Bản chất của tội phạm trước nay vẫn thế nhưng nhìn chung thời gian gần đây thì manh động, táo tợn hơn. Tuy nhiên, cốt lõi của phòng chống tội phạm là ngăn ngừa chứ không phải để xảy ra rồi mới xử lý.
Trộm, cướp do đâu?
Trộm, cướp manh động đi từ hành vi ít nguy hiểm đến hành vi nguy hiểm cao độ là để đối phó với phản ứng của người bị hại dẫn đến hậu quả khó lường, nhiều vụ gây chết người càng khiến người dân bất an khi ra đường. Để giảm tội phạm trộm, cướp, cướp giật ở một TP đông dân như TP HCM là một vấn đề rất nan giải.
Nhiều năm tham gia xét xử tại TAND TP HCM, tôi bắt gặp có những người liên tục phạm tội, cứ ra tù là lại dùng chiêu thức cũ để tiếp tục trộm, cướp. Có người gần như cả đời vào tù ra khám, từ lúc còn thiếu niên đến khi đầu đã bạc. Họ coi việc phạm tội là phương thức nuôi sống bản thân nên rất khó quản lý, giáo dục.
Ma túy đá, thuốc lắc đang là tệ nạn làm đau đầu các cơ quan quản lý nhà nước. Tại TP HCM, ma túy nhan nhản từ đầu hẻm đến quán bar, vũ trường, khách sạn. Từ việc sử dụng ma túy đến thực hiện hành vi phạm tội chỉ là ranh giới mong manh. Hầu hết các vụ cướp táo tợn, tội phạm đều sử dụng ma túy.
Bên cạnh đó, tốc độ người di cư đến TP HCM hơn 213.000 người/năm, trong đó đáng lo là nhóm lao động phổ thông trình độ học vấn thấp, thất nghiệp, không được sự chăm sóc, giáo dục, dễ sa ngã, phạm tội khi môi trường sống thay đổi.
Ngoài ra, phải kể đến rất nhiều vụ bị chiếm đoạt tài sản là do sự thiếu cảnh giác của người dân, tự biến mình thành "mồi ngon" của tội phạm khi để tài sản hớ hênh, "mỡ treo miệng mèo".
Đối tượng Trương Hồng Thái (SN 1995; ngụ quận 4, TP HCM) bị bắt vào cuối tháng 4-2018 sau khi giật điện thoại và kéo lê nạn nhân ở quận 1Ảnh: Lê Phong
Cần giải pháp đồng bộ
Công an TP HCM đang tiến hành thu thập dữ liệu trong dân chúng, tôi cho rằng đó là biện pháp rất tốt. Từ việc có những dữ liệu quan trọng về con người sẽ rất dễ trong vấn đề quản lý hành chính cùng nhiều vấn đề dân sinh khác. Tuy nhiên, nói một cách nghiêm túc, cần phải có chính sách đồng bộ của Chính phủ, TP HCM mới có những bước phát triển tốt trong việc phòng chống tội phạm.
Xây dựng đô thị thông minh, chính quyền liên kết chặt chẽ với người dân bằng hệ thống công nghệ cũng cần có nghiên cứu dài hạn. Nhiều quận, huyện đã triển khai việc tố giác tội phạm qua Facebook, mạng xã hội rất hiệu quả. Vấn đề là khi người dân tích cực tố giác qua mạng, lực lượng công vụ cũng cần phải phản ứng nhanh, tiến hành việc xác minh, xử lý ngay để tạo lòng tin trong nhân dân.
Bên cạnh đó, cần phải trang bị camera khắp TP, đồng thời bố trí lực lượng quản lý và phản ứng nhanh chứ nay vẫn còn hiện tượng trang bị camera để có thành tích báo cáo, không có người theo dõi, rất lãng phí.
Đối với những đối tượng tái phạm nguy hiểm, cần thiết phải áp dụng những biện pháp nghiêm khắc hơn nhưng vẫn phải phù hợp với từng hoàn cảnh. Có giai đoạn từng có quan điểm cho rằng không nên xử dưới khung và cho hưởng án treo đối với tội cướp giật. Tôi cho rằng cũng cần xem xét từng hoàn cảnh, từng con người. Với những người sa ngã vì hoàn cảnh, cần có chính sách cho họ phấn đấu, xóa bỏ thành kiến và đừng nên chặn đường sống của họ.
Đặc biệt, để hạn chế nạn cướp giật, lãnh đạo TP HCM cần đưa ngành nghề cầm đồ vào dạng quản lý đặc biệt; xử lý thích đáng nếu phát hiện sai phạm, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Thường thì những nơi cầm đồ, tiêu thụ chưa được xử lý nghiêm vì trên biên bản, họ nói không biết là đồ do trộm, cướp. Cần lưu ý rằng đối với những tài sản có giá trị cao, nếu không có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì không được cầm cố, không được tiêu thụ vì đó là vi phạm pháp luật. Nhiều tiệm cầm đồ mặc dù tài sản có giá trị cao không có giấy tờ chứng minh nhưng vẫn cầm cố, tiêu thụ cần được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.
Kết nối với người dân
Theo số liệu thống kê từ Công an TP HCM, trong năm 2017, trên địa bàn TP xảy ra 4.809 vụ phạm pháp hình sự. Các loại án xâm phạm sở hữu tài sản và xâm phạm nhân thân được kéo giảm mạnh (án cưỡng đoạt tài sản giảm 41,5%, án cướp giật tài sản giảm 10,14%, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản giảm 35,22%, chống người thi hành công vụ giảm 22,45%).
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM, cho biết năm 2018, Công an TP sẽ có kênh thông tin để kết nối với người dân, chia sẻ những vấn đề mà lực lượng công an cần nắm bắt, giải quyết. "Bên cạnh việc nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, chúng tôi còn cố gắng tạo sự chuyển biến về cách tiếp cận người dân. Rất mong nhân dân đóng góp ý kiến để chúng tôi tự hoàn thiện mình" - ông Lê Đông Phong nói.
P.Dũng
Bình luận (0)