Từng cùng các cộng sự tâm huyết thực hiện chuỗi hoạt động văn hóa ứng xử học đường từ năm 2011, tôi cho rằng nhà trường cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, thông qua việc dành nhiều thời gian hơn cho học sinh tiếp cận các kiến thức thiên về kỹ năng.
Bằng chứng là từ năm 2011, nhóm chuyên gia chúng tôi đến các trường học để truyền đạt văn hóa ứng xử học đường thông qua hình thức sinh hoạt ngoại khóa sau mỗi buổi chào cờ thứ hai đầu tuần. Các chuyên đề chúng tôi chia sẻ gồm kiến thức và kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục, các vấn đề liên quan đến tình bạn và tình yêu của tuổi mới lớn, cách thức tự bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, dù rất nỗ lực nhưng các hoạt động đó cũng chỉ như muối bỏ bể khi nhiều trường chưa thật sự quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng sống trong học đường. Cụ thể, các buổi sinh hoạt có sự tham gia cùng lúc của cả ngàn học sinh nhưng lại được sắp xếp trong khoảng thời gian vô cùng hạn chế.
Kế đến, ai cũng thấy cũng biết bạo lực học đường gia tăng tỉ lệ thuận với bạo lực xã hội, bạo lực của người lớn. Với những trẻ sinh trưởng trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, cha mẹ thường xuyên cãi vã, miệt thị nhau, sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay... hay các em thường bị cha mẹ bạo hành, nhiếc móc thì không tránh khỏi những tác động nặng nề. Tâm lý tuổi vị thành niên nhiều phức tạp cộng với ảnh hưởng xấu được gieo mầm từ môi trường sống khiến trẻ dễ dùng nắm đấm thay cho đối thoại là điều tất yếu. Ðáng nói, trẻ không chỉ có xu hướng tấn công bạn cùng lứa hay trẻ nhỏ hơn, mà có khi tấn công cả những người lớn khiến trẻ không vừa ý như cha mẹ, thầy cô, hàng xóm... Vì vậy, với những trẻ có hoàn cảnh thế này, người lớn phải đặc biệt quan tâm để kịp thời uốn nắn, hướng trẻ đi đúng đường.
Ðặc biệt, một thực tế rất xót xa trong hầu hết các vụ việc bạo lực học đường là nạn nhân thường sợ hãi chịu trận, không thể phản kháng, không dám kêu gọi sự hỗ trợ từ người khác. Dù việc đánh trả không được khuyến khích nhưng nạn nhân cũng cần can đảm vượt qua sự yếu thế hoặc có giải pháp né đòn, tránh những đòn hiểm vào các vùng nguy hiểm như đầu, bụng... Ít nhất, nạn nhân cần phải lớn tiếng cầu cứu khi bị tấn công hoặc nhanh chóng tìm đến các kênh hỗ trợ, kể cho người lớn nghe để tìm kiếm sự giúp đỡ. Chính các nạn nhân bị ức hiếp, đôi khi vì quá sợ hãi nên cũng không dám đứng lên tố cáo kẻ đã gây tổn thương đến mình... càng làm cho tình hình bạo hành, bạo lực học đường càng lúc càng leo thang. Việc này, người lớn cũng cần quan tâm dạy trẻ.
Tốt nhất là người lớn cần có trách nhiệm tạo dựng môi trường gia đình và học đường trở nên vui vẻ hơn, để gia đình là tổ ấm, để lớp học là ngôi nhà thứ hai. Một môi trường hạnh phúc, nơi người người quan tâm và yêu thương nhau sẽ góp phần hạn chế phát sinh những mâu thuẫn, xung đột - nguồn cơn của bạo lực. Trách nhiệm này thuộc về tất cả người lớn, không riêng một ai.
Bình luận (0)