Bé gái N.T.C. gần 3 tháng tuổi ở TP Đà Lạt vừa nhập viện trong tình trạng tổn thương nội sọ, gãy xương cẳng tay, gãy xương đùi, gãy xương cẳng chân cùng một số chấn thương nặng khác.
Khai với công an, Trần Hoài Thương, kẻ sống chung với mẹ C., nói đã ra tay bạo hành bé trong các ngày 14, 15 và 20-5 vì lý do "bé hay quấy khóc". Khi bị tạm giữ, cả Thương lẫn người tình đều được xác định dương tính với ma túy.
Trước những thông tin này, nhiều bạn đọc không giấu nổi sự phẫn nộ. Tất cả đều lên án và nóng lòng muốn pháp luật sớm trừng trị đích đáng thủ phạm của chuỗi hành vi bạo hành này.
Bé C. đang được điều trị tại bệnh viện
Trong khi độc giả Lê Nản nhận xét mà như mắng: "Lại xuất hiện ác thú" thì Sao Khuê xót xa: "Tội nghiệp cho con, con sống ở gia đình đó, cuộc đời con khó có thể bình an".
Nickname Dân Nghèo cảm thấy khó hiểu khi tấm gương tày đình vụ bạo hành bé 8 tuổi tử vong ở quận Bình Thạnh (TP HCM) tưởng có thể tạo sự răn đe cần thiết thì lại xuất hiện sự việc này. "Mới tuyên tử hình mẹ ghẻ hành hạ bé gái đến chết mà bọn quỷ đội lốt người này không sợ?" – bạn đọc này bức xúc.
Tài khoản Caonguyengoigiovalua@... cảm thán: "Sao dạo này ngày càng nhiều vụ bạo hành trẻ em thế không biết. Số lượng và mức độ nguy hiểm của các vụ bạo hành ngày càng tăng. Thiết nghĩ phải có cơ chế mới để quản lý riêng những người có thể gây hại cho trẻ em".
Bạn đọc Trần Hoài Thương nêu ý kiến người mẹ vừa ly thân chồng tháng 2 -2023, đang có con 3 tháng. Đến tháng 3 - 2023 lại sống cùng người tình, cùng phê ma túy, chứng kiến người tình đánh con dã man không can ngăn thì rất đáng chê trách.
Liên hệ việc người cha nhiều tiền án ở huyện Hưng Hà (Thái Bình) vừa bị khởi tố vì hành hạ chính con ruột 5 tuổi của mình đến đa chấn thương, bạn đọc Kỳ Minh bày tỏ thương xót những trẻ sống trong những gia đình có những người lớn không hoàn chỉnh về nhân cách.
Theo bạn đọc Kỳ Minh, bên cạnh việc nhanh chóng phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi bạo hành trẻ thì về lâu dài, cơ quan chức năng phải có các tác động mang tính chiều sâu trong tuyên truyền, giáo dục để ngăn chặn từ xa những sự việc đáng tiếc. "Làm sao để bất cứ người lớn nào cũng tự biết xấu hổ và không dám có ý định xâm phạm đến thân thể, tâm lý, sự an toàn của con trẻ, có vậy xã hội mới không tái xuất hiện những sự việc gây đau lòng" – Kỳ Minh nói.
Bình luận (0)