan nói.
Bình luận (0)