Sau bài viết "Bảo kiếm đã tuốt khỏi vỏ" đăng trên Báo Người Lao Động ngày 3-8, nhiều ý kiến bạn đọc đã gửi về tòa soạn bày tỏ niềm tin vào quyết tâm của Đảng trong công cuộc chống tham nhũng lần này.
Tin vào "thanh bảo kiếm"
"Mong là kiếm sắc", "Ý Đảng lòng dân là đây", "Bắt đầu có niềm tin vào công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam", "Niềm tin của nhân dân, của xã hội về cuộc chiến diệt tham nhũng đang lớn mạnh và lan tỏa khắp mọi miền đất nước"... Đó là ý kiến của hầu hết bạn đọc khi tham gia bình luận, họ tin tưởng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ lãnh đạo xử lý dứt điểm nhiều vụ án tham nhũng nổi cộm.
"Hơn lúc nào hết, lòng dân đang mong chờ ở Đảng một ý chí sắt đá chống tham nhũng. Chúng ta phải tạo ra cho được một bảo kiếm chống tham nhũng tốt nhất" - bạn đọc Minh Đức kỳ vọng.
Bạn đọc Lexuanloi thì cho rằng: "Đại hội khóa này là đại hội người dân tâm đắc nhất trong thời gian qua. Mong rằng những hành vi tham nhũng sẽ bị lật mặt, từ vi phạm lớn đến vi phạm nhỏ. Mong rằng Đảng và nhà nước ta phát huy sức mạnh chống tham nhũng hơn nữa để người dân được no ấm".
Ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng Tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) bị bắt vì làm thất thoát 1.800 tỉ đồng Ảnh: THY SỸ
Tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ngày 31-7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ở cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo, đã đánh giá rằng "thời gian qua, đấu tranh phòng chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội". Đảng, nhà nước và nhân dân ta đã nhận thức được tham nhũng là một nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của đất nước và chế độ, phải quyết tâm hành động, "không thể đứng ngoài được, cá nhân nào không muốn làm cũng không được".
Những kết quả đạt được bước đầu khi hàng loạt sai phạm của nhiều tổ chức, cá nhân đã được Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận và kiến nghị xử lý nghiêm. Tiến độ thanh tra, xác minh các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng được đẩy nhanh... cho thấy bảo kiếm đã được tuốt khỏi vỏ, người dân có niềm tin với sự mạnh mẽ, quyết liệt của Đảng, những hành vi tham nhũng, tiêu cực rồi sẽ bị vạch mặt, chỉ tên.
"Nhân dân một lòng theo Đảng và quyết tâm chiến đấu tiêu diệt "giặc" tham nhũng. Cuộc chiến này nên đổi tên thành "tiêu diệt tham nhũng" thay vì "chống tham nhũng" để thể hiện rõ ý chí quyết tâm và sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân" - bạn đọc Trịnh Hà viết.
Còn nhiều cam go, gian nan
Nhiều bạn đọc cũng cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng chắc chắn còn nhiều cam go, gian nan. Để chống được căn bệnh trầm kha này phải sử dụng liều thuốc mạnh, sẽ chịu nhiều vật vã, đau đớn nên rất cần có sự đoàn kết cao trong Đảng, nhà nước và nhân dân. "Thực tế hiện nay, hành vi tham ô, tham nhũng, quan liêu hách dịch, suy thoái đạo đức thể hiện ngay từ trong tư duy. Thể hiện cấp thấp nhất là quản lý đô thị, giao thông, phụ trách xử lý hồ sơ... Vì vậy, phải quán triệt từ tư duy, xử lý nghiêm minh từ khi còn là chuyên viên, cán sự; chọn lọc kỹ càng trước khi xây dựng cán bộ nguồn và bổ nhiệm" - bạn đọc Hoàng Nhật góp ý.
Còn bạn đọc Hoàng Văn Điền đề nghị: "Tham nhũng đã làm mất niềm tin của dân với Đảng, vì vậy phải làm liên tục, làm từ cao xuống thấp, khi chặn được chỗ nương tựa ở trên thì bên dưới công phá sẽ dễ hơn".
Cho rằng việc công khai thông tin tham nhũng, minh bạch trong cách xử lý để người dân giám sát cũng chính là cách để xử lý tham nhũng hiệu quả, củng cố niềm tin cho người dân, bạn đọc Minh Anh nêu ý kiến: "Minh bạch và công khai là vũ khí sắc bén để chống tham nhũng có hiệu quả nhất. Phải làm như thế nào để người dân thấy chúng ta thực hiện đúng nội dung nghị quyết của Đảng: Đã sai phạm thì không có vùng cấm; rút ngắn khoảng cách đã nói là làm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Từ đó, niềm tin của dân đối với công tác phòng chống tham nhũng và xử lý tham nhũng sẽ được nâng lên".
Bạn đọc An Khuê lưu ý thêm việc tích cực giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng của dân; thực sự trách nhiệm, quyết liệt trong xử lý nghiêm các cán bộ liên quan đến tham nhũng; có cơ chế bảo vệ thật tốt người tố cáo tham nhũng đúng... Lúc đó, người dân sẽ có lòng tin và vào cuộc, cùng chung tay đồng lòng với Đảng, Chính phủ làm trong sạch bộ máy, triệt tiêu tham nhũng.
Ông LÊ VĂN SANG, cử tri quận Tân Bình, cựu chiến binh:
Phải tăng nặng hình phạt
Chưa năm nào như năm nay khi trên các mặt báo liên tục đưa tin về các cán bộ sai phạm bị xử lý. Trong đó có cả những người đang tại chức, đương chức. Nạn tham nhũng thực sự như là giặc nội xâm, gây mất ổn định xã hội, suy giảm lòng tin của nhân dân.
Bản thân tôi kỳ vọng các cơ quan cấp cao phải xử lý nghiêm minh các cán bộ sai gây thất thoát tiền của nhân dân. Mặc dù luật quy định xử lý ở khung hình phạt tù nhưng tôi nghĩ phải tăng mức phạt cao hơn, đủ sức răn đe toàn xã hội. Vì để có một đồng tiền đóng thuế, người dân bỏ ra rất nhiều mồ hôi, công sức. Phải xử lý những bức xúc của người dân về tham nhũng, tiêu cực thì lòng tin của người dân với Đảng sẽ tăng.
Ông TRẦN QUAN, nguyên cán bộ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:
Tin dân, dựa vào dân
Để công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục thắng lợi, chúng ta phải đề cập đến vai trò của báo chí. Khi xử lý đến đâu phải công khai, minh bạch thông qua kênh báo chí để thăm dò dư luận.
Tham nhũng thời nào cũng có, muốn giải quyết phải để nhân dân tham gia giám sát công cuộc phòng chống tham nhũng. Không có gì qua được tai mắt của nhân dân. Đảng phải tin dân, dựa vào dân và hành động cho dân thấy thì dân mới tin Đảng. Tôi tin với sự chỉ đạo mạnh mẽ của Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ban Nội chính Trung ương, Đảng và dân ta sẽ loại trừ được những đối tượng tham nhũng, lợi dụng quyền hạn, chức vụ để trục lợi.
L.PHONG ghi
Bình luận (0)