Khi tôi còn là chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XI, chúng tôi quan tâm rất nhiều công việc từ thẩm tra, giám sát, kiến nghị những vấn đề xã hội, trong đó có vấn đề gia đình mà người chịu bạo hành nhiều nhất là 3 nhóm yếu thế, gồm trẻ em, người già và phụ nữ. Từ đó, chúng tôi đã thảo luận về Luật Phòng chống bạo lực gia đình và trẻ em ở 2 kỳ họp liên tục. Đến đầu khóa XII thì luật được thông qua vào năm 2008. Đến bây giờ là 10 năm luật có hiệu lực.
Luật chưa đi vào cuộc sống
Trên thực tế, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và trẻ em cũng đã mang tính răn đe đối với những gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực. Thế nhưng, hành vi bạo hành trẻ em ngày càng nhiều và tính chất, mức độ ngày càng dã man, nguy hiểm.
Tôi rất đau lòng khi phải nghe những vụ án mà người thân trong gia đình sát hại nhau. Đây là một thực trạng đáng buồn, đáng báo động về dấu hiệu một xã hội xuống cấp đạo đức nghiêm trọng. Tôi suy nghĩ mãi không sao tìm ra câu trả lời thích đáng, nếu đổ lỗi cho đạo đức xã hội xuống cấp cũng đúng nhưng vì sao lại như vậy? Nguyên nhân từ đâu?
Tôi nghĩ rằng ngày nay người ta sống vội, sống gấp gáp, bươn chải bằng mọi cách để sống. Người ta sẵn sàng sống trên sinh mệnh của người khác nên xảy ra nhiều sự việc hết sức đau lòng.
Cháu N.L.H (huyện Đông Anh, Hà Nội) tố cáo bị cha đẻ và mẹ kế bạo hành Ảnh: NGỌC THẮNG
Bên cạnh đó, có một thực tế là ít có khi nào bạo lực xảy ra trong gia đình đầm ấm, trên thuận dưới hòa, vợ chồng yêu thương. Mà bạo lực thường xảy ra ở những gia đình cha mẹ ly hôn. Lúc đó, họ không coi con là niềm hạnh phúc mà là gánh nặng. Con ở với cha thì bị mẹ kế chì chiết, chửi bới; ở với mẹ lại bị cha dượng bạo hành, xâm hại tình dục.
Đặc biệt, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và trẻ em đã có hiệu lực pháp luật 10 năm nhưng chưa thấm vào cuộc sống của mỗi người dân, nó chỉ mang ý nghĩa khẩu hiệu chứ chưa phải là hành động. Luật dù có quy định rất rõ ràng và cụ thể nhưng xét xử không nghiêm. Đáng lý những hành vi như vậy phải bị buộc vào nhóm tội như cố ý gây thương tích, giết người chứ không phải quy vào nhóm tội bạo lực gia đình.
Một thực tế nữa là trách nhiệm của cơ quan chức năng không được xử lý triệt để, đến nơi đến chốn. Để trẻ em bị bạo hành trên địa bàn, cơ quan, tổ chức rất nhiều nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm, bị xử lý dù hậu quả nặng nề.
Phát hiện bạo hành phải xử nhanh
Vấn đề trẻ em bị bạo hành đang diễn biến phức tạp, nghiêm trọng phải kể đến đầu tiên đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ chuyên trách chưa quan tâm đến chính sách về pháp luật bạo lực gia đình. Tôi cho rằng pháp luật về gia đình chưa quán triệt trong cán bộ công vụ và mọi người dân. Chúng ta phải thường xuyên phổ biến, tuyên truyền, nhắc đi nhắc lại về bạo lực gia đình để người dân hiểu đánh con mình cũng bị xử lý chứ không để tồn tại tư duy "con tôi sinh, tôi có quyền đánh".
Tôi thấy Quốc hội vất vả, Chính phủ cực nhọc để ban hành những điều luật hòa nhập với thế giới. Tuy nhiên, tôi buồn cho những cơ quan có trách nhiệm triển khai, thanh tra, kiểm tra giám sát làm không đến nơi đến chốn nên có những luật bị người dân lãng quên.
Thực tế, pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em mới được sửa đổi, bổ sung còn tổ chức bảo vệ trẻ em thì nhiều vô kể. Mới đây, lĩnh vực gia đình được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chuyên trách nhưng xin hỏi là đã quan tâm đến gia đình đúng tầm "gia đình là tế bào của xã hội" hay chưa? Vì sao nạn bạo lực gia đình xảy ra ngày càng nhiều? Rồi đoàn thanh niên, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, tổ chức xã hội đã làm gì để bảo vệ trẻ em và quyền trẻ em?
Tôi thấy rằng với những vụ bạo hành trẻ em dã man, chứng cứ đã đầy đủ, rõ ràng thì nên rút ngắn thời gian điều tra, truy tố và xét xử. Phải đưa ra xử một cách nhanh chóng với mức án nghiêm khắc để răn đe, nếu không người ta sẽ nhanh quên và không sợ.
Cần lưu ý, để người dân ý thức về bạo lực gia đình và trẻ em thì những gì liên quan đến trẻ em, liên quan đến gia đình phải xử nặng. Người hiểu biết mà vi phạm phải xử nặng hơn.
Bây giờ thông tin nhanh chóng là nhờ có mạng xã hội. Thường sau khi những clip về bạo hành được đăng tải, người xem rất phẫn nộ nhưng không thể giải quyết được vấn đề.
Cho nên, về công tác cơ sở, khi xuất hiện thông tin trên mạng, chính quyền địa phương phải đi thị sát kịp thời can ngăn chứ đừng để khi được hỏi thì trả lời đợi nghe báo cáo bởi lúc đó có khi đã quá chậm trễ.
Cần có đường dây nóng cơ sở
Mỗi địa phương cần có cơ quan tiếp nhận đường dây nóng về bạo lực gia đình. Để công tác tiếp nhận, triển khai có hiệu quả thì cơ quan công an địa phương nên có đường dây nóng để ghi nhận tin báo bạo lực gia đình mà số điện thoại phải dễ nhớ, dễ tìm, mọi gia đình đều biết để có thể gọi ngay. Tôi thấy một số địa phương đã triển khai tiếp nhận tin báo tố giác qua Facebook cũng khá hay, nên chúng ta cần nghiên cứu làm sao để người dân dễ dàng tiếp cận, tố giác.
Bình luận (0)