xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bạo lực học đường: Lỗi tại ai?: Phụ huynh hiến kế

Vy Thư ghi

Tạo một môi trường để học sinh gắn bó, đoàn kết, có trách nhiệm tập thể cũng là cách để ngăn bạo lực học đường hiệu quả

Ý Nhi (quận 8, TP HCM):

Luân phiên làm cán sự lớp

Đọc tin nữ sinh lớp 7 bị đánh vì không nghe lời lớp trưởng, tôi thấy trái ngược với trường hợp của con mình: bị bạn dọa đánh vì… làm lớp phó!

Năm lớp 6, con gái tôi được giáo viên chủ nhiệm (GVCN) đề cử làm lớp phó kỷ luật. Khi con hỏi ý kiến, tôi hào hứng khuyến khích nhận lời nhưng chỉ sau một thời gian, con buồn bã nhờ tôi đến gặp GVCN xin không làm nữa vì bị các bạn xa lánh, hăm dọa đánh.

Tôi động viên con báo việc này với GVCN để được giúp đỡ. Tôi nói ai cũng có thể gặp phải những thử thách trong cuộc sống, nếu vượt qua được thì thành công sẽ gõ cửa. Con gái tôi khá mạnh mẽ, quyết định tiếp tục làm lớp phó, đồng thời nghĩ ra cách làm tốt nhiệm vụ mà không mâu thuẫn với bạn. Cụ thể, con đưa ra quy định bạn nào nói chuyện trong giờ học, con chỉ nhắc nhở; nếu vi phạm lần thứ 3, sẽ ghi tên và báo với GVCN. Bên cạnh đó, con thay đổi cách báo cáo tình hình, không nêu tên các bạn vi phạm vào giờ sinh hoạt lớp mà gửi riêng cho GVCN.

Học sinh Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (quận 3, TP HCM) trong giờ học ngoại khóa ở Thảo Cầm Viên Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Học sinh Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (quận 3, TP HCM) trong giờ học ngoại khóa ở Thảo Cầm Viên Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Mọi chuyện cứ thế trôi qua. Đến ngày sinh nhật con gái, tôi đề nghị mời bạn bè của con đến dự, con khăng khăng từ chối. Tôi gặng hỏi, con bật khóc: “Con không có ai là bạn thân cả, mấy bạn không thích con”. Con tâm sự thời gian làm lớp phó là những tháng ngày cảm thấy cô đơn nhất trong đời học sinh. Tôi chợt hiểu con đã phải chịu áp lực quá lớn khi nhận nhiệm vụ lớp phó.

Đầu năm lớp 8, GVCN mới tiếp tục đề cử, lần này con gái không hỏi ý kiến tôi mà từ chối ngay. Tương tự, khi con trai tôi bước vào cấp 2, được GVCN đề cử vào ban cán sự lớp nhưng chỉ sau thời gian ngắn đã xin thôi vì sợ những lời hăm dọa của bạn.

Thiết nghĩ nhà trường nên tổ chức cho học sinh luân phiên tham gia làm cán sự lớp. Khi được trải nghiệm ở từng vị trí, học sinh sẽ học được khả năng ứng xử , tổ chức, trách nhiệm đối với tập thể, từ đó cảm thông, đoàn kết, yêu thương nhau hơn... thì tình trạng bạo lực học đường sẽ giảm. Bởi suy cho cùng, lớp học cũng là một phần xã hội thu nhỏ.

Nguyễn Thụy Kim Quyên (quận Tân Bình, TP HCM):

Nên phát huy học nhóm

Hè vừa rồi, chúng tôi phải chuyển nhà nên con tôi phải chuyển trường khi chuẩn bị bước vào lớp 7. Thời gian đầu, con rất buồn do các bạn không chơi cùng, không trò chuyện, luôn xem là người lạ. Ngày nào đón con về, tôi cũng thấy con đăm chiêu, buồn bã, than không hợp bạn mới. Tôi cố gắng lắng nghe, chia sẻ, gợi ý cách ứng xử phù hợp với môi trường mới nhưng xem ra kết quả vẫn không như ý.

May sao, trường con học, thầy cô thường giao đề tài học nhóm, tổ chức học ngoại khóa…, mỗi lần chừng 8-12 học sinh/nhóm. Những lúc đó, tôi mời các bạn của con về nhà làm đề tài, có vấn đề gì khó, tôi cùng trao đổi; đồng thời, phục vụ nước uống, đồ ăn nhẹ... Lúc đầu, các cháu ngại ngần nhưng những lần sau, các cháu khá thoải mái, tự nhiên. Rồi không biết từ lúc nào, các cháu xem tôi như là thành viên của lớp, chuyện gì cũng kể cho tôi nghe, học ngoại khóa ở đâu cũng kéo tôi theo. Phải khéo léo thu xếp thời gian để có thể đồng hành cùng con nhưng từ đó, tôi không còn nghe tiếng con gái thở dài sau mỗi buổi đi học về.

Tôi nghĩ sự tẩy chay, xa lánh đối với lứa tuổi học trò cũng đồng nghĩa với bạo hành về mặt tinh thần. Vì vậy, nếu thầy cô biết cách tổ chức cho học sinh làm đề tài theo nhóm cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của phụ huynh thì những buổi học nhóm sẽ giúp từng học sinh có tính tập thể, đoàn kết, tương thân tương ái, từ đó bạo lực học đường sẽ không có chỗ xen vào.

 

Mẹ xin lỗi!

Chiều nay, trên đường chở mẹ về, con trai bảo: “Xem clip con bé (học sinh ở Trà Vinh bị bạn đánh hội đồng - PV) bị đánh y như con ngày trước. May mà con không thèm nhớ gì về ngày đó nữa...”.

Nghe con nói, mẹ giật mình. “Sao con không bao giờ nói với ba mẹ?” - “Con nói, ba mẹ có tin đâu? Con bị tụi nó bắt nạt, đánh suốt từ cấp 2 lên cấp 3, tan học phải trốn vào thư viện hoặc trèo tường. Con nói ba mẹ chở con đi học mấy bữa cho tụi nó sợ mà ba mẹ không chịu, tưởng con lười”.

Đắng lòng! Lúc đó mẹ ở đâu? Sao mẹ lại bỏ mặc con thế? Mẹ cứ nghĩ lo cho con ăn mặc, học hành; đến trường có thầy cô, bạn bè, nào ngờ thả con vào một “đấu trường”.

Con vẫn kể đều đều: “Có bữa tụi nó đánh con sưng mặt, chỉ mong có ba mẹ đến đón. Chờ mãi chẳng thấy, đành lủi thủi về...”.

Đau lòng quá! Lúc đó mẹ ở đâu? Mẹ lo đón em, tất tả về nấu cơm, tắm giặt... Cứ nghĩ con lớn rồi phải biết tự thu xếp... Thấy mặt con có vết bầm, mẹ còn la mắng con ham chơi, đánh lộn... Tội cho con quá!

“Đi học mà cứ hiền lành bị tụi nó đánh suốt. Để không bị bắt nạt, phải ngầu, phải tỏ ra chịu chơi...” - con đúc kết.

Tim mẹ lại nhói đau. Con đi học thành người hay thành Chí Phèo đây? Một năm họp phụ huynh 2-3 lần theo một công thức na ná nhau. Gọi điện cho cô giáo nghe những nhận xét chung chung. Rồi sinh hoạt đoàn, họp lớp, đi trại... Cuối cùng như vậy đó...

10 năm rồi, mẹ mới biết. Ơn trời vì con đã vượt qua để trưởng thành và không hư hỏng.

Con trai, mẹ xin lỗi!

Minh Tâm (Đà Nẵng)

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo